Ngày 21/11, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

thu hoi tai san tham nhung nguyen thi thuy bac kan
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 21/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) – Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho hay tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng thống kê thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất (khoảng 10%).

“Một trong những kỳ vọng của cử tri đối với việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng là giải quyết được vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng. Tuy nhiên, dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, không có cơ chế xử lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện rất thấp”, đại biểu Thủy bày tỏ.

Đại biểu tiếp tục phân tích: “Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng, nhưng kỷ luật người kê khai chỉ có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể nào thu hồi được tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.

Muốn tịch thu khối tài sản này phải thông qua vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử; xong các thủ tục đó thì rất khó thu hồi tài sản, nhiều vụ án đã không còn tài sản để thi hành án”.

Đưa ra quan điểm khác với ban soạn thảo dự luật, đại biểu cho hay theo giải thích của Ban soạn thảo, việc không bổ sung cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp là để phù hợp với nguyên tắc tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc nhà nước, muốn tịch thu khối tài sản đó, cơ quan nhà nước phải chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vì tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm rất cao, do đó nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được.

Đại biểu cũng cho hay các quốc gia có mô hình phòng chống tham nhũng hiệu quả cũng không hy vọng thu hồi 100% tài sản tham nhũng, vì vậy trách nhiệm giải trình và chế tài áp dụng khi không giải trình rõ tài sản đã được các nước đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản.

Đại biểu cũng cho rằng quyền tài sản là quyền hiến định, do đó nếu được đưa vào dự thảo luật, phương án thu hồi tài sản tham nhũng phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp, công khai, chặt chẽ, có đủ thời gian cho người có tài sản giải trình và phải do tòa án phán quyết chứ không tịch thu bằng con đường hành chính.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề khác liên quan đến nội dung dự thảo: đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM),… đề cập đến phạm vi đối tượng của luật phòng chống tham nhũng; đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề cập tới nguyên tắc, trình tự, thẩm quyền tịch thu tài sản do tham nhũng mà có,…

Hoàng Bảo

Xem thêm: