Kết quả khảo sát và thăm dò địa chất đáy sông Vàm Nao cho thấy tại khu vực sạt lở ở tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông có hai hố xoáy lớn, rộng sâu hàng chục mét. 

Chiều 10/5, ông Lữ Cẩm Khường – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết kết quả khảo sát và thăm dò địa chất đáy sông Vàm Nao của Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam. Tại đoạn khu vực sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) có hai hố xoáy.

Hố xoáy thứ nhất nằm sát đường liên xã, nơi xảy ra sạt lở làm 14 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm xuống sông hồi cuối tháng 4. Hố này sâu 22 – 30 m, dài hơn 100 m, rộng trên 90 m.

Hố xoáy thứ hai nằm song song hố thứ nhất, cách bờ tại vị trí sạt lở khoảng 180 m, dài 380 m, rộng 180 m, sâu 44 m. Đây là hố xoáy trung tâm, ước tính hình thành khoảng 10 năm nay.

sat lo an giang 2
Hai trong 16 ngôi nhà bị đổ sụp xuống sông Vàm Nao ngày 22/4. (Ảnh chụp clip)

Về phương pháp xử lý, hiện Sở NN&PTNT đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất, lấp khẩn cấp hố xoáy gần bờ gây sạt lở bằng cách thả bao tải cát xuống, sau đó trải thảm đá gia cố chống xoáy. Kinh phí dự kiến khoảng 50 tỷ đồng,  thời gian xử lý là 2 tháng.

Phương án thứ hai, xây bờ kè dài hơn 1,5 km cho đoạn bờ sông này với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Đây là phương án lâu dài, tuy nhiên, chưa được thông qua. Còn việc xử lý khẩn cấp hố xoáy gần bờ đã được UBND tỉnh làm tờ trình xin Chính phủ hỗ trợ kinh phí và sẽ chỉ định thầu để xử lý khẩn cấp, không để xảy ra sạt lở tiếp tục, ông Khường cho hay.

Ngoài việc xử lý nguy cơ sạt lở thì về lâu dài, toàn bộ hộ dân, chợ, trường học và các công trình công cộng cần phải được di dời vào khu dân cư.

sat lo
Toàn bộ căn nhà bị kéo chìm xuống sông. (Ảnh chụp clip)

Hiện toàn tỉnh có 51 điểm có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 160 km (chiếm 40% đường bờ sông trên địa bàn). Ông Tô Hoài Phong – trưởng Phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở NN&PTNT An Giang cho hay trong 51 điểm sạt lở nguy hiểm, có 23 điểm cực kỳ nguy hiểm cần phải di dời dân khẩn cấp.

Tỉnh ủy An Giang đã đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để di dời hơn 20.000 hộ ảnh hưởng sạt lở vào tuyến dân cư.

Hiện tại tỉnh đang gấp rút xây dựng 15 cụm, tuyến dân cư tại 15 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng với 16 hộ mất nhà do sạt lở sông Vàm Nao đã được một doanh nghiệp tài trợ xây dựng nhà cửa ở khu dân cư. Yêu cầu là từ nay đến năm 2025, tỉnh phải chuyển hết người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở về nơi ở mới.

Sạt lở đã diễn ra nhiều năm và ngày càng trầm trọng

Cuối tháng 4/2017, An Giang, Đồng Tháp lần lượt công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ lâu với tần suất ngày càng dồn dập và tăng cao về mức độ nghiêm trọng.

Đối với tỉnh An Giang, thống kê từ năm 2015 – 2017 đã xảy ra gần 40 vụ sạt lở đất ven bờ sông, làm 142 căn nhà rơi xuống sông và nhiều tài sản khác, ước tính thiệt hại hơn 100 tỷ đồng/năm. Tổng số các đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở là 51 đoạn (điểm), với tổng chiều dài 162km trên tổng 400km đường bờ sông (tương đương 40%). Trong 162km cảnh báo sạt lở có 15 đoạn dài khoảng 30km có khả năng sạt lở cao, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân.

Gần đây nhất là vụ sạt lở tại bờ sông Vàm Nao xảy ra ngày 22/4 tại khu vực tổ 14, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới. Vụ sạt lở khiến 16 căn nhà và đất đổ sụp xuống sông. Chiều dài đoạn sạt lở hơn 120m, lấn sâu vào bờ trên 35m và cắt đứt đường giao thông liên xã. Tổng thiệt hại hơn 9 tỷ đồng.

Tới 13h cùng ngày, khu vực này tiếp tục xảy ra sạt lở khiến hơn 40 căn nhà khác có nguy cơ đổ sụp. Tính đến ngày 24/4, 90 căn còn lại và một nhà máy xay xát hiện chỉ là nhà trống, tài sản đã được di dời hết.

Tại Đồng Tháp, sạt lở xảy ra liên tiếp tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 10 trên tổng số 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

sat lo
Một căn nhà ven sông Tiền (khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp) bị khoét sâu sau một lần sạt lở. (Ảnh: baodongthap.vn)

Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết từ năm 2005 đến nay số điểm bị xói lở bờ sông tuy có tăng, giảm theo từng năm, nhưng nhìn chung xu hướng ngày càng mở rộng. Dòng chính sông Tiền khoảng 122,9km thì có từ 23 – 101km đường bờ sông bị xói lở (chiếm 20 – 80%); đã mất tổng cộng 291,74ha đất do nước cuốn trôi; thiệt hại do xói lở đất, nhà cửa và di dời dân ước tính 320 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, huyện Hồng Ngự xảy ra 3 vụ sạt lở tại xã Long Thuận, dài 116m, sâu vào bờ 10-20m, sạt lở 1.630m2 gây thiệt hại 2 bè cá, ước khoảng 217 triệu đồng, ảnh hưởng tới 1 hộ dân.

Đặc biệt từ đầu tháng 4 đến nay, tại huyện Thanh Bình đã xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành. Chiều dài sạt lở 210m, diện tích sạt lở là 3.250m2 khiến 36 hộ dân, 1 kho, 1 trụ sở hợp tác xã, 1 đài nước… phải di dời khẩn cấp. Khu vực sạt lở chỉ còn cách Quốc lộ 30 từ 15-25m.

Được biết, hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 265 điểm sạt lở với tổng chiều dài lên đến hơn 450 km. Trung bình mỗi năm tình trạng sạt lở làm mất khoảng 500 ha đất, thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa an toàn nhân mạng.

Sạt lở do lòng sông thiếu cát

Theo GĐ Sở TN-MT An Giang – ông Trần Đặng Đức, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở liên tục ở An Giang là chế độ dòng chảy các dòng sông chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều trong mùa kiệt và chế độ dòng chảy từ thượng lưu về trong mùa lũ.

Ngoài ra là tác động của diễn biến thời tiết bất thường, mưa trái mùa phức tạp, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mêkông. Tất cả khiến mực nước tăng giảm không theo quy luật. Ngoài các yếu tố tự nhiên, hai bên bờ sông liên tục phát triển hạ tầng (nhà cao tầng, đường giao thông…) đã tác động đến kết cấu bờ sông…

PGS TS Dương Hồng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng đồng quan điểm khi cho hay nhiều nhà tầng kiên cố nằm sát bờ sông, lưu lượng xe ngày một nhiều với tải trọng lớn khiến kết cấu đất ở ĐBSCL với tuổi địa chất còn trẻ không chịu được lực nén lớn, dẫn đến sạt lở. Tuy nhiên, ông cho rằng hơn 50% nguyên nhân sạt lở là do thiếu hụt cát trong lòng sông.

Theo PGS TS Sơn, khoảng 10-20 năm trở lại đây, các đập thượng nguồn (thủy điện trên sông Mê Kông) giữ lại bùn cát khiến dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát để cân bằng năng lượng dư thừa, điều này khiến dòng nước phải bào xói bờ.

Trong bối cảnh như trên, việc khai thác cát không những không giảm đi mà còn tăng lên. Ông cho hay khai thác cát sẽ dẫn đến việc kết cấu địa tầng và dòng chảy thay đổi, từ đó dẫn đến tình trạng sạt lở và ảnh hưởng các tỉnh hạ nguồn. Các tỉnh thượng nguồn và nằm liền kề như An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp cần hạn chế tối đa việc khai thác cát.

Vĩnh Long (T/h)

Xem thêm: