Chiều 27/7, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Phú Yên.

du an pha rung phu yen
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt (phải) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên và các sở, ngành đi kiểm tra thực địa tại dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam, tháng 10/2016. (Ảnh: baophuyen.com.vn)

Theo kết luận thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp do ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ký, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 – 31/3/2017, Phú Yên có 41 dự án đã thực hiện hoặc có nhu cầu phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, với tổng diện tích đất cần thu hồi là 1.341,55 ha. Trong tổng số dự án nêu trên có 4 dự án đang triển khai và 37 dự án đã và đang triển khai thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng 725 ha rừng.

Có tới 39/41 dự án sử dụng đất rừng không phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011- 2020, là trái quy định của Chính phủ đã ban hành ngày 3/3/2006.

Trong 37 dự án đã và đang triển khai, tại thời điểm thanh tra, có 2 dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang thực hiện dự án. Trong đó, dự án hầm đường bộ Đèo Cả chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng trên thực tế nhà đầu tư đã chuyển 37,35 ha rừng đặc dụng; còn dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã được UBND tỉnh Phú Yên cho chuyển mục đích sử dụng 42,35 ha rừng (trong đó có hơn 31 ha rừng phòng hộ).

Theo kết luận thanh tra, UBND tỉnh Phú Yên chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, có tới 28 dự án trong số này chưa chấp hành quy định trồng lại rừng theo quy định với diện tích lên đến 171ha, nhưng vẫn thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích.

21 dự án không có đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 206ha.

Đối với dự án lớn Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam, kết luận cho biết chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ nhưng đã triển khai thi công, đốn hạ rừng làm sân golf, các công trình du lịch… Điều này là trái quy định. Đoàn Thanh tra yêu cầu Công ty TNHH New City Việt Nam tạm dừng tất cả các hoạt động làm ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích rừng, đến khi có văn bản đồng ý cho thực hiện tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đặc biệt đáng chú ý, dự án Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao do UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thực hiện trên đất tự nhiên và đất rừng trồng – diện tích gần 400 ha – ở 2 tiểu khu 310 và 311 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, được xác định là trái quy định.

Cụ thể, điểm thực hiện dự án là khu vực tiếp giáp và trải dài hơn 20 km chạy dọc theo đập chính hồ thuỷ điện sông Hinh, “ôm trọn” vành đai bán ngập bảo vệ lòng hồ thuỷ điện. Hiện trạng rừng tự nhiên và diện tích liền vùng với rừng phòng hộ lưu vực sông Hinh. Khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng hộ trực tiếp cho thủy điện sông Hinh. Do đó, việc thực hiện dự án sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo an toàn, an ninh hồ thủy điện sông Hinh.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Phú Yên không thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả của dự án theo quy định; dự án được UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng khi chưa phê duyệt phương án đầu tư trồng rừng thay thế; dự án được phê duyệt phương án khai thác tận dụng gỗ, củi trước thời điểm phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư và quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng là trái quy định.

Kết luận thanh tra kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét để đề nghị UBND tỉnh Phú Yên dừng triển khai thực hiện dự án Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại 2 tiểu khu 310 và 311; bổ sung ngay diện tích rừng của 2 tiểu khu này vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Thanh tra Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trên là do tỉnh Phú Yên ban hành cơ chế đặc thù khi thực hiện các dự án.

Thanh tra Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét đề nghị UBND tỉnh Phú Yên kiểm điểm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan; tổ chức khắc phục những sai sót đã được thanh tra đề cập.

Trước đó, ngày 16/5, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra đối với một số dự án phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép ở tỉnh Phú Yên. Thời gian thanh tra là 20 ngày, kể từ ngày 16/5. Hiện kết luận thanh tra chưa được công bố.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: