Đồ án Dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã đã được Thừa Thiên Huế điều chỉnh và đang đợi phản hồi từ Bộ Xây dựng.

cap treo
Hồ Truồi dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ. (Ảnh: Trần Minh Tâm/mytour.vn)

Ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản góp ý về đồ án. Đến tháng 6, Thừa Thiên Huế điều chỉnh nội dung của đồ án, tiếp tục trình lên và đang đợi phản hồi của Bộ Xây dựng.

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã thuộc vườn quốc gia Bạch Mã (Phú Lộc – Thừa Thiên Huế).

Theo đồ án, Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã được chia thành 6 phân khu chức năng, gồm Khu tâm linh, Làng Đỉnh núi, Làng Dịch vụ, Làng Trung tâm, Làng Di sản và Thung lũng thác nước. Trong đồ án quy hoạch có hạng mục cáp treo, nối từ trạm cơ sở (khu A) đến khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã (khu B). Dự kiến hệ thống cáp treo sẽ có 3 điểm dừng, trong đó có điểm dừng tại thác Đỗ Quyên – ngọn thác cao 300 m, được xem là thác cao nhất Đông Nam Á.

cap treo
6 phân khu chức năng tại Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã. (Hình ảnh: sdl.thuathienhue.gov.vn)

Dự án được khởi động vào năm 2009 với việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long nghiên cứu dự án xây dựng hệ thống cáp treo và khai thác du lịch tại khu vực Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc). Cáp treo sẽ nối từ chân đến đỉnh núi Bạch Mã, tổng chiều dài khoảng 4 km.

Năm 2015, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh cho biết dự án có phạm vi nghiên cứu 300 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Công ty Cổ phần My Way Hospitality đang nghiên cứu lập quy hoạch để làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

Hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và Hệ thống cáp treo Bạch Mã đã được đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2018 và định hướng đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 8/5/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.  Dự án có quy mô 400 ha, mục tiêu là xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong vườn quốc gia và các dịch vụ đi kèm.

cap treo
Sơ đồ tham quan Bạch Mã (Ảnh: wikimapia.org)

Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập vào năm 1991, với tổng diện tích 22.031 ha. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định mở rộng diện tích Vườn quốc gia Bạch Mã lên thành 37.487 ha. Đây được xem là một trong những khu vực giàu đa dạng sinh học nhất của Việt Nam và trên thế giới với 2.147 loài thực vật, 1.493 loài động vật.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế (NXB Khoa học xã hội, 2005), trong số các loài lưỡng cư đã thống kê được tại Vườn quốc gia Bạch Mã có 3 loài quý hiếm nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ. Trong 57 loài cá thống kê đã xác định được 8 loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2000.

Trong tổng số 358 loài chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã có 18 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và trong Danh lục đỏ Việt Nam (2002) và 26 loại có tên trong Danh lục thực vật, động vật cấm buôn bán, săn bắt của Nghị định 48/2002/NĐ-CP.

Đáng chú ý, trong số 132 loài thú đã ghi nhận tại vườn quốc gia Bạch Mã có 33 loài của 10 bộ thú thuộc loài quý hiếm co tên trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó 8 loài bậc E, 13 loài bậc V, 12 bậc R. Ngoài ra, còn có 3 loài thú mới cho khoa học đã được công bố vào cuối thế kỷ 20 cần được bảo vệ.

Nguyễn Quân

Xem thêm: