Mưa lớn trên diện rộng trong những ngày qua cùng với các hồ thủy điện xả lũ khiến TP. Huế chìm trong biển nước, nhiều địa phương tại các huyện bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt, tê liệt.

hue chim trong bien nuoc 2
Huế chìm trong ‘biển nước’, nhiều tuyến giao thông bị tê liệt. (Ảnh: Hồ Phong)

Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu của cơn bão số 12 và nhiễu động trong đói gió đông trên cao hoạt động mạnh, từ chiều ngày 3 – 5/11, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã mưa to trên diện rộng.

Lượng mưa đo được từ 19h ngày 3/11 đến 4h ngày 5/11 ở vùng núi phổ biến từ 500 – 600 mm; có nơi như Khe Tre (huyện Nam Đông): 626 mm; Bạch Mã: 1.397 mm; vùng đồng bằng phổ biến từ 150 – 200 m.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến trưa ngày 5/11, lũ trên các sông ở đây lên rất nhanh do mưa lớn. Mực nước trên sông Hương, sông Bồ tại Phú Ốc đều trên mức báo động 3 và tiếp tục dâng cao, đặc biệt là sông Bồ có khả năng vượt lũ lịch sử năm 1999: 0,12 m; các sông suối nhỏ có khả năng vượt mức báo động 3.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát công điện khẩn về việc ứng phó với cơn lũ đặc biệt lớn trên sông Bồ và sông Hương.

Về các hồ thủy điện tại Thừa Thiên – Huế, trong sáng 5/11, mực nước dâng tại hồ thủy điện Hương Điền trên sông Bồ lên mức: 54,88 m; lưu lượng nước về hồ: 5.128 m3/s; lưu lượng xả về hạ du: 500 m3/s.

Tại thủy điện Bình Điền, mực nước dâng tại hồ ở mức 84,15 m; lưu lượng nước về hồ: 5.100 m3/s; lưu lượng xả về hạ du 4.000 m3/s. Thủy điện A Lưới có mực nước dâng tại hồ: 52,5 m; lưu lượng nước về hồ: 1.553 m3/s; lưu lượng xả về hạ du: 1.557 m3/s. Do ảnh hưởng của triều cường dâng nên đập Thảo Long (cuối nguồn sông Hương) mở hết 15/15 cửa; đập Cửa Lác (hạ nguồn sông Bồ) mở hết 70/70 cửa nhưng nước vẫn thoát chậm khiến nước trên các sông lên nhanh.

Trưa 5/11, nước lũ đổ về nhanh đã làm vỡ hơn 100 m đê ven biển tại xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, khiến nước biển tràn vào cánh đồng gây ngập úng.

Chiều ngày 5/11, mưa lớn khiến hầu hết các tuyến đường tại TP. Huế như: Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Nguyễn Huệ, Bà Triệu,… bị ngập 0,3 – 0,7 m, có nơi hơn 1 m. Phố cổ Bao Vinh (thị xã Hương Trà) ngập sâu 0,8 – 1,2 m, người dân phải di chuyển bằng đò.

hue chim trong bien nuoc
Nhiều nơi trong khu vực TP.Huế bị ngập sâu khiến việc lưu thông, sinh hoạt của người dân, du khách bị ảnh hưởng. (Ảnh: Hồ Phong)

Nhiều tuyến đường tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Trà,… bị ngập sâu, chia cắt. Giao thông ở Thừa Thiên Huế bị tê liệt.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra thông báo cấm biển đối với tất cả phương tiện tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu; cấm các phương tiện khai thác cát trên sông cho đến khi có lệnh mới, đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và cơ các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình lũ, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,…

Theo bản tin cập nhật lúc 17h30 ngày 5/11 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 12 giờ tới, nước sông Bồ tại Phú Ốc có khả năng lên mức 5,0 m – trên báo động 3: 0,5 m (với điều kiện hồ Hương Điền điều tiết lưu lượng về hạ lưu 3.820 m3/s), dưới mức lũ lịch sử năm 1999: 0,18 m. Sông Hương tại Kim Long lên mức 10,2 m – trên báo động 3: 1,0 m.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng ở vùng trũng thấp tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà và TP. Huế.

Hải Anh

Xem thêm: