Ngày 11/5, lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có hiệp định vay ưu đãi bổ sung cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được ký kết tại Hà Nội giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank).

duong-sat-do-thi-cat-linh-ha-dong-nguy-co-doi-von-vi-phai-tra-lai-12-ty-dongngay

Theo Hiệp định ký kết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) vay bổ sung 250,62 triệu USD từ Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam ủy quyền cho Bộ Tài chính ký kết Hiệp định với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank).

Khoản vay 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất từ 3 năm trước. Tới năm 2016, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Trung Quốc, hai bên đã làm việc về khoản vốn vay bổ sung này. Đến nay, khoản vay bổ sung cho dự án chính thức được ký kết.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông gồm 13km đường sắt đi trên cao; 1,7 km ra vào khu depot, 12 nhà ga, nhà điều hành 9 tầng… Mỗi đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông có 4 toa với sức chứa tối đa 1.326 người; Năng lực vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ (tương đương 1,02 triệu người/ngày); Tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/h.

Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự án là từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên, dự án đã bị lùi lại đến tháng 4/2010 mới được động thổ và tháng 10/2011 mới chính thức được triển khai.

Tới nay, dự án đã bị đội vốn hơn 315 triệu USD. Năm 2008, dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư với số vốn 552,86 triệu USD (8.769 tỷ đồng), trong đó, vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Tuy nhiên, tới năm 2016, dự án được điều chỉnh số vốn lên tới 868,04 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD – lên 669,62 triệu USD (trong đó riêng các chi phí thuộc Hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đội lên hơn 28 triệu USD); phần vốn của Chính phủ Việt Nam tăng 64,56 triệu USD – đưa tổng số vốn góp của Việt Nam lên hơn 198 triệu USD. Nguyên nhân đội vốn chủ yếu do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và phải điều chỉnh thiết kế.

Hiện, chưa tính đến phần lãi suất phát sinh của số vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách Nhà nước, chỉ tính riêng tổng vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tương đương 14.718 tỷ đồng) với lãi suất là 3%/năm, mỗi năm dự án phải trả khoảng 442 tỷ đồng tiền lãi – tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT đưa ra mốc tiến độ khai thác toàn tuyến từ ngày 31/12/2016. Tới đầu năm 2017, dự án được thông báo tiếp tục lùi tiến độ hoàn thành hơn 1 năm, dự kiến sẽ vận hành thử từ ngày 1/10/2017; đến cuối quý 1, đầu quý 2/2018 sẽ đưa vào khai thác.

Đăng Nguyên