Đến nay, có ít nhất 3 trong số 14 thành viên có tên trong danh sách nhà khoa học tham gia dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận đã lên tiếng cho rằng mình bị mạo danh, lợi dụng tên tuổi. Sự coi thường dư luận của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ TN-MT trong việc cấp giấy phép cho một dự án giả dối.

nhan chim xa thai
Khu bảo tồn biển Hòn Cau cách vị trí đổ thải chỉ 8 km. (Ảnh: Fanpage Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau)

Mạo danh 3 nhà khoa học trong danh sách thành viên tham gia tư vấn dự án

Tiến sỹ Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam là người đầu tiên lên tiếng bức xúc cho rằng tên tuổi của ông bị mạo danh, lợi dụng khi bị đưa vào danh sách những thành viên tham gia tư vấn khảo sát địa chỉ đổ chất thải nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ngày 21/7, Tiến sỹ Nguyễn Tác An cho biết ông không tham gia quá trình đánh giá, thẩm định dự án nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.

Tiến sỹ An cho hay ông chưa lần nào làm việc với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn về việc nhận chìm bùn xuống biển Vĩnh Tân. Ông cho rằng đây là sản phẩm của sự ngụy tạo, dối trá và không kém phần ấu trĩ. Sự coi thường dư luận này nếu không làm rõ sẽ tạo tiền lệ xấu đối với hoạt động khoa học tại Việt Nam.

Tiến sỹ An cũng cho biết ngày 20/7 có người gọi điện thoại đến ông và nói là người của công ty tư vấn cho dự án, có lời xin lỗi ông với lý do là thư ký nhầm lẫn nên có tên ông trong danh sách thành viên tham gia dự án. Người này cho biết công ty tư vấn muốn đến Nha Trang gặp trực tiếp ông để xin lỗi. Tuy nhiên, Tiến sỹ cho rằng công ty tư vấn cần có lời giải thích rõ ràng trên báo chí.

Cùng với Tiến sỹ An, đến nay, hai Thạc sỹ khác có tên trong danh sách tham gia dự án đã lên tiếng phản ứng với lý do tương tự là Thạc sỹ môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) và Thạc sỹ công trình biển Lê Thị Vân Linh (Viện Kỹ thuật biển). Hai Thạc sỹ cũng đã lên tiếng xác nhận bị lợi dụng tên tuổi trong hồ sơ dự án nói trên. Thạc sỹ Trâm và Thạc sỹ Linh xác nhận chỉ mới biết thông tin qua báo chí và đang tìm hiểu để làm rõ vấn đề, từ đó có ý kiến chính thức và hướng giải quyết.

Chưa rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 – ông Phan Ngọc Cẩm Thành cho biết tất cả hồ sơ từ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đều do đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng cảng biển Việt Nam làm.

Ông Thành cho hay danh sách các thành viên tham gia có Tiến sỹ Nguyễn Tác An là hồ sơ ban đầu, là hồ sơ trong quá trình lấy ý kiến thẩm định đối với hồ sơ “nhận chìm” từ tháng 10 đến tháng 12/2016.

Sau khi báo cáo và giải trình trước Hội đồng thẩm định, công ty đã bổ sung và hoàn thiện để trình lại hồ sơ dự án, đồng thời, điều chỉnh danh sách các thành viên tham gia lập hồ sơ và đơn vị tư vấn lập hồ sơ. Theo đó, bản hồ sơ cuối cùng được lưu giữ tại Bộ TN&MT không có tên Tiến sỹ Nguyễn Tác An.

Chiều ngày 21/7, trả lời báo chí về dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận), ông Hà Quốc Quân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng cảng biển Việt Nam – đơn vị tư vấn dự án cho biết dự án này trước đây do Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam cùng với Trung tâm Dịch vụ Tài nguyên Môi trường biển làm tư vấn. Dự án này được phía Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng cảng biển Việt Nam “kế thừa” và tiếp tục thực hiện vào khoảng năm 2016.

Cùng ngày 21/7, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân với vai trò là Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ (thuộc Bộ Công Thương). Ông Quân hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng cảng biển Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, việc ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ – là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp tham gia quản lý, điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng cảng biển Việt Nam là vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Theo quy định, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Sẽ rút giấy phép dự án gian dối?

Sự gian dối trong hồ sơ khoa học dự án nhận chìm bùn thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) tạo ra một tiền lệ xấu với hoạt động khoa học ở Việt Nam. Bỏ qua những kiến nghị và phản hồi của nhiều cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhóm hoạt động xã hội, Bộ TN&MT vẫn khẳng định bùn cát thải nhận chìm tại biển Bình Thuận không ảnh hưởng lớn tới khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Trong buổi làm việc với HĐND tỉnh Bình Thuận ngày 13/7, ông Phạm Ngọc Sơn – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) cho biết vật chất nhận chìm đã được phân tích chất phóng xạ, chất độc đều không vượt quá tiêu chuẩn cho phép; việc cấp phép đúng thủ tục quy định và có chú trọng đến môi trường biển.

Vật chất nhận chìm được Bộ TN&MT cho phép bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 mà không phải là chất thải trong quá trình sản xuất của công ty.

Trong khu vực nhận chìm, ông Sơn cho hay sẽ lắp đặt 13 điểm quan trắc nhằm giám sát, nắm bắt các thông số nền của biển và hóa chất khác trong nước khi thi công. Khi một trong 13 vị trí quan trắc phát hiện số liệu vượt ngưỡng thì chủ đầu tư phải dừng ngay.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc kiến nghị Bộ TN&MT xây dựng và sớm ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm và ban hành Quy chế phối hợp với địa phương trong việc kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo, nhằm tăng cường sự giám sát cộng đồng trong việc thực hiện giấy phép.

13 tổ chức xã hội cũng đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành và các cá nhân liên quan với 5 nội dung. Các tổ chức xã hội cho rằng những thông tin về tác động của việc nhận chìm chất thải tới hệ sinh thái biển Bình Thuận, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như an sinh môi trường biển và sinh kế của ngư dân trong báo cáo của các cơ quan chức năng không tạo được sự đồng thuận cũng như tin tưởng của công luận và các nhà khoa học.

Theo các tổ chức, sự cố môi trường biển miền Trung đã trở thành một bài học đắt giá và đòi hỏi sự thận trọng đối việc ra quyết định cũng như lựa chọn của Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Trên cơ sở đó, các tổ chức kiến nghị tạm dừng hoạt động nhận chìm chất thải nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để nghiên cứu, xem xét ý kiến đề xuất của các bên quan tâm, đặc biệt cần ưu tiên tìm phương án thay thế việc nhận chìm.

Ngày 21/7, Hội nghề cá Việt Nam cũng gửi văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành với 6 lo ngại về dự án được đề nghị làm rõ. Theo Hội nghề cá, cát sỏi đổ thải sẽ lắng xuống đáy trong một số ngày, còn bùn lỏng khó có thể lắng đọng thậm chí trong nhiều năm. Trong điều kiện sóng, gió, bão, thủy triều, chỉ trong vài ngày, lượng bùn này sẽ được đưa đi bồi đắp làm chết sinh vật đáy, mất nơi trú ngụ của thủy sản bố mẹ, thay đổi môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau. Hội nghề cá cho rằng “Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là cách nói kiểu lách luật”.

Diệp Thu

Xem thêm: