Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐ TW) về Phòng chống Thiên tai (PCTT) – Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh “Chúng ta đang phải đối mặt với 3 hiểm hoạ: hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực, …bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn, không ngoại trừ, phải tính đến cả kịch bản xấu nhất”.

dai loc quang nam ngap lut 1
Nhiều trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp và nhà dân tại Quảng Nam tiếp tục bị ngập sâu. (Ảnh: FB Do Kim Oanh)

Chiều ngày 5/11, BCĐ TW về PCTT đã tổ chức họp nhằm đưa ra biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa, đồng thời ứng phó với tình hình mưa lũ rất nghiêm trọng đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Bộ.

Theo thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 13h ngày 5/11, các địa phương đã có 29 người chết; 29 người mất tích; 626 nhà bị sập; 4.425 ha lúa, 25.212 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng; 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại.

Lũ tại các sông đang lên trên mức báo động 3, ngập lụt khắp miền Trung

Tại buổi họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, lượng mưa lớn từ 200-300 mm. Tại Phú Yên, Khánh Hòa, lũ trên các sông đạt trên mức báo động 3. Tại Quảng Bình – Quảng Ngãi lũ cũng đang lên rất nhanh.

Dự báo, lũ ở các sông từ Quảng Bình-Quảng Ngãi tiếp tục lên nhanh, có nơi trên báo động 3 từ 1-1,5m. Đặc biệt, tại sông Bồ, sông Hương tại Thừa Thiên Huế, lũ lên trên báo động 3. Quảng Nam trên sông Thu Bồn trên báo động 3, Quảng Ngãi lũ cũng trên báo động 3”- ông Cường thông tin.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ TW về PCTT – ông Hoàng Văn Thắng cũng cho biết hiện nay lượng nước về lưu vực sông Hương (Thừa Thiên Huế) theo tính toán đã lên tới hơn 1 tỷ m3.

Các hồ đã tích trữ được 500 triệu m3, còn 500 triệu m3 phải xả, tức là chỉ trữ được 50% lượng nước lũ về. Cho đến nay, cả ba hồ lớn ở Thừa Thiên Huế đều đã gần đến mực nước dâng bình thường. Trong những ngày tới mà mưa tiếp thì phải xả với mức cao hơn, vì vẫn còn phải dành dung tích ứng phó với các trường hợp đặc biệt”- ông Thắng nói.

hue chim trong bien nuoc 2
Huế chìm trong ‘biển nước’, nhiều tuyến giao thông bị tê liệt. (Ảnh: Hồ Phong)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế, tại TP. Huế có hơn 80% đường giao thông bị ngập sâu từ 0,2-0,4 m, cục bộ có điểm ngập sâu 0,6 m gây ách tắc giao thông.

Tại thị xã Hương Thủy ngập diện rộng với tổng diện tích ước tính hơn 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,8 m, cục bộ có nơi ngập sâu từ 0,8-1,2 m. 

Tại huyện Phú Vang có nhiều tuyến đường bị ngập từ 0,2-0,4 m. Tại huyện Phú Lộc từ 1 đến 2h sáng ngày 5/11, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu từ 0,6-0,7 m, kéo dài từ Cầu Hai đến UBND xã Lộc Trì.

Tại Huyện A Lưới có 20 hộ dân tại xã Sơn Thủy bị ngập, nước tràn vào nhà. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị ngập sâu khoảng 0,6 m, các tuyến đường bị ngập sâu đã bố trí rào chắn và đảm bảo giao thông.

Tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều điểm ngập sâu. Cụ thể:

  • Huyện Điện Bàn có 15/22 xã ngập sâu trung bình 0,3-0,7 m, sâu nhất là 1,0 m;
  • Huyện Đại Lộc 18/18 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,0 m, sâu nhất 1,5 m;
  • Huyện Duy Xuyên 11/14 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,2 m, sâu nhất 1,5 m;
  • TP. Hội An có 8/9 xã, phường ngập sâu trung bình từ 0,5-1,0 m; sâu nhất 1,5 m.
quang nam ha du nuoc dang cao yeu cau thuy dien giam xa lu 3
Ngập lụt tại Quảng Nam. (Ảnh: FB Hòa Đoàn)

Tỉnh Quảng Ngãi  hiện có 17 xã thuộc 4 huyện bị ngập sâu trung bình 1,5 m; TP. Quảng Ngãi ngập sâu trung bình 0,3-0,4 m. Trong đó, huyện Sơn Hà đã tổ chức di dời 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.

Tỉnh Bình Định hiện có 11 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,3-0,5 m.

Về tình hình hồ chứa thuỷ điện, khu vực Bắc Trung Bộ: 4 hồ đang phải vận hành xả qua tràn; khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ: 14 hồ; khu vực Tây Nguyên: 17 hồ; khu vực Đông Nam Bộ: 1 hồ. Về hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc Trung Bộ: 2 hồ đang vận hành xả lũ; khu vực Nam Trung Bộ: 13 hồ.

3 hiểm họa sau bão, phải lên kịch bản xấu nhất để ứng phó

Kết luận tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ TW về PCTT Nguyễn Xuân Cường cho hay hiện tình hình mưa lũ ở cả khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đều trong trạng thái nguy hiểm. Hồ chứa tại các khu vực trên đã đầy nước, nay kết hợp mưa lớn từ bão số 12 khiến nước càng đầy hơn.

Điểm chung năm nay là mưa lớn, mưa nhiều ở cả nước, đặc biệt là các khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ khiến các hồ lớn nhỏ thuỷ điện, thuỷ lợi đều tích đầy nước. Chúng ta đang phải đối mặt với 3 hiểm hoạ: hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực,… bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn, không ngoại trừ, phải tính đến cả kịch bản xấu nhất” – ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết theo dự báo tới ngày 7/11 còn mưa, cục bộ vẫn có nơi mưa to. Hệ thống sông trên các khu vực trên nước lên nhanh, ẩn chứa nhiều thảm hoạ. Vùng trũng hiện nay đã ngập trong điều kiện các hồ thủy điện buộc phải xả, vì thế diện tích ngập sẽ tăng lên.

Do đó, yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương liên tục cập nhật các số liệu, đưa ra các dự báo sát thực tiễn hơn.

Các cơ quan quản lý, chủ hồ liên tục có số liệu quan trắc, vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa. Với các hồ nhỏ phải thường xuyên cập nhật số liệu. Chủ tịch UBND tỉnh khi đưa ra các quyết đáp vận hành phải có căn cứ vào tình hình thực tiễn, dựa trên các số liệu dự báo và phải dự báo được lượng mưa trên lưu vực hồ mình quản lý.

Bên cạnh đó, giao Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng trong sáng ngày 6/11, tổ chức 3 đoàn công tác vào miền Trung để tiến hành ứng phó với mưa lũ.

Trần Tâm

Xem thêm: