Hàng trăm nhân viên ngành đường sắt phải nghỉ việc do thu nhập rất thấp, nhất là 2 năm trở lại đây sau khi các đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. 

ga ha noi
Nhà ga Hà Nội nhìn từ phía đường ray. (Ảnh: Sơn Trà)

Những ngày này, tại ga Hà Nội, cuộc nói chuyện với mỗi người lao động rất nhanh xoay trở lại vấn đề thu nhập. Trên chuyến chạy Grab lúc 5h sáng, anh T. (tạm gọi) vừa cầm lái vừa cho hay: “Mình là thợ bậc 6, là bậc thợ cao nhất rồi, thâm niên 18 năm nhưng tháng trước cộng tất cả các khoản được 3,7 triệu. Tiền lương như vậy không thể đủ lo cho gia đình, con cái”. Tận dụng việc làm theo ca, anh đăng ký chạy Grab.

Nhưng giờ nhiều người chạy, xăng lên giá, phí cũng tăng từ 15% lên 20%…“, anh chia sẻ. “Giờ nhiều người trẻ nghỉ lắm. Họ không đồng ý với mức lương thấp quá mức như vậy“.

Ở tuổi 46, chị V. cho hay chị về ga làm lao công từ năm 1998. Ngoài dọn dẹp trên tàu, chị nhận giặt là để kiếm thêm thu nhập. “Giờ nói chuyện với ai thì họ cũng nói về chuyện lương thôi. Nhất là những người đi chuyến. Một chuyến tàu từ Hà Nội vào TP.HCM rồi từ TP.HCM ra Hà Nội, mỗi tuyến mất 36 giờ cả ngày lẫn đêm (tổng 72 giờ lao động chưa kể 12 tiếng chờ ở TP.HCM để quay ra  – PV), nhưng chỉ được 1 triệu/người, chưa kể chi phí ăn uống sinh hoạt dọc đường“.

Một tháng trung bình 3 chuyến, nhiều nhất 4 chuyến, em tính vậy thì lương được bao nhiêu?“, chị nói.

Tổng công ty đường sắt cho biết năm 2016 có 266 lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tiếp tục có thêm 207 người nghỉ việc. Phần lớn nghỉ do thời gian làm việc vẫn giữ nguyên song lương lại thấp đi, lương không đủ trang trải cuộc sống dù đặc thù công việc phải làm việc cả ngày lẫn đêm…

Trước đó, ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN thừa nhận sau cổ phần hóa, có hai khối thu nhập người lao động thấp đi là gác chắn và nhân viên đi tàu. Hiện Tổng công ty giữ tỷ lệ vốn chi phối tại 24 doanh nghiệp cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần từ năm 2016. Về lâu dài khi thực hiện chủ trương của Nhà nước về thoái vốn tại 24 công ty này, Tổng công ty không có quyền chi phối nữa, việc làm, thu nhập của người lao động sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chủ mới. 

Trong khi đó, một lãnh đạo ngành đường sắt cho biết việc công nhân nghỉ việc một mặt là do giao thông đường sắt không còn thu hút khách như trước, mặt khác, cũng là quá trình tinh giản và phát triển của ngành. Về lâu dài, ngành phải đổi mới thiết bị công nghệ, tự động hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đề xuất xây cao ốc 70 tầng khu vực lân cận Ga Hà Nội

Thành phố Hà Nội đang đề xuất quy hoạch ga Hà Nội thành trung tâm tài chính, thương mại và hành khách liên vận quốc tế, với mục tiêu đưa nơi này thành cửa ngõ mới của Thủ đô, gồm ba chức năng “đầu mối giao thông”, “trung tâm thương mại – văn phòng” và “đầu mối giao lưu cấp vùng”.

Theo phân loại sử dụng đất, trong diện tích tổng cộng 98 ha của quy hoạch, 27 ha làm văn phòng, nhà ở; 30 ha thương mại; 3,6 ha công viên; 21 ha cho giao thông… Nhà ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo, là công trình lịch sử quan trọng trong ký ức người Hà Nội. Một phương án khác là di chuyển nhà ga về phía nam và bảo tồn; đường Trần Hưng Đạo kéo dài về phía tây để kết nối với đường Quốc Tử Giám.

Trong quy hoạch do Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) lập, ga Hà Nội và vùng phụ cận được chia thành 9 phân khu chức năng, gồm khu văn hoá thấp tầng; các khu tài chính cao 40-70 tầng; khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao 40-60 tầng; khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; khu ga đường sắt 40-70 tầng.

hang tram nhan vien duong sat nghi viec vi luong thap 1
Đồ án quy hoạch tham khảo của Nikken Sekkei quy hoạch khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận. (Đồ họa: Nikken Sekkei)
hang tram nhan vien duong sat nghi viec vi luong thap 2
Các tòa cao ốc bên hồ Linh Quang. (Đồ họa: Nikken Sekkei)

Khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc.

Khu nghỉ dưỡng đô thị lấy hồ Linh Quang làm trung tâm với các công trình cao từ 100-200 m xây dựng quanh khu vực hồ, trong đó có một công trình điểm nhấn cao 200 m nằm tại phía tây bắc hồ.

Cho ý kiến về đề xuất, ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết khu vực ga Hà Nội hiện đang cần  công viên, trường học, công trình văn hóa hơn khu nhà cao tầng. Ngoài ra, khu vực này hiện là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng. Việc xây dựng công trình cao từ 40-70 tầng sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn càng nghiêm trọng hơn.

Nguyễn Quân

Xem thêm: