Đề án sẽ dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày từ năm 2021.

cam-xe-may-ngoai-tinh-ha-noi-quy-hoach-giao-thong
Với tốc độ tăng tự nhiên, đến năm 2025 Hà Nội sẽ có 1,3 triệu ô tô; 7,3 triệu xe máy.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố” do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa công bố để lấy ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia.

Thu hẹp dần không gian hoạt động của xe máy 

Theo dự thảo, lộ trình hạn chế xe máy sẽ thực hiện qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (từ năm 2020): sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ vào 2 ngày cuối tuần và các ngày lễ, tết.

Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hằng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

  • Giai đoạn 2 (từ năm 2023): sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…).
  • Giai đoạn 3 (đến năm 2025): sẽ cấm xe máy một số địa điểm phía trong vành đai 3.

Ra quy định “làm khó” ô tô cá nhân

Dự thảo đề xuất các phương án để không khuyến khích sử dụng xe cá nhân. Sở GTVT Hà Nội tính đến việc hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ô tô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ô tô, xe máy tại khu vực trung tâm.

Xem thêm: Thuế tiêu thụ đặc biệt mới đã tác động mạnh tới cơ cấu nhập khẩu ô tô nguyên chiếc

Phát triển vận tải hành khách công cộng

Để hạn chế phương tiện cá nhân, dự thảo đề án đưa ra lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng. Đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đặt mục tiêu đáp ứng 25% nhu cầu đi lại, tương đương 5,78 triệu chuyến đi/ngày đêm; vận tải cá nhân đáp ứng 75% nhu cầu đi lại, tương ứng 17,35 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Xe buýt sẽ được tối ưu mạng lưới, mở mới trung bình 15-20 tuyến buýt/năm tương ứng đầu tư mới 500-550 phương tiện buýt/năm (bao gồm mini buýt). Đến năm 2020, sẽ có thêm 2.100 km buýt mới với tổng số lượng xe buýt khoảng 3.100 xe.

Dự kiến hoàn thành 3 tuyến xe buýt nhanh (BRT) vào năm 2020 (tuyến Kim Mã – Lê Văn Lương – Yên Nghĩa, dài 14km; tuyến đi theo vành đai 3 Mai Dịch – Dương Xá, dài 25km; tuyến đi theo vành đai 2, 5 và Quốc lộ 5 kéo dài, dài 54km). Sở GTVT Hà Nội cũng đặt mục tiêu, hoàn thiện theo quy hoạch 5 đoạn tuyến đường sắt đô thị.

Xem thêm: Hà Nội cần hơn 1,2 triệu tỷ đồng để phát triển giao thông

Năm 2025, xe cộ sẽ vượt 690% diện tích mặt đường TP

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện thành phố có hơn 5 triệu xe máy (tăng 7,6%/năm) và hơn 500.000 ô tô các loại (tăng 12,9% mỗi năm), trên 1 triệu xe đạp, hơn 10.000 xe đạp điện, chưa kể số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt ở mức bình quân 3,9%/năm.

Với tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ôtô, xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 938.000 ôtô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô, 7,3 triệu xe máy.

Ùn tắc giao thông tại Cầu Tó - Thanh Trì, Hà Nội sáng 20/9/2016. (Ảnh: FB Đào Ngọc Cương)
Ùn tắc giao thông tại Cầu Tó – Thanh Trì, Hà Nội sáng 20/9/2016. (Ảnh: FB Đào Ngọc Cương)

Như vậy, đến năm 2020, nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5 lần) diện tích mặt đường của thành phố. Tương tự đến năm 2025, sẽ vượt 690% (vượt 6,9 lần). Nếu ở trong vành đai 3 thì vượt 12 lần năng lực hệ thống đường bộ và các phương tiện không thể di chuyển cùng lúc.

Do đó, nguyên tắc xây dựng đề án là ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng để làm điều kiện tiên quyết hạn chế xe cá nhân và cấm xe máy.

Hồi tháng 7/2016, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2020, thành phố đặt ra 9 mục tiêu phát triển. Một trong những mục tiêu là hạn chế phương tiện cá nhân tiến tới cấm xe máy tại một số tuyến phố nội đô.

Khi nói đến cấm phương tiện giao thông cá nhân người ta thường hiểu cấm mua, cấm sở hữu, như vậy là không đúng. Chúng ta chỉ hạn chế phương tiện tham gia giao thông tại các khu vực cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Ở đây, Hà Nội không cấm nhân dân mua, sở hữu ô tô, xe máy để đi ở những tuyến phố không cấm”, ông Viện nói, theo Cổng Thông tin điện tử Hà Nội.

Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố” do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện chiến lược phát triển GTVT (Bộ GTVT) soạn thảo, dự kiến trình HĐND thành phố kỳ họp hội đồng nhân dân vào cuối năm 2016. Nếu HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt ban hành Đề án và xây dựng kế hoạch phân công tổ chức thực hiện trong tháng 12/2016.

Lê Trai

Xem thêm: