Để đầu tư phát triển giao thông trong vòng 30 năm tới, Hà Nội sẽ cần khoảng 1.235.380 tỷ đồng, theo bản quy hoạch giao thông vận tải thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được công bố vào sáng 30/7.

ha noi giao thong duong sat tren cao 1
Khu vực triển khai dự án đường trên cao vành đai 3 từ bắc hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch, Hà Nội. (Ảnh: vnexpress.net)

Cụ thể, để thực hiện hệ thống giao thông thông minh kết nối gồm 8 tuyến đường sắt đô thị, khép kín đường vành đai, xây dựng 18 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy …, nhu cầu vốn được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 2016 đến 2020, thành phố Hà Nội dự kiến huy động hơn 476.500 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ 2020 tới 2030 huy động hơn 554.700 tỷ đồng; giai đoạn 3 sau năm 2030 sẽ huy động hơn 204.000 tỷ đồng.

Trong tổng nhu cầu vốn kể trên, giao thông đường sắt chiếm nhiều nhất, hơn 646.000 tỷ đồng (52%); đường bộ đứng thứ hai, cần hơn 523.000 tỷ đồng (42%); đường thủy chiếm hơn 19.700 tỷ đồng (1,6%); hàng không chiếm 45.300 tỷ đồng (3,6%).

Về việc huy động nguồn vốn, UBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ huy động từ các nguồn như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại và mở rộng các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP, BOO.

Tỷ lệ đường giao thông tính trên diện tích đất xây dựng của Hà Nội sẽ chiếm 20 – 26% tại đô thị trung tâm – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết.

Tại lễ công bố quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lý giải quá trình đô thị hóa của Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ hơn bất kỳ đô thị nào trên cả nước. Do đó, dưới áp lực gia tăng dân số rất lớn, Hà Nội cần phải tập trung cải thiện hạ tầng, trong đó hạ tầng về giao thông phải đi đầu.

Quyết định phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ tháng 3/2016.

Lê Trai

Xem thêm: