Ngày này 30 năm trước, 64 lính Việt Nam đã thiệt mạng trước sức truy sát của tàu chiến và lính Trung Quốc. 30 năm sau, những im lặng vẫn kéo dài trong lịch sử nước nhà khi sách giáo khoa vẫn không có một dòng nào về sự kiện. Sự im lặng không phải là đáp án, trái lại chúng làm tăng yêu cầu được biết về điều gì đã xảy ra.

gac ma 1988
Tàu HQ 604 đưa 64 lính rời cảng Cam Ranh tối 11/3, không biết đó là chuyến đi cuối cùng của họ. (Ảnh tư liệu)

Diễn biến sự kiện

19h ngày 11/3/1988: tàu HQ 604 từ Cam Ranh chở theo công binh thuộc Trung đoàn 83 (đa số) và lực lượng giữ đảo thuộc Lữ đoàn 146 thực hiện lệnh ra cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin xây dựng nhằm giữ chủ quyền.

Tàu chiến Trung Quốc bám theo, chưa có động tĩnh.

2h sáng ngày 12/3: tàu HQ 605 được điều bổ sung ra cụm đảo Gạc Ma và Len Đao xây dựng. Tàu HQ 505 đang trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

Sáng sớm 14/3: cờ Việt Nam được cắm xuống đảo Gạc Ma và Cô Lin khẳng định chủ quyền. Tàu Trung Quốc phát loa cảnh báo, yêu cầu lính Việt Nam rời khỏi lãnh thổ của Trung Quốc.

6h30 ngày 14/3: lính Trung Quốc rời tàu, mang theo AK gắn lê lên Gạc Ma (chỉ huy mang súng ngắn), bao vây theo thế vòng cung.

Sau hai phát súng (một của viên chỉ huy), một trung úy Việt Nam thiệt mạng, lính Trung Quốc bắn xối xả vào vòng tròn lính Việt Nam đang giữ cờ trên đảo. Liền lúc, ba tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin, tàu HQ 605 phía đảo Len Đao.

HQ 604 chìm hẳn, mang theo hàng chục chiến sĩ và lính công binh dưới khoang máy, dưới hầm.

HQ 605 bốc cháy, chìm ngay sau đó. Mọi người kịp rời tàu, bơi về đảo Sinh Tồn cấp cứu.

HQ 505 bị vỡ, cháy nặng, mở hết tốc độ ủi trườn thành công lên bãi Cô Lin xác lập chủ quyền.

Tổng cộng 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông.

Gạc Ma bị xâm chiếm (từ năm 1988 đến nay). Việt Nam giữ Cô Lin và Len Đao.

gac ma 1988
Tàu vận tải HQ 604 bị tàu chiến Trung Quốc nã pháo, bắn cháy, đang chìm xuống biển, ngày 14/3/1988. (Hình ảnh lấy từ video do Trung Quốc quay lại)

Có hay không lệnh không được nổ súng tại Gạc Ma?

Một trận hải chiến hay thảm sát?

Một tài liệu được giải mật mang tên “Sino-Vietnamese Confrontation in Spratlys unlikely for now” của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết đó là trận hải chiến và Việt Nam là bên nổ súng trước. Thông tin này gần giống những tuyên truyền trên sách báo của phía Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, thiếu tướng Lê Mã Lương trong một tọa đàm năm 2011 nói về sự tồn tại của một mệnh lệnh “không được nổ súng”. Ông Nguyễn Khắc Mai, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết người được xem là đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng là ông Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó.

Tuy nhiên, cựu binh Lê Hữu Thảo, một trong những người còn sống sót trong trận Gạc Ma 1988 khẳng định vào thời điểm Trung Quốc nổ súng tấn công đảo vào ngày 14/3, ông chưa từng nghe có lệnh không được nổ súng. Tuy nhiên, ông Thảo cho biết đó là “trận chiến đấu không cân sức”.

Vậy có hay không một mệnh lệnh “không được nổ súng” từ phía lãnh đạo cấp cao của Việt Nam? Hãy nhìn tương quan lực lượng giữa hai bên.

Ba tàu của Việt Nam là tàu vận tải không vũ trang. Hai tàu HQ 604 và HQ 605 là tàu vận tải loại 500 tấn. Trên tàu HQ 605 chỉ có súng AK (trang bị vũ khí nhẹ của bộ binh) và B40 tầm bắn 150m. Tương tự, tàu HQ 604 không có vũ khí gì đáng kể, mấy khẩu AK, một khẩu súng máy tầm bắn 300m, một khẩu súng chống tăng tầm bắn 150m. Tàu HQ 505 nguyên là tàu USS Bulloch County LST-509.

Ba tàu của Trung Quốc là tàu khu trục, gồm tàu khu trục 502 nặng 1.400 tấn, trang bị 3 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm, tàu khu trục nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 2 pháo 37mm, tàu khu trục 531 nặng 1.925 tấn, trang bị 4 pháo 100 mm và 8 pháo 37mm. Cả 3 tàu chiến chuyên dụng được trang bị đầy đủ hỏa lực đại bác cỡ lớn, có thể bắn vào mục tiêu từ tầm xa trên 10km.

Trong khi Trung Quốc chiếm ưu thế hoàn toàn về lực lượng với 3 tàu chiến chuyên dụng thì phía Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải không vũ trang, tầm bắn của hỏa lực xa nhất chỉ vài trăm mét. Thực tế trong video do Trung Quốc ghi lại, tàu Trung Quốc đứng từ xa nã đạn vào người và tàu Việt Nam trong khi phía Việt Nam chỉ có thể dùng vũ khí cá nhân và đạn tầm ngắn ngăn lính Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo.

https://trithucvn.co/videos/hai-chien-hoang-sa-1988-trung-quoc-tham-sat-hai-quan-viet-nam.html

Video về sự kiện Gạc Ma 1988 (Hình ảnh tại cuộc xung đột do phía Trung Quốc quay lại).

Với sự chuẩn bị lực lượng như trên, cho thấy Việt Nam không có ý định giao chiến, mặc dù tình hình căng thẳng tại khu vực Trường Sa được xác định là nghiêm trọng.

Từ năm 1987, Trung Quốc đã chiếm một số bãi đá thuộc khu vực tại quần đảo Trường Sa. Sang đến đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm giữ đá Chữ Thập (31/1), đá Châu Viên (18/2), đá Ga Ven (26/2), đá Tư Nghĩa (Huy Gơ) (28/2), Xu Bi (23/3). Ngoài 3 tàu chiến hạm có mặt trong trận xung đột ngày 14/3, thì từ đầu tháng 3, Trung Quốc đã huy động hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên từ 9 – 12 tàu chiến, gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Về phía Việt Nam, từ đầu năm 1988, hải quân đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đá Tiên Nữ (26/1), đá Lát (5/2), đá Lớn (6/2), đá Đông (18/2), đá Tốc Tan (27/2), đá Núi Le (2/3). Xác định Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và phía đông kinh tuyến 115, Hải quân Việt Nam nhận định cần giữ được Gạc Ma để Trung Quốc không khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa.

19h ngày 11/3, tàu HQ-604 rời cảng Cam Ranh ra đá Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88 (chiến dịch “Chủ Quyền 1988”, tiến hành từ năm 1978 đến năm 1988). Thực tế xung đột đã xảy ra với trận nã đạn, pháo một chiều đúng như tương quan lực lượng.

gacma1988
Bản đồ bãi Sinh Tồn (Union Banks) với đá Cô Lin, đá Gạc Ma, đá Len Đao, nơi diễn ra cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988. (Nguồn: dẫn theo từ điển mở Wikipedia)
gac ma 1988
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma (Trường Sa- Việt Nam). (Hình ảnh: Truyền hình NHK (Nhật Bản)

Lúc đó họ (lãnh đạo Việt Nam) sợ. Vấn đề Gạc Ma đối với họ có thể là vấn đề nhỏ. Họ sợ là Trung Quốc có thể làm căng ở biên giới phía Bắc” – GS Ngô Vĩnh Long (ĐH Maine, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á cho hay, theo VOA (3/2017). Cần nói thêm, tại thời điểm xảy ra sự kiện Gạc Ma, Liên Xô giữ động thái “im lặng”, dù Việt – Xô đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện năm 1978 trong đó điều 6 nêu rõ “trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe doạ tấn công, thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước“.

Các nhà ngoại giao kỳ cựu, nhà nghiên cứu về Việt Nam của Liên Xô như Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô, GS V.I.Dashichev – khi đó là Chủ tịch Ủy ban cố vấn khoa học của Bộ ngoại giao Liên Xô, GS TS Vladimir Kolotov, nhà VN học (ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg), PTS Grigory Lokshin (Trung tâm nghiên cứu VN và ASEAN) cho rằng bởi vì Liên Xô cũng phải ưu tiên những lợi ích, quyền lợi riêng mình, trong mối quan hệ chằng chịt với phương Tây, với Mỹ và với chính Trung Quốc. Ông V.Kolotov nhận định: Rõ ràng là, các vấn đề của Việt Nam không hề nằm trong các ưu tiên đường lối đối ngoại của lãnh đạo Liên Xô, cũng như Bộ Ngoại giao Liên Xô trong những năm đó (dưới thời kỳ lãnh đạo của M.Gorbachev).

Chưa bàn đến việc có hay không một mệnh lệnh “không được nổ súng” tại trận địa, tương quan lực lượng thực tế là không cân sức từ thời điểm Việt Nam chuẩn bị cho nhiệm vụ đi xác lập chủ quyền trong chiến dịch. Cho tới nay, sự bất bình của dân chúng đối với sự kiện Gạc Ma 1988 không chỉ ở sự thảm khốc của sự kiện do chính quyền ĐCSTQ đứng sau, mà còn ở sự im lặng kéo dài khi trong sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam không đề cập đến sự kiện Gạc Ma.

Trên News Zing (3/2018), Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định: “Trận Gạc Ma theo tôi không phải là một trận hải chiến. Hải quân Việt Nam có bắn lại hải quân Trung Quốc phát súng nào đâu. Mà Việt Nam lên đảo trước vào ban đêm. Đến sáng hôm sau Trung Quốc mới lên. Thấy người lính Việt Nam cắm cờ rồi đến nhổ cờ đi, một bên bảo vệ cờ, một bên nhổ cờ”.

“Tôi gọi trận Gạc Ma là một trận thảm sát của hải quân Trung Quốc với hải quân Việt Nam. Có thể do họ manh động cho nên gây vụ thảm sát này. Vụ Gạc Ma phải nói thẳng cho thế giới biết rằng đó là một cuộc thảm sát. Không có một trận hải chiến nào ở đây cả”, ông Lâm khẳng định.

Xuân Tường (T/h)

Xem thêm: