Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

dat tien bao dam de khong bi tam giam
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự, đặt tiền bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.

Dự thảo thông tư liên tịch về việc đặt tiền bảo đảm gồm 4 Chương 18 Điều, áp dụng đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người thân thích của bị can, bị cáo đang bị tạm giam, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ sở giam, giữ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Số tiền đặt bảo đảm căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo, bị cáo và khả năng tài chính của họ, đặc biệt là những người dưới 18 tuổi hoặc có nhược điểm về tâm thần, thể chất.

Mức tiền mà bị cáo, bị can phải đặt để đảm bảo được quy định cụ thể, nhưng không dưới:

Với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng;

Tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng;

Tội phạm rất nghiêm trọng là 200 triệu đồng.

Mức tiền này có thể giảm (nhưng không thấp hơn 1/2 mức tiền tương ứng quy định trên) nếu bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân,…; Người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Điều kiện để đặt tiền bảo đảm là bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu thực hiện không đúng cam kết họ sẽ bị tạm giam, số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Cũng theo dự thảo, thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.

Thông tư liên tịch này thay thế thông tư liên tịch số 17/2013 ngày 14/11/2013 hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (trong đó, mức tiền được đặt để bảo đảm thấp nhất là 20 triệu đồng và cao nhất là 200 triệu đồng).

Các trường hợp không áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm gồm:

  • Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
  • Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
  • Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
  • Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người;
  • Các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
  • Các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lửa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;
  • Khủng bố, đua xe trái phép.
  • Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; nghiện ma túy; người chủ mưu, cầm đầu trong trường hợp phạm tội có tổ chức;
  • Người tái phạm nguy hiểm; hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

Lưu Giang

Xem thêm: