Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) những giải pháp cấp bách liên quan đến tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). 

Tại khu vực 19,79ha đất quốc phòng tạm bàn giao, Cục Hàng không muốn đưa các vị trí đỗ máy bay qua đêm vào khai thác thương mại ngay trong tháng 8, tuy nhiên, việc xây nhà ga T4 và hệ thống giao thông đồng bộ nằm trong kế hoạch dài hạn tới 2020.

tan son nhat
Cục trưởng Hàng không khẳng định hạ tầng sân đang quá tải trầm trọng là nguyên nhân khiến sân bay Tân Sơn Nhất ùn tắc trên trời nghiêm trọng, nhưng từ nay tới 2020, nhà ga T4 và các tuyến giao thông mới được triển khai. (Ảnh: Flickr/Hang Vu/2017)

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ trưởng GTVT, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng nhận định hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải trầm trọng đã khiến cảng hàng không này “thường xuyên ùn tắc trên trời, trong khu bay, trong nhà ga, khiến chất lượng dịch vụ sụt giảm”.

Với năng lực hạ tầng hiện có, Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng khai thác 28 triệu khách/năm. Tuy nhiên, năm 2016, sản lượng thông qua nhà ga hành khách đã lên tới 32,2 triệu khách, năm 2017 dự kiến sẽ đạt khoảng 36,2 triệu khách. Dự báo đến năm 2020, lượng khách qua Tân Sơn Nhất sẽ đạt 43 – 45 triệu khách.

Về hệ thống sân đỗ, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có 50 vị trí đỗ máy bay, trong khi nhu cầu hiện tại khoảng 80 – 82 vị trí.

Trong nhà ga, số lượng hành khách thông qua đã vượt giới hạn của nhà ga nội địa 32% (đạt 19,8 triệu khách so với năng lực 15 triệu khách/năm).

Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng giải pháp cấp bách cần phải thực hiện ngay trong giai đoạn 2017-2018 là nâng năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 40 triệu khách/năm và nâng slot (giờ hạ/cất cánh) của cảng trung bình đạt 44 triệu khách.

Cụ thể, về hạ tầng, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc, hoàn thành trong quý 2 – quý 3/2018 thay vì quý 1/2019 như dự kiến; đưa các vị trí đỗ tàu bay qua đêm tại khu vực 19,79 ha đất quân sự tạm bàn giao vào khai thác thương mại ngay trong tháng 8 này.

Cục cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án sân đỗ máy bay tại đây theo phương án “tổ chức thi công thành nhiều giai đoạn và đưa vào khai thác từng phần của dự án nhằm tăng số lượng vị trí đỗ tại cảng, hoàn thành toàn bộ dự án trong 6 – 8 tháng để đưa vào khai thác trong quý 1/2018″.

Ngoài đầu tư sân đỗ, Cục Hàng không đề nghị xây dựng phương án sử dụng linh hoạt vị trí đỗ máy bay, linh hoạt trong sử dụng quầy thủ tục hành khách tại các nhà ga, hoàn thành ngay trong quý 3/2017.

Về quản lý, bảo đảm hoạt động bay, Cục kiến nghị nghiên cứu tổ chức vùng trời cụm sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Vũng Tàu; hoàn thiện phương thức khai thác 2 đường cất/hạ cánh song song để tăng năng lực điều hành bay; quy định thời gian sử dụng đường cất/hạ cánh, giảm thời gian chiếm dụng đường, hoàn thành ngay trong năm 2017; rà soát, tối ưu hoá phương án lăn từ đường cất hạ cánh ra vào sân đỗ, nghiên cứu quy trình phân bổ vị trí đỗ có sự tham gia của nhân viên kiểm soát mặt đất.

Về số slot (giờ hạ/cất cánh), Cục Hàng không đề xuất tăng slot chuyến bay đến mức giới hạn, tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác, tăng tần suất bay trong dịp cao điểm hè; kiểm tra giám sát việc khai thác thực tế đúng với slot được phân bổ. Cơ quan này đề nghị các slot không khai thác 7 tuần liên tục trở lên, tỷ lệ khai thác đúng giờ không đạt 80% sẽ không được ưu tiên khi phân bổ slot sau này.

Ngoài các giải pháp kiến nghị thực hiện ngay cho giai đoạn 2018, Cục Hàng không còn đưa ra các giải pháp dài hạn đến năm 2020.

Cụ thể, Cục đề nghị xây dựng nhà ga hành khách T4 với công suất 15 – 20 triệu khách/năm; nghiên cứu xây dựng thêm một tầng tại nhà ga hành khách quốc nội để tăng thêm diện tích phục vụ; xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận đồng bộ với nhà ga T4 từ đường Cộng Hoà, Hoàng Hoa Thám, đường nội bộ Sư đoàn 370; đầu tư đường lăn song song thứ 2 và các đường lăn nối đồng bộ…

Về diện tích 19,79 ha đất quân sự, đây là diện tích đất do Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng thống nhất ký kết biên bản tạm bàn giao vào ngày 21/2 đầu năm nay để xây dựng đường lăn, sân đỗ máy bay cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Toàn bộ khu đất gần 20 ha này vẫn thuộc đất Quốc phòng và do Bộ Quốc phòng quản lý. Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ kiểm tra khu đất có thực hiện đúng mục đích hay không và khi có nhiệm vụ quốc phòng, các vị trí đỗ máy bay quân sự trên sân đỗ máy bay được ưu tiên cho quân sự, quốc phòng.

Phía Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng trong thời gian xây dựng công trình thẩm định quy hoạch sử dụng đất, trong đó phân định rõ các khu chức năng sử dụng vào mục đích xây dựng đường lăn, sân đỗ và tàu bay cùng vị trí bố trí 6 tàu bay quân sự. Ngoài ra, Bộ GTVT phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tái lập và triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình trên khu đất phù hợp với tiến độ thi công di dời 7 tàu bay của Quân chủng Phòng không – không quân.

Phương án nhà ga T4 của Tân Sơn Nhất được đề cập là phương án mở rộng về phía Nam – phương án được Bộ GTVT đề nghị lên Chính phủ; được xây trên diện tích đất quân sự tạm bàn giao nói trên, chưa phải là phương án lấy đất sân golf (ở phía Bắc) đã được Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu.

Vĩnh Long

Xem thêm: