Tổng cục Đường bộ đề xuất phương án thứ 4 là trạm BOT Cai Lậy vẫn đặt ở vị trí hiện tại, thực hiện thu phí đủ số vốn 300 tỷ đồng mà nhà đầu tư bỏ ra, để nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, sau đó thực hiện di dời trạm về tuyến tránh.

BOT 2
BOT Cai Lậy. (Ảnh: Thiện Nhân)

Ngày 9/12, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Bộ GTVT có công văn hỏa tốc yêu cầu Vụ Đối tác công – tư (PPP), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH Quốc lộ 1 Tiền Giang, Ban quản lý dự án 8, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT phối hợp triển khai kết luận yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2017.

Ông Huyện cho hay Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, Sở GTVT Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị nghiên cứu các phương án xử lý, đề xuất giải pháp, phân tích ưu, nhược điểm đối với mỗi phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Giữ nguyên trạm như hiện nay, có biện pháp bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo việc thu giá dịch vụ;

Phương án 2: Xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, thu giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư cho cả tuyến tránh và phần đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu;

Phương án 3: Di dời trạm hiện nay về đặt trên tuyến tránh, nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu, có thực hiện điều tiết phân luồng giao thông. Trường hợp phương án tài chính không hiệu quả, phải tính toán kinh phí cần thiết nhà nước hỗ trợ để đảm bảo khả thi về tài chính.

Ngoài 3 phương án trên, ông Huyện còn cho biết Tổng cục Đường bộ đề xuất thêm phương án thứ tư: Trạm BOT Cai Lậy vẫn đặt ở vị trí hiện tại và thực hiện thu phí đủ số vốn 300 tỷ đồng mà nhà đầu tư bỏ ra để nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, sau đó thực hiện di dời trạm về tuyến tránh. Sau khi trạm thu phí được di chuyển về tuyến tránh, phân luồng xe tải từ quốc lộ 1 đi vào tuyến tránh và các phương tiện nộp phí trên tuyến tránh này.

Với phương án này, các chuyên gia giao thông cho rằng “sòng phẳng” hơn, thời gian thu phí ngắn hơn và giới hạn rõ ràng về tuyến đường, mức phí, loại xe cụ thể.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Bộ GTVT, các phương án báo cáo cần thu thập đủ số liệu phương tiện các loại (xe tải, xe khách) dự kiến phân luồng xe đi trên tuyến tránh và xe đi trên quốc lộ 1 qua trung tâm thị xã Cai Lậy, có ý kiến thống nhất của địa phương; thực hiện đàm phán, thống nhất sơ bộ với nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện, trường hợp xuất hiện phương án khác, chủ động nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, Ban Quản lý dự án 8 phối hợp các đơn vị tư vấn tổng hợp số liệu lưu lượng xe, tính toán, dự báo lưu lượng xe qua trạm, kinh phí xây dựng trạm tại vị trí mới và phương án tài chính dự án, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 12/12/2017.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án xử lý trước ngày 17/12/2017. Vụ Đối tác – công tư báo cáo Bộ GTVT trước ngày 22/12/2017.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu; phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km.

Trạm BOT Cai Lậy chính thức hoạt động và thu phí từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần đầu tiên đi vào hoạt động, nhiều tài xế khi qua trạm đã trả bằng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng vì cho rằng tuyến đường tránh 12 km thuộc thị xã Cai Lậy nhưng chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí ở Quốc lộ 1 là bất hợp lý và thu với mức phí quá cao. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

9h sáng ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày, đã có hàng chục lần phải xả trạm vì vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cánh tài xế và người dân.

Trần  Tâm

Xem thêm: