Theo tờ trình của Chính phủ, dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục – sinh viên sư phạm có thể phải đóng học phí theo hình thức tín dụng, sau tốt nghiệp nếu công tác trong ngành đủ thời gian sẽ được xóa nợ.

15/6 tang von vay hoc sinh sinh vien 1,5 trieu
Đề xuất bỏ miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm. (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Chiều ngày 12/3, Thường vụ Quốc hội họp phiên 22 với nội dung cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, có nội dung về việc đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện được 20 năm (Luật giáo dục năm 1998, Luật giáo dục năm 2012 và các văn bản hướng dẫn) đã thu hút nhiều học sinh vào các trường sư phạm.

Tuy nhiên, hiện nhu cầu của thị trường lao động có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều. Có tình trạng sinh viên đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm.

Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác. Tuy nhiên, để thu hút và tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự luật quy định về tín dụng sư phạm và sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng này” – Bộ trưởng cho hay.

Về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết trong cơ quan thẩm tra dự án luật vẫn có ý kiến khác nhau.

Có ý kiến đồng ý với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí. Mặt khác, có ý kiến cho rằng nên giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên.

Ông Bình cũng cho hay quan điểm của Thường trực ủy ban là dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Văn hoá Giáo dục đề nghị cần sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Trước đó, tại Hội thảo khoa học “Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 13/12/2017, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng cần bỏ chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra ba lý do để bỏ chính sách trên:

  • Việc cấp bù quá ít khiến các trường đào tạo sư phạm rất khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo “ra ngô, ra khoai”.
  • Bất công khi trường phải lấy học phí của những sinh viên không học sư phạm để “nuôi” những sinh viên theo học sư phạm.
  • Hiện thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam đã khá hơn. Với các gia đình ở nông thôn, vấn đề họ lo lắng là việc làm sau khi ra trường chứ không phải học phí.

Trường chúng tôi có một ngành sư phạm truyền thống (Tiếng Anh) và 12 ngành sư phạm kỹ thuật. Trong 10 năm nay, sinh viên đăng ký vào 13 ngành sư phạm này đều được miễn học phí hoàn toàn. Đó là sự bất công rất lớn, vì mỗi năm chúng tôi chỉ được nhận từ 5 – 8 tỷ đồng tiền cấp bù sư phạm. Trong khi đó, 10 năm qua chúng tôi phải bù lỗ khoảng 30 tỷ đồng để đào tạo cho số sinh viên này” – ông Dũng cho hay.

Văn Duy

Xem thêm: