Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xác định nguyên nhân xuất hiện dải nước màu vàng ở vùng biển Chân Mây là do hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, rất nhiều hải sản tầng đáy bị phát hiện chết chỉ một ngày sau khi xuất hiện dải nước.

nuoc vang chan may
Trong số xác cá chết nổi gần nơi xuất hiện vùng nước lạ màu vàng, có cá dìa, cá liệt, cá đục… là các loài sống ở tầng đáy. (Ảnh: moitruong.net.vn)

Chất lạ màu vàng là ‘do tảo giáp phát triển mạnh’

Ngày 30/3, Sở TN-MT Thừa Thiên Huế công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng xuất hiện các vệt nước màu vàng tại vùng biển Cảnh Dương, vịnh Chân Mây, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) nhiều nhất vào các ngày 23-24/3.

Theo Sở TN-MT, nguyên nhân là do sự xuất hiện và phát triển mạnh của loài tảo Giáp Gonyaulax polygramma, gây ra hiện tượng tảo nở hoa (hay còn gọi là thủy triều đỏ) khiến nước biển đổi màu, có mùi tanh hôi.

Hiện tượng này làm giảm nồng độ oxy trong nước ở một số thời điểm, làm cho thủy sản trong khu vực có hiện tượng nổi trên bề mặt.

Sở TN-MT Thừa Thiên Huế cho biết qua phân tích, đo đạc, hầu hết các thông số quan trắc đều đảm bảo giới hạn cho phép về chất lượng nước biển, ngoại trừ các vị trí tầng mặt khu vực bến số 1 cảng Chân Mây có giá trị thông số amoni (NH4+) vượt 3,84 lần; các vị trí tầng giữa và tầng mặt có hàm lượng tổng chất rắn lở lửng (TSS) vượt lần lượt 2,56 lần và 8,54 lần.

Trước đó vào sáng sớm ngày 23/3, nhiều người dân ở xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) chứng kiến vùng nước ven biển, gần cảng Chân Mây – Lăng Cô bỗng chuyển màu vàng đục, đặc quánh, sờ vào thấy nhờn, mùi hôi tanh khó chịu.

nuoc vang chan may
Nước biển khu vực cảng Chân Mây có màu vàng khác thường. (Ảnh: FB Hoai Le)

Đến sáng 24/3, người dân tiếp tục phát hiện nhiều loại cá chết tại cửa sông Bình An và ven biển Chân Mây, gần nơi xuất hiện vùng nước màu vàng. Nhiều ngư dân lặn xuống biển thì nghe mùi hôi thối, toàn thân ngứa ngáy, khó chịu, đau đầu. Người dân cho hay khi đổ lớp nước “lạ” này vào chai, sau khoảng 30′ thấy phần màu vàng lắng đọng xuống đáy chai.

Hải sản chết chủ yếu là cá đục, cá cơm, cá nâu, cá liệc, cá đối, cá căng, cá hồng, cá dìa, cá liệt, tôm… Trong đó, cá đục, cá dìa, cá liệt là các loài sống ở tầng đáy. Đây cũng là các loài có các loài cá thuộc chi nằm trong danh sách 154 loại hải sản tầng đáy của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế mà Viện Nghiên cứu hải sản khuyến cáo không nên ăn sau khi nước biển phát hiện bị nhiễm độc do Formosa xả thải (phát hiện cá chết lần đầu tiên vào ngày 6/4/2016).

‘Tảo nở hoa’ không thể làm chết ngay cá ở tầng đáy

Tảo nở hoa (Harmful algal blooms – HABs) là thuật ngữ chỉ hiện tượng tăng đột biến số lượng tảo do dư thừa mức dinh dưỡng trong nước.

Điều kiện môi trường và tác nhân con người là hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thừa dinh dưỡng làm tảo sinh sôi nhanh chóng, như khi nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, chất thải vật nuôi và động vật hoang dã, các chất thải từ hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, sự phát triển của các nhà máy chế biến thủy sản, hóa chất… Tảo hấp thụ oxy gây ra tình trạng sụt giảm oxy trong nước, khiến nhiều động vật và thực vật thủy sinh có thể bị chết.

Tuy nhiên, do sự sinh sôi của tảo diễn ra ở tầng mặt nên hiện tượng chỉ có tác dụng mạnh đến các loài cá sống nổi. Nếu có tác động thì chỉ góp phần làm cạn kiệt oxy ở tầng lớp dưới do vào ban đêm tảo cũng hấp thụ oxy. Đến cuối giai đoạn khi tảo chết lắng xuống tầng đáy, che phủ cả bề mặt đáy làm cho môi trường tầng đáy thiếu hụt oxy mới khiến sinh vật tầng đáy chết nhiều.

Như vậy, khi xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa thì trước tiên phải tác động đến những sinh vật nổi trên nước. Còn trong sự việc vừa diễn ra tại cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), có nhiều sinh vật đáy đã chết nổi chỉ một ngày sau khi nước bị phát hiện chuyển sang màu vàng lạ.

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, không thể tồn tại cùng lúc hai nguyên nhân độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Vì dưới tác động của độc tố, tảo cũng sẽ chết.