Thi đậu ĐH vẫn là mục tiêu của rất nhiều học sinh, thế nhưng số lượng người thất nghiệp có trình độ ĐH và trên ĐH cao gần gấp 3 lần trung cấp chuyên nghiệp khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Lao động trình độ trung cấp chuyên nghiệp nhiều cơ hội việc làm hơn cử nhân Ảnh phunuvietnam.vn
Lao động trình độ trung cấp chuyên nghiệp có nhiều cơ hội việc làm hơn cử nhân. (Ảnh minh họa: Nguyễn Lượng/baovinhphuc.com.vn)

Thất nghiệp tập trung lớn ở người có bằng cấp cao

Vào ngày 2/12, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cập nhật thông tin thị trường lao động quý 3 năm 2016, thông tin cho thấy 1,117 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý trước.

Thông tin mà Bộ Lao động đưa ra cho thấy một nghịch lý là số lượng người thất nghiệp tập trung nhiều hơn ở người có bằng cấp cao.

Trong số 1,117 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp thì 456.100 người có trình độ chuyên môn, trong đó trung cấp chuyên nghiệp 73.000 người, cao đẳng chuyên nghiệp 122.000 người, trình độ ĐH và trên ĐH 202.300 người. Số lượng người thất nghiệp có trình độ ĐH và trên ĐH cao gần gấp 3 lần đối tượng thất nghiệp có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Trong quý 3 vừa qua, số lượng cung lao động và cầu lao động đều tăng lên. Nhưng trong khi nguồn cung ứng lao động là ở các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng, thì nhu cầu tuyển lao động là nằm ở lao động phổ thông (chiếm 67,9%), dệt may (chiếm 12,3%) v.v…

Đa số các cử nhân làm việc cho các Doanh nghiệp nước ngoài bị đánh giá là không đáp ứng được nhu cầu về cử nhân. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho biết theo khảo sát của cơ quan này, 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tuyển dụng được lao động phù hợp. Do đó, nhiều doanh nghiệp có xu hướng tuyển lao động để đào tạo từ đầu. Họ cho rằng như vậy sẽ hiệu quả hơn khi tuyển người có bằng cấp, không đủ lao động, thì việc đào tạo lại khó khăn hơn. (Báo Lao Động, 3/12/2016)

Bất cập lớn giữa đào tạo và nhu cầu, đào tạo không đáp ng được chất lượng

Nghịch lý này cho thấy thị trường cần lao động thiết thực, chứ không phải là bằng cấp cao.

Ngoài ra còn một vấn đề là đang có sự bất cập lớn giữa nhu cầu và đào tạo. Đối với những ngành cần lao động thì việc đào tạo lại không đáp ứng được. Có những ngành thừa lao động, đơn cử như ngành sư phạm, rất nhiều giáo viên ra trường bị thất nghiệp, nhưng các trường sư phạm năm nào cũng tuyển sinh đều đều, khiến số lượng giáo viên thất nghiệp ngành này đều tăng qua các năm.

Nhiều chuyên gia quản lý giáo dục cũng đã từng nêu ý kiến chỉ tiêu ngành đào tạo cần dựa theo nhu cầu lao động. Thế nhưng các chuyên gia cũng đánh giá rằng công tác dự báo nguồn nhân lực ở Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, chưa đủ tin cậy.

Dữ liệu nhu cầu lao động thu nhỏ đến từng địa phương thì chính xác hơn. Thế nhưng nhiều trường đào tạo lao động cho cả vùng miền, nên không thể lấy số liệu của các địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Việc thống kê dự báo hiện nay chưa tốt, số liệu nếu có chính xác thì cũng chỉ mang tính chất cục bộ. Ông đưa ra một dẫn chứng: “Cách đây khoảng 7 – 8 năm, hội thảo về địa chất tại một trường ĐH đã công bố khảo sát các năm tiếp theo nhu cầu nhân lực ngành này cần khoảng 1.000 kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế khi vận hành các mỏ thì nhu cầu nhân lực cần không nhiều như vậy”. Từ đó, tiến sĩ Nghĩa cho rằng việc dự báo cần tổng thể mang tính quốc gia và vùng miền.

Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Thực tế có nhiều số liệu dự báo được công bố nhưng mức độ tin cậy không cao. Việc dự báo này phải ít nhất sau 4 đến 5 năm chứ không phải dự báo trước mắt như hiện nay”. (Báo Thanh Niên, 9/1/2014)

Như vậy, có thể thấy tình trạng dư thừa nhân lực không chỉ ở khâu đào tạo mà còn ở khâu tuyển sinh, dự báo nhân lực. Việc đào tạo vượt quy hoạch sẽ gây lãng phí nhân lực. Theo Quy hoạch phát triển nhân lực VN giai đoạn 2011 – 2020, đến năm 2015 nhóm ngành kinh tế chỉ cần 20% số sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực này nhưng mới năm 2012 tỷ lệ này đã lên tới 38% (gần gấp đôi so với quy hoạch). Hiện tại, theo báo cáo tình hình thị trường lao động quý 3 năm 2016, nhóm ngành kế toán-kiểm toán và tài chính đang có nhu cầu tìm việc cao nhất.

Tình trạng lao động thất nghiệp làm xói mòn niềm tin đối với thế hệ lao động trong độ tuổi sung sức, đặc biệt đối với các học sinh đang lựa chọn ngành nghề và sinh viên mới ra trường. Nếu ngành giáo dục không có những thay đổi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bậc cao để đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như có chỉ tiêu hợp lý theo nhu cầu lao động của thị trường, thì bài toán về lao động có bằng cấp cao nhưng lại thất nghiệp sẽ không chỉ đè nặng lên ngành giáo dục mà còn đối với toàn nền kinh tế và xã hội.

Trần Hưng

Xem thêm: