Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa có công văn gửi Sở GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk về vụ việc hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới.

hon 500 giao vien mat viec
Các giáo viên tập trung trước trụ sở UBND huyện ngày 9/3 đòi được giải quyết. (Ảnh chụp clip)

Ngày 10/3, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết đã ký công văn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk.

Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, việc hơn 500 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm và tâm huyết của các thầy, cô giáo cùng gia đình của họ. Sự việc cũng sẽ gây tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của các nhà giáo trong cả nước.

Do đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Sở GD-ĐT Đắk Lắk sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về giải pháp sắp xếp việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy, cô giáo vào làm việc tại tỉnh; với các giáo viên không sắp xếp được công việc, Sở cần giúp đỡ tìm việc làm mới phù hợp, hỗ trợ kinh phí để số giáo viên mất việc đi học nghề nhằm ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị Sở GD-ĐT Đắk Lắk ổn định việc dạy và học trong các trường, không để ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Hôm 9/3 vừa qua, UBND huyện Krông Pắk tổ chức buổi thông báo tại nhà văn hóa huyện về việc hơn 600 giáo viên mà địa phương này tuyển dư trong nhiều năm.

Tại buổi thông báo, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó chủ tịch huyện Krông Pắk cho biết trước mắt huyện sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 200 giáo viên giảng dạy các môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. Đến cuối tháng 3/2018, UBND huyện sẽ tổ chức thi tuyển công chức với 83 chỉ tiêu. Theo đó, sẽ có hơn 500 giáo viên bị mất việc.

Sau khi nghe thông báo, hàng trăm giáo viên bức xúc đã cùng lên trụ sở UBND huyện để yêu cầu được làm rõ nhưng không được giải quyết. Lãnh đạo huyện giải thích đây là buổi thông báo của UBND huyện theo yêu cầu từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và huyện ủy đối với số giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế nhà nước.

Theo Sở Nội vụ Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2016, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế cho hơn 500 giáo viên, trong đó, bậc mầm non: 85 giáo viên, tiểu học: 285 giáo viên, THCS: 242 giáo viên. Đáng chú ý, huyện còn bổ nhiệm thừa tới 32 phó hiệu trưởng (trong đó, bậc tiểu học thừa: 18 hiệu phó, THCS thừa: 11 hiệu phó).

Để có đủ lớp cho số giáo viên này giảng dạy, các trường trong huyện đã chia nhỏ số lượng học sinh trên một lớp, đặc biệt có trường chỉ có 5 học sinh/lớp như trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (xã Ea K’Nuêk) do thừa 22 giáo viên.

Theo Sở Nội vụ, việc thừa hơn 500 giáo viên tại huyện liên quan đến trách nhiệm của hai lãnh đạo huyện trong hai nhiệm kỳ là: ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nhiệm kỳ 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nhiệm kỳ 2016-2021).

Tháng 1/2018, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý nhà nước trong GD-ĐT giai đoạn từ năm 2013-2016, trong đó yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắk, để xảy ra trong thời gian dài, không kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.

Khởi Nguyên

Xem thêm: