Chủ đầu tư dự án BOT trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài đề xuất tăng phí theo hai phương án. Phương án thứ nhất tăng từ 2,5 – 3,5 lần với thời gian thu phí hơn 19 năm. Phương án thứ hai tăng từ 3 – 4 lần với thời gian thu phí hơn 17 năm.

bot-bac-thang-long-noi-bai
Chủ đầu tư BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài đề xuất tăng phí. (Ảnh: Văn Duy)

Ông Võ Nhật Thăng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 vừa đề nghị Tổng cục Đường bộ xem xét, chấp nhận điều chỉnh mức thu giá dịch vụ tại hợp đồng BOT dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo đó, chủ đầu tư đề xuất hai phương án tăng giá phí qua trạm, cụ thể:

Phương án thứ nhất: Thời gian thu phí là 19 năm 5 tháng 20 ngày

Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2020, chủ đầu tư thu tăng 2,5 lần so với mức thu hiện hữu (10.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi) – tương ứng mức thu 25.000 đồng/lượt/xe.

Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2024, tăng mức thu lên 3 lần, tương ứng mức thu xe dưới 12 chỗ ngồi là 30.000 đồng/vé/lượt.

Từ ngày 1/1/2025 đến khi kết thúc thời gian thu phí ngày 20/6/2030, tăng mức thu lên 3,5 lần, tương ứng mức thu xe dưới 12 chỗ ngồi là 35.000 đồng/vé/lượt.

Phương án thứ hai: Thời gian thu phí là 17 năm 5 tháng 19 ngày

Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2020, chủ đầu tư thu tăng 3 lần so với mức thu hiện tại – tương ứng với 30.000 đồng/lượt/xe 12 chỗ ngồi.

Từ ngày 1/1/2021 đến khi kết thúc thời hạn thu phí ngày 19/6/2028, tăng mức thu lên 4 lần, tương ứng mức thu xe dưới 12 chỗ ngồi là 40.000 đồng/vé/lượt.

Dự án có giá trị quyết toán đầu tư hơn 500 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Trạm thu phí hoạt động từ ngày 28/12/2010. Dự kiến, thời gian thu phí cho dự án là 16 năm 10 tháng (kết thúc vào ngày 11/11/2027). Trong đó, 12 năm 10 tháng thu phí hoàn vốn, 4 năm thu phí tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Lộ trình tăng phí của dự án từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi áp dụng kể từ ngày 1/1/2013 . Theo chủ đầu tư, việc chưa được tăng giá theo lộ trình và bị xóa trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài nhằm thu phí để hoàn vốn cho tuyến đường tránh TP. Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đặt không đúng chỗ, dự án cách trạm thu phí tới 40 km – tức là các phương tiện không lưu thông qua tuyến đường tránh TP. Vĩnh Yên vẫn phải trả phí để hoàn vốn BOT cho nhà đầu tư.

Trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây cũng khẳng định, có nhiều trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, trong đó có trạm BOT tuyến tránh TP. Vĩnh Yên lại đặt trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần đề nghị di chuyển trạm này về đúng vị trí nhưng chưa có kết quả.

Trước đó, vào năm 2014, sau hơn 3 năm thu phí hoàn vốn BOT tại trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài, Vietrancimex 8 kiến nghị tăng mức phí lên gấp 2 lần đối với xe dưới 12 chỗ khi qua trạm. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không đồng ý với kiến nghị này.

Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với giá vé hiện nay (10.000 -80.000 đồng tùy loại xe), tháng 7/2016, trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài thu hơn 4,9 tỷ đồng; tháng 8 thu hơn 5,5 tỷ đồng và tháng 9 thu xấp xỉ 6 tỷ đồng.

Theo đó, bình quân mỗi tháng trạm thu về khoảng 5,4 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu đạt 64 tỷ đồng. Hết 12 năm 10 tháng thu phí hoàn vốn, trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài có thể đạt hơn 800 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp chỉ hơn 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, chưa kể 4 năm thu phí lợi nhuận, doanh nghiệp thu về khoảng 250 tỷ đồng – như vậy, chỉ tính riêng trong thời gian hoàn vốn, doanh nghiệp đã lãi hàng trăm tỷ đồng.

Minh Long

Xem thêm: