Mặc dù biết rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng, ông Trần Văn Hùng – Nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre vẫn ký tờ trình gửi UBND tỉnh cho phép Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre tiến hành khai thác trắng 25,8 ha rừng, gây thiệt hại trên 412 triệu đồng.

rung dac dung ben tre 2
Gần 25,8 ha rừng đặc dụng (rừng đước) tại Bến Tre bị khai thác trắng. (Ảnh minh họa: Khánh Minh)

Chiều 14/8, TAND huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) tuyên phạt 5 bị cáo nguyên là cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre vì “Vi phạm các quy định về quản lý rừnggây hậu quả nghiêm trọng với số lượng hơn 2.800 m3 gỗ (25,8 ha rừng đặc dụng), giá trị thiệt hại trên 412 triệu đồng.

Theo đó, TAND huyện Thạnh Phú tuyên án đối với 5 bị cáo gồm:

  1. Ông Trần Văn Hùng – Nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre lĩnh án 3 năm tù giam.
  2. Ông Võ Văn Ngàn – Nguyên trưởng ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre: 3 năm tù giam.
  3. Ông Nguyễn Văn Đoàn – Nguyên Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Bến Tre: 2,5 năm tù giam.
  4. Ông Tiết Kim Chiêu – Nguyên Phó trưởng phòng Khoa học – Kỹ thuật, nguyên Phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Bến Tre lĩnh án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm.
  5. Ông Nguyễn Ðức Dục – Nguyên chuyên viên chính Phòng Khoa học – Kỹ thuật (Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre), nguyên Phó phòng quản lý và bảo vệ rừng Chi cục kiểm lâm Bến Tre lĩnh án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm.

Theo cáo trạng, tháng 4/2012, ông Võ Văn Ngàn lấy lý do rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú (Bến Tre) có hiện tượng ngừng sinh trưởng, rải rác một số nơi cây bị trùng đọt, chết dần, toàn bộ các lô rừng đều có hiện tượng sâu đục thân làm chết cây nên ông Ngàn đã yêu cầu cấp dưới lập khống số liệu xác định tỷ lệ sâu bệnh và lập thiết kế khai thác trắng toàn diện tích 25,8 ha rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước để trình Sở NN&PTNT.

Ngày 18/5/2012, mặc dù biết rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng, ông Trần Văn Hùng – Nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT – vẫn ký vào tờ trình do ông Võ Văn Ngàn làm khống trước đó để gửi UBND tỉnh Bến Tre.

Ngày 6/6/2012, UBND tỉnh Bến Tre chấp thuận cho Sở NN&PTNT khai thác, tận thu và trồng mới toàn bộ diện tích rừng trên.

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, ngày 13/6/2012, ông Hùng ký quyết định cho phép khai thác trắng toàn diện tích 25,8 ha rừng được cho là bị sâu bệnh.

Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre sau đó đã có công văn cho phép Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre chỉ định đơn vị khai thác là DNTN gỗ Tuấn An (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) thực hiện việc khai thác. Tuy nhiên, khi công ty này đang khai thác được khoảng 90% thì vụ việc bị phát hiện và đình chỉ.

Qua kiểm tra, ngày 18/9/2013, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre kết luận “Trong diện tích 25,8 ha rừng đước thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú không có sâu, không có bệnh phá hại”.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử buộc các bị cáo trên phải cùng bồi thường thiệt hại cho Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Bến Tre số tiền 412 triệu đồng thất thoát do bán chỉ định củi cho DNTN Tuấn An.

Khi vụ việc bị phát hiện, ông Hùng và ông Ngàn đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền. Ông Hùng không được tiếp tục bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở, ông Ngàn bị hạ một bậc lương và xin về hưu.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú là khu vực nằm trong vùng cửa sông Cửu Long. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực này là vùng đất ngập nước có vai trò hết sức quan trọng, ngoài việc cung cấp gỗ, củi, đặc biệt có chức năng chống xói lở, cân bằng sinh thái cửa sông, còn có tác dụng bảo vệ đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất của người dân vùng ven biển, cung cấp nguồn giống, động thực vật và là nơi cư trú kiếm ăn của các loài sinh vật biển.

Phạm Toàn

Xem thêm: