Theo Chính phủ, ngoài lực lượng kiểm ngư trung ương, kiểm ngư vùng, cần thành lập lực lượng kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành.

kiem ngu viet nam
Tàu Kiểm ngư Việt Nam tại quân cảng Vùng III Hải quân – Đà Nẵng. (Ảnh: danang.gov.vn)

Chính phủ vừa có tờ trình về dự án luật Thủy sản (sửa đổi) tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 21/3. Một trong những điểm mới của dự thảo so với luật Thủy sản 2003 là bổ sung nội dung về lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Theo tờ trình về dự án luật Thủy sản (sửa đổi) tại phiên thảo luận, Chính phủ đề xuất việc chuyển đội ngũ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Phòng Thanh tra (Pháp chế, thanh tra) từ các Chi cục Thủy sản thành lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh.

Theo Chính phủ, việc hình thành Kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện để thực hiện nhiệm vụ mà chỉ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho đội ngũ này, như chi cho lực lượng kiểm ngư hiện tại là khoảng 9 tỷ đồng/năm.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam với chiều dài hơn 3.260 km bờ biển, phạm vi ngư trường hàng triệu km2, có tiềm năng nghề cá rất lớn. Ngành thủy sản có đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD, trong đó một nửa là giá trị khai thác từ biển.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, lực lượng chấp pháp trên biển hiện có những đầu mối khác nhau như: cảnh sát biển, hải quân, nhưng lực lượng kiểm ngư vẫn chưa được đầu tư nhiều. Hiện lực lượng kiểm ngư đã có cấp Trung ương tham gia cùng các lực lượng chấp pháp khác thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển ở đới ngoài khơi. Trong khi đó, ở đới lộng và đới trong bờ nếu không có lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh thì khó có thể xử lý được hết các vi phạm. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng việc thành lập kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành là rất cần thiết trong phạm vi trên, đặc biệt đối với những khu vực cần tăng cường giám sát.

Về cơ cấu nhân sự, Bộ trưởng cho hay tổ chức lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh không quá nặng nề về biên chế, chủ yếu là kiện toàn lại, tăng cường chức năng, xác định nhiệm vụ và các chế tài cần thiết để xây dựng lực lượng này thành lực lượng chuyên với đủ tư cách pháp nhân. Đồng thời, việc chuyển đổi từ đội ngũ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Phòng thanh tra của các Chi cục Thủy sản sẽ không làm xáo trộn về chức năng, nhiệm vụ.

Cụ thể, 28 tỉnh, thành phố ven biển hiện có 94 tàu, xuồng và ca nô, 345 thuyền viên (trong đó có 92 người là công chức, 71 người là viên chức, 182 người làm hợp đồng. 

Đồng thuận với nội dung tờ trình, tại phiên họp, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh – Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam đề nghị tăng cường lực lượng kiểm ngư ở các địa phương ở khu vực ven biển, cũng như trong khu vực thủy nội địa.

Theo ông Minh, trong khoảng 10 năm nay, nguồn thủy sản của Việt Nam đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất,… Cùng với đó, trong nhiều năm qua, rất nhiều tàu cá của Việt Nam bị các nước khác bắt giữ. Ông Minh cho rằng nguyên nhân chính là do nguồn lợi thủy sản ven biển cạn kiệt, ngư dân phải sang vùng biển nước khác để đánh bắt. Theo đó, ông Minh đề nghị trong dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về quản lý Nhà nước như những khu vực nào được đánh bắt cá, mùa nào cấm đánh bắt, hạn ngạch đánh bắt,…

Tuy nhiên, đánh giá về nội dung này của tờ trình, theo báo cáo thẩm tra dự luật, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết theo một số địa phương, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang lực lượng kiểm ngư là không phù hợp; thay vào đó, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt với lực lượng kiểm ngư vùng.

Cũng theo báo cáo thẩm tra dự luật, nếu chuyển đổi thành lực lượng kiểm ngư trên vùng biển như đề xuất thì sẽ không có lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trên các vùng nội thủy (sông, hồ, đầm, phá). Báo cáo thẩm tra dự luật cũng chỉ ra nội dung tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản cơ bản chưa đánh giá về hoạt động và hiệu quả của lực lượng kiểm ngư.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh là chưa hợp lý, theo Phó Chủ tịch, vẫn duy trì lực lượng kiểm ngư ở cấp trung ương, sau này nâng nghị định lên pháp lệnh thì lực lượng này sẽ được mở rộng.

Vai trò, chức năng của lực lượng kiểm ngư Việt Nam

Theo tờ trình về Luật Thủy sản sửa đổi của Chính phủ, dự thảo Luật quy định Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng thực thi pháp luật thủy sản của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan trên các vùng biển; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển.

Lực lượng kiểm ngư có nhiệm vụ: Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phổ biến pháp luật thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản; điều động lực lượng phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia công tác phòng, chống thiên tai; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển.

Lực lượng kiểm ngư có các quyền hạn và trách nhiệm cơ bản như: Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và điều tra trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra, điều tra; tiến hành kiểm tra hiện trường, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, khởi tố, điều tra hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Việc chỉ đạo, điều hành lực lượng kiểm ngư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thuộc trung ương.

 

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam ra mắt vào ngày 15/4/2014 theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3285/QĐ-BNN-TCCB ngày 28/11/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam hiện có cơ cấu tổ chức từ cấp Trung ương đến Vùng gồm:

  • Cục Kiểm ngư – có trụ sở chính tại Hà Nội
  • 4 Chi cục Kiểm ngư Vùng trực tiếp thực hiện tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trên biển là: Vùng I: vùng biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế; Vùng II: vùng biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận; Vùng III: vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau; Vùng IV: vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang;
  • Các chi đội kiểm ngư thuộc các Chi cục Kiểm ngư vùng
  • 8 trạm kiểm ngư là: Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Song Tử Tây, Đá Tây, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc;
  • Và các tàu kiểm ngư

Cuối năm 2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, định hướng 2030. Theo đó, số lượng Chi cục Kiểm ngư vùng tăng thêm 1 chi cục.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam được trang bị những vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dụng nào?

Thiết bị chuyên dùng

Theo Thông tư liên tịch số 01/2015 của Bộ Công an và Bộ NN&PTNT quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng kiểm ngư, lực lượng kiểm ngư Việt Nam được trang bị các loại thiết bị chuyên dụng gồm:

  • Thiết bị dò chất nổ cầm tay;
  • Trang thiết bị lặn biển; đèn pha dưới nước; quần áo chống thấm nước;
  • Mặt nạ phòng độc, ống nhòm ban ngày, ống nhòm ban đêm; ống nhòm tầm nhiệt; mũ bảo hiểm chuyên dụng; bảo vệ khớp tay, gối;
  • Đèn pha chiếu sáng công suất lớn có bộ lọc hồng ngoại; loa nén công suất lớn, loa chế áp âm thanh dải rộng, còi ủ công suất lớn; vòi rồng (vòi phun nước áp lực cao); điện thoại sử dụng Inmarsat (điện thoại vệ tinh);
  • Tủ chuyên dụng dùng để đựng (cất, bảo quản) vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng;
  • Thiết bị đánh dấu tàu vi phạm;
  • Các loại thiết bị chuyên dụng khác theo quy định của pháp luật

Các loại vũ khí và công cụ hỗ trợ

Các loại vũ khí quân dụng được trang bị cho lực lượng kiểm ngư và tàu kiểm ngư Việt Nam được quy định tại Điều 9 Nghị định số 76/2014/NĐ-CP gồm:

  • Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư được trang bị: đạn và súng ngắn, súng tiểu liên
  • Tàu kiểm ngư được trang bị đạn và súng trung liên, súng đại liên, súng 14,5 mm.

Các công cụ hỗ trợ được trang bị gồm:

  • Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này;
  • Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
  • Các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
  • Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, áo giáp các loại, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn.

Lưu Giang

Xem thêm: