Mohandas Gandhi từng nói: “Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý, và đó là tòa án của lương tâm. Nó thay thế cho mọi tòa án khác”. Bởi thế, khi cất lên tiếng nói để tìm về sự thật thì cũng chính là lúc người ta ngăn không cho lời dối trá tạo nghiệp thêm nữa. 

Chỉ ra sai lầm của tư duy xảo biện cũng chính là để nuôi lại tâm hồn của tiếng nói tự do. (Ảnh minh họa/Sưu tầm)
Bằng cách chỉ ra sai trái của tư duy xảo biện, sẽ giúp nuôi lại tâm hồn của tiếng nói tự do. (Ảnh minh họa/Sưu tầm)

Sau cuộc vây bắt bất ngờ, Winston tỉnh dậy “trong một xà lim có thể sáng hoặc tối vì anh không nhìn thấy gì ngoài một đôi mắt. Gần tầm tay anh có một thứ máy kêu tích tắc, đều đều, chậm chạp”. Một cuộc tẩy não kỳ dị diễn ra do O Brien làm chỉ huy.

“Có mấy ngón tay, Winston?”

“Bốn! Bốn! Tôi nói gì khác được? Bốn!”

Kim chắc nhẩy lên nữa, nhưng anh không nhìn thấy. Gương mặt nặng nghiêm và bốn ngón tay choán đầy thị giác anh. Mấy ngón tay sừng sững trước mắt anh tựa như cột trụ, to lớn, mờ ảo, hình như rung chuyển, nhưng có bốn thôi không thể lầm được.

“Có mấy ngón tay, Winston?”

“Bốn! Ngưng lại! Ngưng lại! Sao ông có thể tiếp tục được? Bốn! Bốn!”

“Có mấy ngón tay, Winston?”

“Năm! Năm! Năm!” (Trích ‘Một chín tám tư’, George Orwell).

Hai cộng hai phải bằng năm. Cái ác công khai, cái ác của việc theo dõi ngầm và tẩy não trong thế giới hư cấu đã được George Orwell đặt ra từ hàng chục năm về trước, như một mệnh đề buộc nhân loại phải đứng lên đi tìm câu trả lời: Sự thật là gì? Tự do là gì?

Tự do là tự do nói rằng hai cộng hai là bốn”, nhân vật Winston viết trong nhật ký, trước khi dứt khoát trốn chạy khỏi sự giả dối phi lý bị áp đặt lên đầu, vào trong đầu.

Nhưng dưới chế độ ấy, hai cộng hai phải bằng năm. Hay nói như nhân vật O Brien: “Thỉnh thoảng thôi, Winston. Có khi nó lại là năm. Khi thì nó là ba. Có lúc đồng thời nó là cả ba, lẫn bốn, lẫn năm. Anh phải cố gắng hơn. Trở thành lành mạnh không phải dễ dàng“.

Hai cộng hai bằng năm. Tỉnh táo là bất thường. Tẩy não để làm cho “lành mạnh”. Trò đánh tráo khái niệm với lối tư duy xảo biện đang biến trắng thành đen, biến đen thành trắng. Tiếp đến là dùng bạo lực tinh thần ép buộc người ta phải tin giả dối là sự thật, thật như không khí hít thở hàng ngày, tin cho tới khi không còn một chút mảy may nghi ngờ nào nữa. Vì nghi ngờ sẽ bắt đầu cho một cuộc trừng trị mới.

Nhưng, xảo thuật ấy giống như trò chơi ru-lết Nga. Trong ổ đạn đặt một viên đạn, kẻ chơi xoay vòng đạn và dừng lại bất kỳ, kê họng súng vào thái dương và bóp cò. Tất nhiên, một trong hai trường hợp sẽ xảy ra: súng nổ, anh ta chết hoặc anh ta có thể sống sót nếu may mắn…

Mới đây, trên dải đất hình chữ S lại tiếp tục xảy ra thêm nhiều câu chuyện mới, như những nấc thang được nâng cao thêm một chút để mỗi người tiến gần hơn tới những lời tự vấn: Sự thật là gì? Tự do là gì?

Ngày 29/9 vừa qua, đã có kết luận của đại diện lãnh đạo CSĐT Công an TP Hà Nội về vụ cảnh sát hành hung nhà báo trên cầu Nhật Tân xảy ra từ cách đó gần một tuần (23/9). Hành vi cảnh sát đấm vào mặt nhà báo được cho là “dùng tay gạt trúng vào má” và hành vi đá trúng lưng được cho là “có giơ chân đá, mặc dù không trúng”. Tương tự, một cảnh sát khác được cho là đã “gạt tay vào một máy quay”. Cảnh sát đã “gạt tay trúng má” nhà báo chịu hình thức kỷ luật khiển trách, còn nhà báo bị xử phạt vi phạm hành chính gần 14,5 triệu đồng. Kết luận này được công bố trên toàn quốc, trước gần 90 triệu người dân Việt Nam với tỷ lệ biết chữ ở người lớn là 97,3% (số liệu 2010). Chỉ xét về độ phủ, kết luận ấy có lẽ sẽ trở thành một cuộc lừa dối rộng lớn nếu như không có những sự kiện liên tiếp xảy ra sau đó giúp dư luận có cái nhìn so sánh, đối chiếu.

Tối cùng ngày, một video ghi lại cảnh công an nắm tóc, kéo lê một phụ nữ trên đường gần hồ Con Rùa, Sài Gòn được lan truyền trên mạng. Trong cơn sợ hãi công quyền, có trang tin đã tự kiểm duyệt, “né” bằng cụm từ “người mặc đồ giống công an”. Dư luận không chỉ phẫn nộ vì bạo lực. Dư luận chua xót vì một tinh thần đã buộc phải cất lên “hai cộng hai bằng năm”.

Hình ảnh nhà báo Quang Thế bị hành hung trên cầu Nhật Tân (Hà Nội), ngày 23/9/2016. (Ảnh: M.C/qua tuoitre.vn)
Hình ảnh nhà báo Quang Thế bị hành hung trên cầu Nhật Tân (Hà Nội), ngày 23/9/2016. (Ảnh: M.C/tuoitre.vn)

Cũng trong ngày 29/9, Quyết định 1880/QĐ-TTg về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại sau thảm họa môi trường biển được công bố và có hiệu lực. Theo nội dung văn bản, ngư dân miền Trung sẽ nhận bồi thường cao nhất 37,48 triệu đồng/tháng, dành cho chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên. Lao động bị mất thu nhập nhận 2,91 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016. Điều đó có nghĩa, kể từ tháng 10/2016, ngư dân sẽ không được nhận bất cứ khoản bồi thường nào từ nhà nước nữa, bất kể cảnh báo của giới chuyên môn: Mất nửa thế kỷ, biển mới hồi phục hoàn toàn, bất kể mức bồi thường trên được cho là thấp so với mức độ tổn thất về môi trường và đời sống mà người dân phải gánh chịu.

Môi trường biển có thể tiếp tục bị ô nhiễm, còn đời sống của người dân thì bấp bênh, nhưng tới ngày 2/10, có sự kiện được công bố với nội dung: “Lợi dụng sự cố môi trường biển, sáng 2/10, hàng ngàn giáo dân trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đã tụ tập trước trụ sở Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp (…)“.

Dư luận nhận ra nhiều khái niệm đã bị thay thế. Thảm họa môi trường biển chỉ còn là “sự cố môi trường biển”. Người dân nói chung thì bị cố tình phân biệt giáo dân, lương dân. Còn yêu cầu dừng hủy hoại môi trường, trả lại quyền sinh sống và làm việc bị gọi là “lợi dụng”.

Những bài báo, những tiếng nói, bằng lập luận dựa trên pháp luật, đã chỉ ra những điểm sai đối với kết luận xử phạt nhà báo trong sự việc ngày 23/9. Những người có trách nhiệm cũng đã đưa ra phát ngôn phản bác lại quyết định của CA TP Hà Nội. Những trái tim cùng nhịp đập với vận mệnh dân tộc vẫn kiên nhẫn chỉ ra đâu là sự thật, dù đây không phải lần đầu tiên lối ngụy biện dùng xảo ngôn được đưa ra để làm giảm nhẹ vấn đề. Cầu sập được cho là “cầu tạo hình chữ V”, tàu thủ phạm đâm chìm tàu cá, bắn chết ngư dân được gọi chung là “tàu lạ”, ngư dân mất biển, nhưng “đi làm phu khuân vác thì tức là đã có việc làm” .v.v…

Những sự kiện thời sự liên tiếp xảy ra gần đây cho thấy các vấn nạn xã hội, về môi trường, về tự do thông tin đang trở nên ngày càng lớn. Nhưng từ một góc độ khác, nhận thức của người dân cũng đang được đẩy lên một tầng mức cao hơn. Thay vì thờ ơ, mỗi cá nhân đều đang suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với xã hội. Qua các cổng thông tin đa chiều, mỗi cá nhân cùng góp phần đưa tin chân thực để trừ đi tính dối trá của xảo ngôn và cấm đưa tin. Và trong dòng chảy của sự thật ấy, việc tự kiểm duyệt cũng sẽ không còn lý do để tồn tại nữa, khi công luận cùng có ý thức cất lên tiếng nói đúng đắn với lương tri.

Lê Trai

Xem thêm: