Việc lắp đặt dải phân cách cứng, điều chỉnh đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông để ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT sẽ được TP. Hà Nội thực hiện xong trước ngày 20/1.

thi diem lap dai phan cach cung cho buyt nhanh brt
Một xe ô tô biển xanh đi vào làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT và đâm vào đuôi xe buýt ngày 7/1 trên đường Quang Trung, quận Hà Đông. (Ảnh: Otofun)

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết trước Tết Nguyên đán 2017, Sở GTVT sẽ cho lắp đặt dải phân cách cứng ở làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh.

Theo kế hoạch, dải phân cách cứng sẽ được lắp đặt từ một số nhà chờ đến nút giao thông liền kề để hạn chế việc các phương tiện giao thông khác lấn làn của buýt nhanh BRT, làm tăng khả năng qua nút nhanh hơn cho xe buýt.

Dải phân cách sẽ cao khoảng 60cm, là loại hàng rào nhẹ, di động. Ban Quản lý dự án (QLDA) sẽ tiến hành khảo sát, tổ chức lắp đặt dải phân cách di động phân làn BRT với làn đường giao thông chung trên đường Lê Văn Lương, đoạn từ nhà chờ đến các nút giao: Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Khuất Duy Tiến. Đối với nhà chờ Láng Hạ, dải phân cách sẽ được lắp đặt ở chiều đi Láng Hạ.

buyt-nhanh-brt-8
Nhiều phương tiện giao thông khác vẫn đi vào làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT trong hơn 10 ngày đầu tiên đi vào hoạt động. (Ảnh: FB Thành Mai)

Trao đổi về việc lắp đặt dải phân cách cứng ưu tiên cho buýt nhanh BRT, trên báo Vnexpress, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc lắp dải phân cách cứng không phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Thủy, xe buýt ở các nước mỗi giờ có thể vận chuyển 5.000 lượt khách, tuy nhiên xe buýt nhanh ở Hà Nội với hàng chục xe, mỗi ngày vận chuyển trên 10.000 lượt hành khách (khoảng 30% công suất), chưa thu hút người dân, do đó không nên cưỡng bức phân làn để ưu tiên loại hình vận tải này mà xem nhẹ các phương tiện khác.

Chuyên gia Thủy khuyến cáo: “Hà Nội cần nghiên cứu kỹ và có đánh giá cụ thể, chỉ khi tuyến này hoạt động đạt công suất 70-80%, vận chuyển 30-50 ngàn lượt hành khách thì mới tiến tới phân làn cưỡng bức, ưu tiên buýt nhanh”.

Theo thống kê, sau 10 ngày đầu tiên vận hành, buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Yên Nghĩa đã thực hiện 3.391 lượt xe với tần suất 5-15 phút/chuyến và 45 phút/lượt, vận chuyển gần 130.000 lượt khách. Hiện bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 10.000 người đi xe buýt nhanh.

Kiến Huy (T/h)

Xem thêm: