Bộ Y tế vừa công bố kết quả kiểm nghiệm 247 mẫu nước mắm ngẫu nhiên trên thị trường tại 5 tỉnh/thành phố. Kết quả cho thấy 100% các mẫu nước mắm không phát hiện asen vô cơ.

nuoc-mam-vinastas-4
Công bố của Vinastas ngày 17/10 đã nhanh chóng gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống. (Ảnh: sưu tầm)

Ngày 22/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố kết quả kiểm nghiệm nước mắm do đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT thực hiện.

Theo công bố, 247 mẫu nước mắm kiểm nghiệm được lấy một cách ngẫu nhiên từ 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và tại một số siêu thị.

Các mẫu này được kiểm nghiệm tại 04 viện kiểm nghiệm hàng đầu của ngành y tế là: Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế Công cộng TP. HCM và Viện Pasteur Nha Trang.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy:

  • 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện Asen vô cơ;
  • Kết quả kiểm nghiệm đối với các kim loại nặng khác đều không phát hiện Chì, Thủy ngân và Cadimi;
  • Không phát hiện mẫu nước mắm nào được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau;

Theo Bộ Y tế, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng, không được vượt ngưỡng theo quy định, đảm bảo độ tinh khiết và không quy định số lượng phụ gia thực phẩm tối đa được phép dùng trong một sản phẩm thực phẩm.

Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm kết luận: Các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, kể cả nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống và công nghiệp.

Trước đó, ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu từ 19 tỉnh, thành trong cả nước. Theo công bố của Vinastas, có 67,33% (101/150 mẫu khảo sát) chứa thạch tín (asen) vượt quá ngưỡng quy định của Bộ Y tế.

Khảo sát của Vinastas cũng đưa ra kết quả: các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng thạch tín càng tăng, cụ thể có 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40 đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

>> ‘Tự kiểm nghiệm nước mắm rồi lên diễn đàn công bố là không được phép’

Công bố của Vinastas đã nhanh chóng gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống, có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống, một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua nước mắm truyền thống.

Phản ứng trước công bố này của Vinastas, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp xử lý.

Các hiệp hội cho rằng công bố của Vinastas đã gây nhầm lần giữa asen hữu cơ – luôn có mặt trong cá biển, không độc và asen vô cơ rất độc. Nội dung công bố này của Vinastas cũng không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nồng độ asen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng và không phù hợp với QCVN 8-2:2011/BYT, trong đó hàm lượng asen – được hiểu là vô cơ, trong nước chấm là 1mg/l.

Hải Linh

Xem thêm: