Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã chỉ ra một số nội dung không hợp pháp được quy định tại Thông tư số 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước.

ngan hang nha nuoc
Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: shutterstock)

Ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục Kiểm tra) thuộc Bộ Tư pháp vừa ký văn bản số 5/2018 kết luận kiểm tra Thông tư số 32 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Tại Khoản 6, Điều 1, Thông tư số 32 (sửa đổi Điều 11, Thông tư số 23) quy định “Đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và tổ chức là pháp nhân”.

Đồng thời, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 32 cũng quy định: “Sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định tại điểm b khoản này”.

Theo đó, Thông tư số 32 chỉ cho phép cá nhân và tổ chức pháp nhân có quyền mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng; các tổ chức không có tư cách pháp nhân không được (không có quyền) mở tài khoản thanh toán.

Ngoài ra, các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư số 32 có hiệu lực (ngày 1/3/2017) phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản; nếu không thực hiện việc chuyển đổi hình thức tài khoản, sau 12 tháng (sau ngày 1/3/2017) sẽ bị đóng tài khoản.

Từ quy định trên, Cục Kiểm tra chỉ rõ tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng. Về bản chất, quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng trong việc mở tài khoản thanh toán là một loại hợp đồng dịch vụ (ngân hàng là bên cung ứng dịch vụ, khách hàng là bên sử dụng dịch vụ).

Qua rà soát pháp luật liên quan, Cục Kiểm tra cho biết pháp luật hiện hành không quy định cấm (hay không cho) các tổ chức không có tư cách pháp nhân mở (giao kết hợp đồng) tài khoản tại ngân hàng.

Ngược lại, quyền ký hợp đồng của doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp tư nhân là loại hình tổ chức kinh doanh không có tư cách pháp nhân) đã được quy định tại Khoản 4, Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Quyền mở tài khoản của tổ chức không có tư cách pháp nhân còn được quy định rõ trong một số luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể khác.

Do đó, Cục Kiểm tra cho rằng Khoản 6, Điều 1, Thông tư số 32 là không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cũng như hạn chế quyền của ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Bên cạnh đó, Điểm c, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 32 được Cục Kiểm tra khẳng định là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư số 32 có hiệu lực.

Cục Kiểm tra cũng cho hay tuy Cục chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá toàn diện tác động kinh tế – xã hội của việc thực hiện các quy định tại Khoản 6, Điều 1 và Điểm c, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 32. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu, trao đổi thảo luận, Cục Kiểm tra nhận định việc không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân, trong đó có các chủ thể kinh doanh, tổ chức hành nghề (doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư,…) được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng sẽ gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức này hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng,… của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư.

Việc buộc các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư số 32 có hiệu lực (1/3/2017) phải thực hiện chuyển đổi hình thức tài khoản đang sử dụng theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 32 sẽ gây xáo trộn không đáng có trong xã hội, tốn kém về thời gian và chi phí”- văn bản của Cục Kiểm tra nêu rõ.

Văn Duy

Xem thêm: