Ông Trần Văn Vệ – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng thông tin bỏ sổ hộ khẩu, CMND từ ngày 30/10/2017 là chưa chính xác.

so ho khau 1
“Bỏ sổ hộ khẩu, CMND là chưa chính xác”. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Sáng ngày 7/11, Bộ Công an tổ chức họp báo về việc bỏ các thủ tục về hộ khẩu và CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

Theo ông Trần Văn Vệ – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay việc thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND từ ngày 30/10/2017 là chưa chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng.

Việc bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương, nhưng phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư. Số hộ khẩu, số tạm trú và CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay” – ông Vệ nói.

Ông Vệ cho hay công tác quản lý dân cư tại Việt Nam do nhiều Bộ, Ngành quản lý, chủ yếu thực hiện theo hình thức thủ công chưa được kết nối, chia sẻ và khai thác để dùng chung. Khi tiến hành giải quyết thủ tục hành chính, công dân cũng phải xuất trình rất nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân, gây phiền hà và lãng phí.

Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội đã ban hành Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, trong đó giao Bộ Công an tổ chức triển khai xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. Cơ sở này là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Từ đó, đã làm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử. Thông tin cơ bản về công dân được thu thập và quản lý đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống. Dự kiến vào đầu năm 2020, dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hoàn thành và mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh duy nhất. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú.

Về CMND, ông Vệ cho hay nếu nói bỏ CMND thì chưa đúng mà chẳng qua là thay bằng căn cước công dân. Hiện có 3 loại giấy tờ chứng minh nhân thân bao gồm: CMND cũ (9 số), CMND mới (12 số) và căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau.

Tới 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân toàn quốc. Nhưng nếu người dân không sử dụng căn cước thì vẫn sử dụng CMND. Vì vậy nói việc bỏ chứng minh nhân dân là không thể” – ông Vệ cho biết.

Trước đó, ngày 4/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thu thập, cập nhật các thông tin của công dân, bao gồm:

  • Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
  • Ngày, tháng, năm sinh;
  • Giới tính;
  • Nơi đăng ký khai sinh;
  • Quê quán;
  • Dân tộc;
  • Tôn giáo;
  • Quốc tịch;
  • Tình trạng hôn nhân;
  • Nơi thường trú;
  • Nơi ở hiện tại;
  • Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;
  • Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;
  • Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;
  • Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

Mã số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời.

Theo thống kê, hiện nay trong số 5.400 thủ tục hành chính các loại thì có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân. Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Bộ Tư pháp thống kê, nếu thực hiện đơn giản hóa về mặt hành chính, quản lý công dân theo công nghệ số sẽ tiết kiệm được 461 tỷ đồng/năm.

Văn Duy

Xem thêm: