Các địa phương khu vực Nam Bộ tập trung lên phương án di dời dân khỏi vùng xung yếu, tập trung gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, chuẩn bị lương thực, vật phẩm thiết yếu,… để ứng phó cơn bão số 16 (tên quốc tế Tembin).

bão Tembin, các tỉnh Nam Bộ lên phương án ứng phó bão Tembin
Chùm ảnh đường đi và vị trí bão Tembin. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 25/12, vị trí tâm bão nằm trên khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa, cách Côn Đảo 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 m.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến 7h ngày 23/12, có 8 tỉnh/thành ven biển: Quảng Ngãi, Bình Thuận, TP. HCM, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành cùng chính quyền địa phương triển khai một số công việc chủ động ứng phó với bão.

Các tỉnh  Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Cũng tại báo cáo nhanh số 490 ngày 23/12 của cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN Bộ Tư lệnh Biên phòng, Biên phòng các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão Tembin để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại TP.HCM: Chiều ngày 23/12, Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố có  công điện khẩn về việc cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển trước diễn biến của bão Tembin. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 16h ngày 23/12 cho đến khi có lệnh mới.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Theo Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, tính từ 15h ngày 22/12, Bộ chỉ huy cấm tất cả tàu thuyền không cho ra khơi. Tính đến 14h ngày 23/12, lực lượng chức năng của tỉnh kêu gọi được 5.444 tàu cá, trong đó có 4.342 tàu/20.530 ngư dân Bà Rịa vào các cảng, bến để tránh trú bão.

Ngoài ra, BĐBP tỉnh cũng đã liên lạc với 1.385 tàu/7.553 ngư dân đang đánh bắt xa bờ để thông báo diễn biến, hướng dẫn đường đi của cơn bão số 16 nhằm chủ động tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Huyện Côn Đảo, lực lượng chức năng tỉnh tập trung di dời 500 người dân tại vùng xung yếu đến nơi an toàn.

TP. Vũng Tàu có 16.500 hộ dân cần phải di dời, 9.452 cần di dời từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố; 5.292 hộ di dời đến các điểm tập trung công cộng.

Theo báo cáo của UBND huyện Đất Đỏ, trên khu vực huyện có 11.424/19.568 căn nhà có khả năng tốc mái cần chằng, chống. Tính đến 15h ngày 23/12, đã có 10.390 nhà dân thực hiện chằng, chống, số còn lại huyện đang tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân chằng, chống nhằm bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

Tại Bến Tre: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho biết địa phương đã chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 16. Đồng thời, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học, sơ tán dân; thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 8h ngày 23/12. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12h ngày 25/12.

Hiện có 2.680 phương tiện tàu, thuyền đã tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Hiện nay, vẫn còn 487 phương tiện/1.948 người đang hoạt động trên biển.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GD&ĐT thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học,… Tất cả học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26/12.

Tại Cà Mau: Ông Nguyễn Long Hoai – Chánh văn phòng ban chỉ huy PCTT&TKCN cho biết qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 31.876 hộ dân thuộc diện phải di dời, sơ tán nếu bão vào bờ như dự báo.

Hiện số phương tiện hiện đang hoạt động trên biển là rất lớn. Theo thống kê, vẫn còn 943 tàu với 7.813 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 394 tàu/4.452 lao động hoạt động xa bờ; hoạt động gần bờ 549 tàu. Số tàu đang neo đậu tại bến là 2.522 tàu.

Huyện Phú Tân có 4 xã và 1 thị trấn ven biển, với 1.163 hộ cần di dời khi bão có khả năng đổ bộ. Trong đó, Gò Công 279 hộ, thị trấn Cái Đôi Vàm 279 hộ, Rạch Chèo 180 hộ, Mỹ Bình 142 hộ, Công Nghiệp 103 hộ, Sào Lưới 123 hộ, Cái Cám 57 hộ. Đến thời điểm hiện tại, tổng số các phương tiện cứu hộ, cứu nạn huy động và chuẩn bị được là 55 tàu, 8 ghe và 20 xuồng máy. Một số phương tiện vẫn còn hoạt động trên biển.

Tại Tiền Giang: Ngày 22/12, tỉnh tổ chức buổi họp khẩn yêu cầu phải sơ tán 40.000 người (trong số 117.500 người dân ven biển bị ảnh hưởng) đến các trường học, trụ sở cơ quan kiên cố để tránh bão. Việc thực hiện di dời dân phải hoàn tất trước 18h ngày 24/12.

Trước đó, bão Tembin quét qua miền nam Philippines vào thứ Bảy (23/12) đã khiến ít nhất 74 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.

Trần Tâm

Xem thêm: