Cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, khắp các ngôi chùa lại tấp nập người dân đến cúng sao, giải hạn, cầu an. Những ngôi chùa có tiếng như Quán Sứ, Phúc Khánh, lượng người đến đông tới mức tràn ra kín đường, gây tắc nghẽn giao thông. Mặc cho thời tiết giá lạnh, hàng nghìn người vẫn “thành tâm” đứng lẩm nhẩm khấn vái theo lời sư trụ trì.

IMG 8600 1
Tối 23/2, hàng nghìn người tập trung trước chùa Phúc Khánh (Tây Sơn, Hà Nội) để tham gia lễ giải hạn sao La Hầu (Ảnh: Lê Nguyên)

Từ quan niệm biến thành nhu cầu tâm linh

Theo quan niệm dân gian, có 9 ngôi sao chiếu mệnh con người, trong đó có 4 sao tốt và 5 sao xấu. Các sao tốt ở đây là sao Thủy Diệu, sao Thái Dương, sao Thái Âm và sao Mộc Đức. Còn về các sao xấu, đó là sao La Hầu, sao Thổ Tú, sao Kế Đô, sao Thái Bạch và sao Vân Hán.

Tùy theo vòng luân chuyển, hàng năm lại có một vì sao chiếu mệnh vào một tuổi của từng người, mỗi tuổi lại có sao chiếu tương ứng hoặc tốt hoặc xấu. Quan niệm dân gian cho rằng, nếu được sao tốt chiếu mệnh thì năm đó bản mệnh sẽ gặp nhiều chuyện thuận lợi, tốt đẹp, còn nếu không may gặp phải sao xấu thì gặp nhiều xui xẻo, trắc trở. Chính vì thế mà người ta có lễ dâng sao giải hạn, gặp sao tốt thì cầu cho bình an phúc lành, còn gặp sao xấu thì lập đàn cúng sao giải hạn, mong hóa giải được những điềm hung hạn sắp tới.

Dần dà, quan niệm này ảnh hưởng đến đa số người dân Việt Nam và biến thể thành nhu cầu tâm linh. Ai cũng mong muốn năm mới đến được đón cát lành, đuổi hung hạn. Vậy nên cứ tới dịp rằm tháng Giêng là các chùa đền lại tổ chức giúp người dân làm lễ dâng sao giải hạn. Cho dù không có hạn gì trong năm, được sao tốt chiếu mệnh thì người ta vẫn quan niệm “Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng” nên vẫn tới chùa làm lễ cầu an, mong những điều an lành sẽ tới với cả gia đình.

… đến biến tướng thành “thương mại” tâm linh

Trong một xã hội đầy biến động và bất ổn như ngày nay, con người dường như luôn cảm thấy “tai hoạ” đang rình rập khắp nơi. Những con số thống kê về tai nạn giao thông, chém giết, bệnh tật, các tệ nạn ngày một gia tăng, khiến nhiều người luôn “canh cánh” nỗi lo thường trực. Lòng tin trong xã hội giảm sút, con người ngày càng dè chừng nhau, sinh thêm ra nỗi lo bị chơi xấu, mất chức quyền, bị lừa lọc. Nếu “chẳng may” tai hoạ có xảy đến vào đúng năm “xấu”, những tin đồn truyền miệng kiểu như “năm nay sao Thái Bạch,” “tuổi 49 này dữ lắm” v..v lại khiến nhiều người tin rằng sự cố đó là do “sao xấu” chiếu hơn là vì những nguyên nhân khác. Dần dà, sự ám ảnh ngày một lan rộng và in vào tâm thức, khiến tập quán dâng sao, giải hạn ngày một biến tướng thành sự mê tín dị đoan, trở thành công cụ bị lạm dụng.

Chẳng biết từ bao giờ mà người ta kháo nhau phải dâng cúng, lễ lạt thật to, thật đầy thì mới chứng tỏ được sự “thành tâm”, càng giải được hạn, càng được hưởng nhiều lộc. Nhiều gia đình giàu có và nhiều công ty sẵn sàng chi hàng chục triệu thuê thầy cúng về làm lễ. Nhiều người dù gia cảnh khó khăn nhưng cũng phải cố gom góp chạy vạy để sắm cái lễ tươm tất.

IMG 0571
Lễ dâng sao giải hạn chùa Phúc Khánh tối 23/2 (Ảnh: Lê Nguyên)

Nhiều người cũng dần bị cổ suý theo suy nghĩ cúng sao thì phải đến chùa nào “linh” mới “ứng nghiệm.” Vậy nên dịp đầu năm, xung quanh các chùa có tiếng như Phúc Khánh, Quán Sứ ở Hà Nội, hàng nghìn người ùn ùn kéo đến làm lễ. Ba chòm sao Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô còn được thiết kế riêng cho từng buổi lễ giải hạn.

Mức giá trung bình cho việc “giải hạn” là 150.000 đồng, nếu thêm “cầu an” thì thêm 100.000 đồng nữa; hoặc có thể chọn làm cho cả gia đình với mức 500.000 – 600.000 đồng. Đó được coi là những mức phổ biến cho số đông. Còn với những người cầu kỳ hơn, muốn cúng tuỳ theo lá số tử vi riêng, tuỳ vào “mệnh” trong năm tốt xấu mà mức giá có thể lên tới … vô cùng. Ước tính mỗi buổi lễ giải hạn, cầu an như vậy, số tiền người dân bỏ ra cho một ngôi chùa có tiếng có thể lên tới cả tỷ đồng. Hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng sẽ được chi tiêu trong công cuộc “hối lộ” Thần linh để giải vận đen trong cả mùa rằm tháng Giêng trên cả nước như vậy.

Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật

Trong các kinh thư Phật giáo không đề cập đến việc dâng, cúng sao để giải hạn. Giáo lý nhà Phật dạy về nhân quả, luân hồi, thiện ác hữu báo, những gì tốt hay xấu xảy ra đều có nguyên nhân từ những việc làm tốt, xấu từ trước của mỗi người, cho nên không thể có việc do ngôi sao nào chiếu mệnh mà con người nhờ đó lại được phúc hay gặp họa. Con người cũng không thể dùng tiền, lễ vật, vài lời khấn bái là có thể dễ dàng “xù nợ”, chỉ là con người luôn dùng tâm của mình đo lường Phật, cho rằng Phật sẽ hành xử giống như cách nghĩ của mình.

Một số người cho rằng việc dâng sao giải hạn cho dù không phải là điều trong Phật giáo, nhưng cũng có thể thuận theo bối cảnh tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù ở Việt Nam mà nương theo, để người dân theo đuổi nhu cầu tâm linh, giải quyết vấn đề tâm lý. Nhiều chùa lấy đó làm lý do để tổ chức những buổi lễ dâng sao, giải hạn cho đông đảo người dân và tín đồ Phật tử.

Thế nhưng, các chùa với các sư, ni cô đều vẫn đang là người tu hành, căn bản cần dựa theo giáo lý chân chính và nguyên thuỷ của Phật để tu và giúp đỡ chúng sinh. Nếu họ tuỳ tiện nay thêm vào một chút, mai cắt đi một chút, dần dần những giáo lý của Phật bị biến đổi đến không còn nhận ra, không còn khởi được tác dụng cảm hoá chúng sinh, dạy người hướng thiện, buông bỏ dục vọng, thậm chí khiến tín ngưỡng ngày một méo mó, sinh ra nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, biến dị.

Vậy nên, những nơi đền chùa tổ chức cúng sao giải hạn, phải chăng đều đang bất chấp giáo lý, lợi dụng sự mê muội của số đông quần chúng để làm thành cơ hội kiếm tiền “siêu lợi nhuận”?

Đâu là cách “giải hạn” tốt nhất?

Nếu tìm hiểu và đặt niềm tin vào lời Phật dạy, sẽ thấy việc cúng sao giải hạn là việc đi ngược lại giáo lý nhân quả, căn bản sẽ không có tác dụng gì. Sự cầu khấn có chăng mang lại tác dụng trấn an về mặt tâm lý trong chốc lát, nhưng về lâu dài, những nỗi sợ hãi vẫn luôn thường trực, thậm chí sẽ có xu hướng ngày càng tăng, dẫn đến sự phụ thuộc về tâm linh ngày càng lớn vào những thứ mơ hồ, cảm tính theo số đông.

Sự biến dị về mặt tâm lý đó hiện nay đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Người ta dễ dàng tin và gán cho những thứ lạ lùng là “linh”. Một tảng đá, một con cá, một cái giếng đều dễ dàng được gắn chữ “thần”, khiến hàng trăm hàng nghìn người đua nhau tới xem, thậm chí cúng bái. “Lỗ hổng” trong đời sống tâm linh ấy, phải chăng xuất phát từ một tinh thần trống rỗng, thiếu thốn đức tin, sau khi trải qua hàng thập kỷ di sản văn hóa tín ngưỡng bị phá bỏ khiến chính tín của con người bị tổn hại nghiêm trọng.

Chỉ khi sống và thực hành đúng theo những lời Phật dạy (như hành thiện, xả bỏ, tự tu sửa bản thân …), hiểu về được – mất, về sự vô thường, tự nhiên sẽ đạt được sự an lạc trong nội tâm, sự bình yên trong mọi hoàn cảnh mà không cần bất cứ lời cầu khấn, cúng bái nào. Nếu mỗi người đều áp dụng Chân, Thiện, Nhẫn trong cuộc sống, đó chính là tu Phật chân chính, là cách “giải hạn” tốt nhất. Như ai đó đã nói, chúng ta dường như đã bỏ quên “ngôi chùa” linh thiêng nhất, chính là tâm của mỗi người.

Tuệ Minh

Xem thêm: