Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông khẳng định không có chuyện Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu chủ đầu tư chi 1 triệu USD để sơn lại toa tàu bị vẽ trộm.

Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT
Đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông bi vẽ trộm. (Ảnh: nld.com.vn)

Liên quan với việc toa tàu HN01104 thuộc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị vẽ trộm, gần đây, một số trang mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng ngày 28/12/2017, Tổng thầu Trung Quốc đã đề nghị Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội chi 1 triệu USD để sơn lại toa tàu trên.

Thời hạn hoàn thành việc sơn lại tàu từ ngày 5/1 đến 5/2/2018.

Trước thông tin trên, ngày 1/1/2018, ông Vũ Hồng Phương – quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết hiện tại đơn vị chưa hề nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía Tổng thầu Trung Quốc về việc yêu cầu chi 1 triệu USD để sơn lại tàu Cát Linh – Hà Đông.

Theo ông Phương, trách nhiệm và chi phí sơn lại đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông bị vẽ trộm thuộc về phía Tổng thầu Trung Quốc chứ không phải của Ban Quản lý Dự án.

Ngoài ra, toa tàu bị vẽ bậy làm bằng inox và dán đề can bên ngoài màu xanh, nên việc vẽ sơn và làm xước toa tàu là làm xước đề can dán chứ không phải nước sơn trực tiếp của tàu.

Hiện Ban Quản lý Dự án đường sắt cho biết Ban quản lý đã yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc đưa nhà sản xuất đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông sang Việt Nam nghiên cứu, tìm phương án khôi phục lại đoàn tàu HN01104. Đồng thời đơn vị này khẳng định, chi phí khôi phục lại màu sắc của đoàn tàu không đến 1 triệu USD.

Trước đó, sáng ngày 26/12/2017, nhiều công nhân đang thi công công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại khu vực ga Cát Linh bất ngờ phát hiện đoàn tàu cao tốc nằm trong nhà ga Cát Linh bị sơn, vẽ bậy chằng chịt lên phần thân và đầu đoàn tàu.

Các bức vẽ graffity màu sắc sặc sỡ tại ga Cát Linh thể hiện những ký tự, con số, từ ngữ viết tắt trên ngoại thất của đoàn tàu. Trên thân tàu có 2 dòng chữ nền trắng được viết đầy đủ bằng tiếng Anh là “Hello Viet Nam” kèm theo chữ S và dòng chữ “Paris 17”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngoc Đông cho biết sau khi nhận được thông tin, Bộ đã yêu cầu Ban quản lý Đường sắt trình báo cơ quan công an. Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm, quy trình quản lý của tổng thầu EPC Trung Quốc. Tại sao người khác vào vẽ trộm mà đơn vị này không hay biết dù có bảo vệ công trường.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đã kiểm tra hệ thống camera tại ga Cát Linh, tuy nhiên bất ngờ là camera không quét được hình ảnh ở khu vực đoàn tàu bị vẽ trộm.

Trước vụ việc trên, đại diện Ban quản lý Đường sắt đã có văn bản yêu cầu tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Sau nhiều lần chậm tiến độ, dự án chính thức khởi công năm 2011, tổng số vốn lên đến hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).

Gần đây, dự án phải lùi tiến độ chạy thử vào ngày 2/9/2018 (lùi 11 tháng so với kế hoạch) và tiến hành khai thác thương mại vào cuối năm 2018.

Kim Long

Xem thêm: