Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay sau khi Bộ đưa ra 3 kịch bản giải quyết vấn đề tại BOT Cai Lậy, “cũng có Bộ ngành thiên về phương án này, phương án kia, tuy nhiên nhìn chung không có ai nói nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy.

BOT 2
BOT Cai Lậy. (Ảnh: Thiện Nhân)

Ngày 5/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong cuộc họp về các vấn đề liên quan tới trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất, vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.

Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Theo ông Đông, kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí.

Tuy nhiên, phương án này rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, ngoài ra việc này phải có sự đồng ý của ngân hàng bởi có thể biến khoản vay cho BOT trở thành nợ xấu ngân hàng.

Còn kịch bản thứ ba, Bộ đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Đông cho hay “cũng có bộ ngành thiên về phương án này, phương án kia, tuy nhiên nhìn chung không có ai nói nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy“.

“Nếu điều chỉnh hoặc không thu phí BOT Cai Lậy thì nhà nước phải đền bù cho nhà đầu tư khoảng 1.398 tỷ đồng, trong đó phần đầu tư trên quốc lộ 1 là 380 tỷ, tuyến tránh khoảng 1.100 tỷ. Do đó, việc di dời trạm là không khả thi” – Thứ trưởng cho hay.

Trước 3 phương án được Bộ đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu phải rà lại toàn bộ để xem xét. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện có hơn 70 dự án BOT với tổng đầu tư 209.000 tỷ đồng, 6 trạm BOT tương tự Cai Lậy. Các dự án đã hoàn thành là 58, còn lại các dự án đang thực hiện. Gần đây, Chính phủ có rà lại và yêu cầu điều chỉnh và hiện nay giá thu phí đã giảm xuống từ 35.000 đồng xuống còn 30.000 đồng và 25.000 đồng tùy phương án tài chính.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu; phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km.

Trạm BOT Cai Lậy chính thức hoạt động và thu phí từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần đầu tiên đi vào hoạt động, nhiều tài xế khi qua trạm đã trả bằng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng vì cho rằng tuyến đường tránh 12 km thuộc thị xã Cai Lậy nhưng chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí ở Quốc lộ 1 là bất hợp lý và thu với mức phí quá cao. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

9h sáng ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày, đã có hàng chục lần phải xả trạm vì vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cánh tài xế và người dân.

Liên quan tới dự án BOT giao thông, trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét dỡ bỏ trạm thu phí BOT Bờ Đậu đặt tại Km77+922,5 quốc lộ 3 thuộc huyện Phú Lương; cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường Thái Nguyên – Chợ Mới.

Hoặc có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách Trung ương cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên quốc lộ 3 cũ; kéo dài thời gian thu giá, tạo điều kiện hoàn vốn, tránh nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư và tránh bức xúc trong người dân.

Trần Tâm

Xem thêm: