Các sự kiện: Phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm tại PVN và PVC; Ông Đoàn Ngọc Hải từ chức; Kiến nghị kiểm điểm chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa; 6.000 công nhân đình công tại Quảng Nam; Hàm lượng Amoni cao gấp 70,3 lần cho phép tại sông Châu Giang (Hà Nam),… là tin tức thời sự nổi bật tuần qua.

Phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm tại PVN, PVC

bi cao dinh la thang
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

8h20 sáng ngày 8/1, TAND TP. Hà Nội chính thức mở phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Phòng xét xử được sắp xếp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – bỏ vành móng ngựa và thay bằng bục khai báo.

Hội đồng xét xử phiên tòa gồm 5 người, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa có 3 người; trong đó, có 2 kiểm sát viên cao cấp gồm: phó viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội ông Đào Thịnh Cường, 2 kiểm sát viên cao cấp là ông Nguyễn Mạnh Thường và ông Nguyễn Minh Đồng. Ngoài ra, VKSND TP. Hà Nội còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết.

Trong một tuần qua, phiên tòa chủ yếu làm rõ trách nhiệm các bị cáo hợp đồng EPC số 33 tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Theo cáo trạng, từ tháng 12/2007, ông Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh về PVC để giữ chức tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT. Khi PVC tài chính khó khăn, ông Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu một số hạng mục dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo đó, ông Thăng yêu cầu cấp dưới làm thủ tục để PV Power (đơn vị được giao thực hiện dự án) ký hợp đồng bàn giao lại gói thầu trái quy định, để PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

PVC đã làm khống hồ sơ để rút 1.115 tỷ đồng và sử dụng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Số tiền tạm ứng, ông Thanh dùng trả nợ, đầu tư vào công ty con; chỉ dành riêng phần nhỏ đầu tư vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ngày 11/1, VKSND đề nghị mức án đối với các bị cáo:

Nhóm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng:

  1. Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN: 14-15 năm tù.
  2. Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC: 13-14 năm tù.
  3. Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN: 10-11 năm tù.
  4. Phùng Đình Thực – nguyên Tổng giám đốc PVN: 12-13 năm tù.
  5. Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN: 10-11 năm tù.
  6. Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng PVN: 10-11 năm tù.
  7. Lê Đình Mậu – nguyên Phó trưởng Ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN: 7-8 năm tù.
  8. Vũ Hồng Chương – nguyên Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2: 2-3 năm tù
  9. Vũ Đức Thuận – Tổng giám đốc PVC: 8-9 năm tù.

Nhóm tội Tham ô:

  1. Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC: Chung thân. Tổng hình phạt là chung thân.
  2. Vũ Đức Thuận – Tổng giám đốc PVC: 18-19 năm tù.  Tổng cả hai hình phạt là 26-28 năm tù.
  3. Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó tổng giám đốc PVC: 18-19 năm tù.
  4. Lương Văn Hòa-  nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch: 13-14 năm tù.
  5. Bùi Mạnh Hiển – Giám đốc PVC: 13-14 năm tù.

Ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ xin từ chức

ông Đoàn Ngọc Hải
Ông Đoàn Ngọc Hải. (Ảnh: nld.com.vn)

Ngày 8/1, UBND quận 1 (TP.HCM) cho biết ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận đã bất ngờ nộp đơn xin từ chức.

Theo nội dung đơn, tháng 3/2016, ông Hải chính thức phụ trách lĩnh vực đô thị và nhận thấy quản lý trật tự đô thị, trong đó có quản lý trật tự lòng, lề đường là trọng tâm vì quận 1 tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.

Từ tháng 1 đến tháng 10/2017, công tác lập lại trật tự lòng, lề đường quận 1 đã tạo hiệu ứng lớn cho cả nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tốt và yêu cầu các địa phương khác thực hiện…

… Nhưng việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn – hàng ngàn tỷ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền…”.

Kết đơn, ông Hải cho rằng “Tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân. Vì vậy, tôi xin từ chức”.

Trước đó, ngày 20/2/2017, trong một lần đi cùng đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị, ông Hải đã tuyên bố: “Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng“.

Kiến nghị kiểm điểm chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa

TTCP vừa có thông báo kết luận thanh tra số 65 về kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạotại Bộ GD&ĐT, Bộ Công thương và 9 địa phương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hải Dương, Đắk Lắk, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương.

Thanh tra tại Thanh Hóa, đoàn thanh tra phát hiện trong thời gian dài (2011-2015), các đơn vị cấp huyện bổ nhiệm thừa số lượng lớn cán bộ quản lý trường học; hợp đồng với giáo viên thừa nhiều so với chỉ tiêu được giao; nhiều đơn vị thừa nhưng vẫn ký hợp đồng với số lượng lớn; số lượng giáo viên thừa, thiếu nhiều nhưng chưa được xử lý.

Theo đó, TTCP đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới việc tuyển dụng, sử dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý, hợp đồng lao động tại các đơn vị cấp huyện.

Ngoài tỉnh Thanh Hóa, TTCP còn kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2016-2020 do không tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, để trong thời gian dài các quận, huyện của thành phố không tuyển dụng được viên chức và giáo viên hệ mầm non.

Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý chưa đúng quy định” – thông báo nêu rõ.

Bên cạnh đó, TTCP cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắc, để xảy ra trong thời gian dài, không kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý,…

Chế độ lao động bất hợp lý, khoảng 6.000 công nhân đình công tại Quảng Nam

công nhân Quảng Nam, công ty Panko Tam Thăng, công ty TNHH MTV Moon Chang Vina
Công nhân Quảng Nam đình công. (Ảnh: laodong.vn)

Ngày 12/1, khoảng 6.000 công nhân của hai công ty Panko Tam Thăng và công ty TNHH MTV Moon Chang Vina thuộc  KCN Tam Thăng (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) đồng loạt đình công đòi quyền lợi. Trong đó, công ty Tam Thăng có khoảng hơn 5.000 công nhân; công ty Moon Chang Vina khoảng 700 công nhân.

Theo các công nhân, họ đình công vì những bất cập xảy ra tại hai công ty trên như Tết Nguyên Đán không thưởng lương thứ 13 như cam kết trong hợp đồng, tăng ca mỗi ngày 3,5 tiếng nhưng không thêm tiền lương là trái quy định Luật lao động, cơm tại công ty kém chất lượng, đi vệ sinh cũng phải đúng giờ,…

Liên quan tới vụ việc, đại diện Sở LĐTB&XH cùng các ngành liên quan Công đoàn Các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, đại diện các ban ngành của TP. Tam Kỳ đã đến làm việc với lãnh đạo các công ty để giải quyết.

‘Dòng sông tuyết’ ở Hà Nam: Hàm lượng Amoni cao gấp 70,3 lần cho phép

Sở TN&MT tỉnh Hà Nam vừa công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước tại khu vực sông Châu Giang (xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên) có hiện tượng nổi bọt trắng xóa như tuyết.

Kết quả cho thấy hàm lượng amoni có trong nước vượt trên 70,3 lần cho phép. Nồng độ oxy hòa tan dưới 2,5 lần. Nước sông bị ô nhiễm ở cấp độ 2, mức nghiêm trọng.

Dòng sông này vốn trong xanh và nhiều tôm cá, nhưng khoảng 5-6 năm gần đây, bỗng nhiên có hiện nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mỗi lần bọt xuất hiện kéo dài khoảng 3 tháng mới hết. Nhiều người già, trẻ em và một số hộ gia đình đã phải di cư đi nơi khác hoặc sống nhờ nhà người thân vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm trầm trọng. Ngoài ra, cây hoa màu của người dân trồng gần khu vực sông cũng không sống được,…

Ông Nguyễn Xuân Tình – Chủ tịch UBND xã Yên Bắc cũng xác nhận sự việc trên. Tuy nhiên,  ông Tình khẳng định việc ô nhiễm này không liên quan đến hoạt động xả thải của bất kỳ công ty nào.

Phát điện khi chưa cấp phép, Thủy điện Bắc Mê buộc dừng tích nước; Hà Nội sẽ bắn pháo hoa vào Tết Nguyên đán 2018; Bộ Quốc phòng thông tin về vụ nổ kho đạn tại Gia Lai; Cần Thơ phát hiện hàng ngàn lít xăng không có hóa đơn, chứng từ; BOT Bạc Liêu giảm giá vé từ 0h ngày 10/1,… tiếp tục là tin tức thời sự được quan tâm trong tuần.

Minh Hợp

Xem thêm: