Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) bị bắt; Gia đình Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả; Bộ Quốc phòng điều tra nghi vấn mua bom, mìn ở Bắc Ninh; Phát hiện thi thể nghi Chủ tịch huyện Quốc Oai; Hít phải khí độc từ nhà máy thép, hàng chục học sinh và giáo viên nhập viện,… là sự kiện nổi bật tuần qua.

Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) bị bắt

phan van anh vu
Ông Phan Văn Anh Vũ. (Ảnh: qua vov.vn)

Theo thông báo trên cổng thông tin điện tử Bộ Công An, Phan Văn Anh Vũ (SN 1975), trú tại số 82, Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã vi phạm pháp luật Việt Nam và bỏ trốn tại nơi cư trú.

Ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ; khi bỏ trốn Phan Văn Anh Vũ đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất.

Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Cũng vào 15h40 chiều ngày 4/1, chuyến bay mang số hiệu VN 662 xuất phát từ Singapore chở Phan Văn Anh Vũ đã đáp xuống sân bay Nội Bài. Bộ Nội vụ Singapore xác nhận đã trục xuất ông Vũ về Việt Nam.

Tại sân bay Nội Bài lúc 15h ngày 4/1, lực lượng chức năng gồm CSGT, công an và lực lượng cơ động đã có mặt tại khu C5 – sân bay quốc tế Nội Bài. Có 2 chiếc ô tô cùng lực lượng cảnh sát đang túc trực ở cổng khu C5.

Trước đó, ngày 2/1, trang thông tin điện tử của Cục Di trú Singapore (ICA) thông báo ngày 28/12/2017 đã tạm giữ người có tên ‘Phan Van Anh Vu’ do vi phạm Luật Di trú.

Tại Việt Nam vào tối ngày 21/12, nhà riêng của ông Vũ bị công an bất ngờ khám xét trong nhiều giờ. Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt ông Vũ được tống đạt tại nhà ông Vũ vào sáng ngày 22/12.

Khi tiến hành đọc lệnh khởi tố bị can và tiến hành khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ thì ông này không có mặt, cơ quan công an lập biên bản và ra quyết định truy nã. Ngoài ra, tại thời điểm khám xét cả vợ con của ông Vũ “nhôm” cũng không có mặt.

Gia đình Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: laodong.vn)

Ngày 6/1, ông Lê Quang Tiến – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội cho biết gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh –  nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN và Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó Tổng giám đốc PVC đã đến Cục Thi hành án chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả.

Theo đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng, gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh nộp 2 tỷ đồng và gia đình bị cáo Nguyễn Anh Minh nộp 1,3 tỷ đồng.

Tổng số tiền mà gia đình 3 bị cáo đã chủ động nộp tại Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội tới thời điểm này là 5,3 tỷ đồng”- ông Tiến cho hay.

Ngoài ra, chiều ngày 5/1, Công ty luật Viên An (phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) có thông báo đến TAND Hà Nội về việc chấm dứt bào chữa, bảo vệ cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC.

Theo thông báo, hai luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang và Lê Thị Bích Chi thuộc Công ty Viên An sẽ rút khỏi danh sách luật sư bào chữa Trịnh Xuân Thanh.

Nổ lớn tại Bắc Ninh

nổ lớn Bắc Ninh
Vụ nổ lớn Bắc Ninh sáng nay (3/1). (Ảnh: FB Nguyễn Chang)

Vụ nổ xảy ra vào khoảng 4h30 sáng ngày 3/1 tại kho phế liệu gia đình ông Nguyễn Văn Tiến thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) –  khiến 2 cháu bé là Nguyễn Tiến Nam (2 tuổi, con anh Nguyễn Văn Lợi và chị Đặng Thị Thắm) và cháu Đặng Thuỳ Trang (con anh Đặng Đình Tiến và chị Lưu Thị Sen) tử vong. Vụ nổ làm 7 người khác bị thương nặng phải đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Bắc Ninh, vụ nổ làm căn nhà cấp 4 (có 5 gian) của gia đình ông Tiến bị đổ sập hoàn toàn, tạo hố có kích thước 13,5 m x 8,5 m, sâu 3 m; 6 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn gồm 5 nhà cấp 4, 1 nhà trần; trong đó có 4 căn nhà cấp 4 biến mất hoàn toàn. Ngoài ra, có khoảng 100 căn nhà của người dân tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng, hư hỏng (vỡ cửa kính, nứt tường, trần nhà,…).

Chiều ngày 3/1, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tiến vì hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” theo quy định tại Khoản 3, Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Tiến khai nhận mua 7 tấn đạn từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) từ tháng 12/2016. Ngoài ra, lực lượng chức năng thu gom khoảng 6,7 tấn đầu đạn từ vụ nổ.

Phát hiện thi thể nghi Chủ tịch huyện Quốc Oai

Nguyễn Hồng Lâm, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai
Ông Nguyễn Hồng Lâm (phải) – Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai. (Ảnh: quocoai.hanoi.gov.vn)

Chiều ngày 3/1, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể ông Nguyễn Hồng Lâm – Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai mất tích vào ngày 26/12/2017 tại ngôi nhà 5 tầng, ngõ 279 Hoàng Mai, Hà Nội (nhà riêng của ông Lâm) – trong tư thế treo cổ.

Trước đó, tối ngày 25/12/2017, ông Lâm vẫn đi dự bữa cơm chia tay một cán bộ Phòng Tài chính huyện về hưu. Khoảng 20h, mọi người chia tay nhau, về cơ quan. Đến 21h, ông Lâm tự lái xe Camry màu đen mang BKS: 29A – 313.93 đi khỏi Trụ sở UBND huyện Quốc Oai, sau đó đi đâu không ai biết.

Đến sáng hôm sau, khoảng 6h35 ngày 26/12, ông Lâm gọi điện xin phép Bí thư Huyện ủy vắng mặt ở cuộc họp của Ban Thường vụ, sau đó không liên lạc được.

Ông Lâm từng gọi điện thoại cho con trai và nói “bố đang gặp rắc rối” trước khi mất tích. Qua tín hiệu điện thoại, cơ quan điều tra xác nhận vị trí cuối cùng ông Lâm xuất hiện tại khu vực hồ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội).

Ngoài ra, chiếc xe ô tô riêng của ông Lâm được cơ quan chức năng tìm thấy tại ngõ 113 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội). Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng không phát hiện điều gì bất thường. Hiện chiếc xe được đưa về gara huyện Quốc Oai.

Cơ quan công an kết luận sơ bộ, nguyên nhân Chủ tịch huyện Quốc Oai tử vong là do ngạt, treo cổ tự tử. Hiện vụ việc tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hải Phòng: Hít phải khí độc từ nhà máy thép, hàng chục học sinh và giáo viên nhập viện

Khoảng 8h ngày 6/1, 23 học sinh (chủ yếu học lớp 6A2) trường THCS Quán Toan (phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) có biểu hiện choáng váng, khó thở, nôn, tức ngực. Ngoài ra, hai cô giáo Đoàn Thị Hoàng Anh và Nguyễn Thị Thanh cũng ngất xỉu do hít phải khí độc và bụi từ nhà máy thép Việt – Nhật đóng tại gần trường học.

Sau đó, nhà trường đưa các em đi cấp cứu tại Phòng khám đa khoa Tràng An. Bác sỹ Đỗ Tuấn Lâm – người trực tiếp cấp cứu cho các em học sinh (thuộc Phòng khám Tràng An) cho hay các em bị ngộ độc khí CO từ khí thải nhà máy.

Phía nhà máy giải thích nguyên nhân vụ việc là do túi lọc bụi của dây chuyền luyện thép bị cháy, dẫn đến sự cố khí thải tràn ra môi trường. Theo đó, đoàn công tác quận Hồng Bàng thống nhất yêu cầu doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, xử lý ô nhiễm mới được hoạt động trở lại. Nếu phát hiện doanh nghiệp còn vi phạm, quận sẽ có văn bản kiến nghị lên cấp trên, đồng thời thực hiện những biện pháp như cắt điện, yêu cầu dừng sản xuất.

Được biết, trước đó, năm 2009 nhà máy này từng xả thải khiến các em học sinh tại trường ngày ngộ độc khí thải. Chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 27/10 đến 19/12/2009), nhà trường phải 4 lần tạm đóng cửa vì có 86 học sinh và một giáo viên của trường phải cấp cứu.

Các tin như: Phó chánh Thanh tra Hải Dương bị cách chức; Sai phạm gần 15.000 tỷ đồng, TKV nói gì?; Bị cáo lãnh án tử hình vụ nổ súng ở Đắk Nông kháng cáo; Vụ lát đá vỉa hè Hà Nội: ‘Con ông cháu cha’ có trục lợi?; Bác tin chi 1 triệu USD sơn lại tàu Cát Linh – Hà Đông; Gần 1.800 xe qua BOT Điện Bàn được miễn giảm phí,… tiếp tục là các tin chú ý trong tuần.

Minh Hợp

Xem thêm: