Thu hồi sách “Một cơn gió bụi” – Cuốn sách mô tả chi tiết về Chính phủ Trần Trọng Kim; Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh ra quyết định kỷ luật họa sỹ Nguyễn Nhân và thu giữ bức tranh “Biển chết”; Phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) với bản án 10 năm tù; 17 cán bộ trung và cao cấp đã nghỉ hưu của TP. Đà Nẵng ký thư kiến nghị bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà;… là những tin tức thời sự nổi bật trong nước tuần qua (từ 26/6 đến 2/7).

viet nam su kien noi bat

Thu hồi sách “Một cơn gió bụi” – Cuốn sách mô tả chi tiết về Chính phủ Trần Trọng Kim – một Chính phủ nhận được nhiều quan điểm đánh giá khác nhau liên quan đến giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1942 đến 1948.

Sau hơn 4 tháng Chính phủ tồn tại và chấm dứt vào ngày 23/8/1945, ghi lại bối cảnh sau khi Việt Minh lên cầm quyền, vua Bảo Đại thoái vị và được Việt Minh đưa ra làm Tối cao Cố vấn ở Hà Nội để dễ quản thúc, Trần Trọng Kim viết: “Sau thấy có người, hoặc vì tuyên truyền, hoặc vì không biết rõ sự thực nói: “Chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ bù nhìn, ý nói là chúng tôi ra làm việc để bọn Nhật sai khiến. Tôi dám cả tiếng bác lời nói đó.”

[…] Còn những công việc chúng tôi đã làm trong mấy tháng tôi đã kể rõ ở trên. Đối với dân chúng tôi đã tìm cách nâng cao dân trí lên. Người nào làm bậy có chứng cớ rõ ràng thì theo luật pháp mà trừng trị rất nghiêm. Chúng tôi lấy lại toàn lãnh thổ của tổ quốc và làm mọi việc không điều gì nhục đến quốc thể. Đó là chỗ chúng tôi tự hào, trong khi làm việc, không để cho ai lấy uy quyền đè nén, và đối với lương tâm không có gì đáng hổ thẹn. […]”.

Bức tranh “Biển chết” của họa sỹ Nguyễn Nhân – Tác phẩm từng đạt giải Ba cuộc thi “Sáng tác Mỹ thuật tỉnh Trà Vinh năm 2016” bị Hội Văn học – Nghệ thuật Trà Vinh thu hồi. Họa sỹ Nguyễn Nhân bị cảnh cáo, thời gian thử thách 1 năm, bị hủy kết quả và thu hồi giải Ba (bao gồm chứng nhận giải thưởng và tiền thưởng 2 triệu đồng đối với tác phẩm “Biển chết”, thu hồi kinh phí hỗ trợ sáng tác mỹ thuật năm 2016 là 1,2 triệu đồng). Tổng kinh phí thu hồi là 3,2 triệu đồng được nộp về kho bạc tỉnh để khôi phục kinh phí năm 2016 của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh trong Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học – Nghệ thuật của Trung ương.

buc tranh bien chet
Bức tranh ‘Biển chết’ của họa sỹ Nguyễn Nhân bị thu hồi.

Ngày 29/6, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm, SN 1979, ngụ phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 88 Bộ Luật Hình sự – một điều khoản được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng “quá rộng và không xác định”“có thể kết tội bất kỳ công dân Việt Nam nào khi họ bày tỏ ý kiến, để thảo luận hoặc để chất vấn Chính phủ về các chính sách của Chính Phủ”, Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù.

blogger me nam 6
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) lên tiếng vì các vấn đề môi trường, phản đối các hành động của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa,…

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí kêu gọi thả Như Quỳnh và yêu cầu cho phép các cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt. Cùng với đó, Đại sứ Bruno Angelet – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng gửi thông điệp về việc kết án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Thông điệp của Đại sứ ghi “việc kết án 10 năm tù giam bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 29/6 sau khi bà biểu đạt ý kiến của mình về các vấn đề môi trường và xã hội một cách ôn hòa mâu thuẫn trực tiếp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên, trong đó quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt được ghi nhận là những quyền cơ bản, không thể thiếu được đối với phẩm giá và sự mãn nguyện cá nhân của mọi người, cũng như Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam. Việc luật sư của bà chỉ được phép gặp bà vài ngày trước đây để chuẩn bị bào chữa cho bà đặt ra câu hỏi về quyền đối với quy trình bào chữa thỏa đáng mà mỗi người Việt Nam được hưởng theo quy định pháp luật.”

Sở Nội vụ Hà Nội có 8 Phó giám đốc tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc quản lý, tinh giản biên chế trong bộ máy Nhà nước. Là cơ quan có số lượng cấp phó nhiều nhất ở Hà Nội, Sở Nội vụ (cơ quan giúp TP. Hà Nội quản lý về bộ máy biên chế, tinh giản biên chế) hiện có tới 8 Phó giám đốc (vượt 4 người so với nghị định của Chính phủ). Theo Chánh văn phòng Sở Nội vụ, trước đây Sở đã có số lượng Phó giám đốc đủ theo quy định, nhưng sau Đại hội các cấp có một số trường hợp không đủ tuổi tái cử, đã được luân chuyển về Sở.

Liên quan đến vụ tai biến y khoa nghiêm trọng – 8 người chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, sau khi Cơ quan Điều tra có quyết định khởi tố và bắt tạm giam bác sỹ Hoàng Công Lương (SN 1986, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) vì “đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh”, Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam đã có đơn kiến nghị với 5 nội dung gửi đến Bộ Y tế và Bộ Công an đề nghị xem xét lại quyết định trên; Tổng hội Y học Việt Nam cũng gửi đơn đến Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị cho bác sỹ Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra vụ việc.

Các sự kiện: 17 cán bộ trung, cao cấp đã nghỉ hưu của TP. Đà Nẵng ký vào thư kiến nghị gửi các lãnh đạo cấp cao phản đối việc lấy đất rừng cấm quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng; Bộ Công an đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra làm rõ việc Công an Hà Nội bắt giữ người dân Đồng Tâm ngày 15/4; hàng loạt các công trình không có giấy phép xây dựng được Sư đoàn 370 Không quân ký hợp đồng với các đơn vị kinh tế để xây dựng các khu vui chơi, giải trí, dịch vụ,… trong khu đất thuộc sân bay Tân Sơn Nhất; Điều chỉnh giảm 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận… tiếp tục làm “nóng” các vấn đề thời sự đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Minh Hợp

Xem thêm: