Năm 2017, Việt Nam hứng chịu thiên tai liên tiếp khiến 386 người chết, mất tích; 664 người bị thương, 8.166 nhà bị sập đổ, cuốn trôi… Tổng thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng (hơn 2,65 tỷ USD).

bao so 12 khanh hoa
Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã, Khánh Hòa) trôi ra biển, ước thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Đón Tết, gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất. (Ảnh: baokhanhhoa.com.vn)

Theo báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2017, Việt Nam xảy ra 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có 5 cơn bão và 3 ATNÐ đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng, làm ảnh hưởng đời sống, môi trường sản xuất, kinh doanh,…

Đặc biệt là hai cơn bão số 15 và 16 xuất hiện trên biển Đông vào cuối năm 2017. Riêng cơn bão số 16, trái quy luật, tốc độ di chuyển rất nhanh trên biển và có phạm vi ảnh hưởng rộng, xảy ra vào thời điểm ít khi có bão mạnh.

Cũng tại báo cáo, năm 2017, miền Trung lũ đặc biệt lớn, xấp xỉ mức lịch sử xảy ra vào đầu tháng 11 (sau bão số 12) trên sông Bồ (Thừa Thiên – Huế), sông Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Vệ (Quảng Ngãi) – gây ngập sâu tại TP Huế và TP. Hội An trùng vào Tuần lễ cấp cao APEC.

Tại các tỉnh miền núi phía bắc, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra từ ngày 2 đến ngày 4/8 và từ ngày 10 đến ngày 12/10, đặc biệt nghiêm trọng tại Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái) và các huyện Tân Lạc, Ðà Bắc, TP. Hòa Bình (Hòa Bình).

Ngoài ra, mưa lớn trái mùa giữa tháng 10 làm lưu lượng nước đổ về các hồ tăng cao đột ngột, có thời điểm đổ về hồ Hòa Bình đến 15.940 m3/giây, trong khi các hồ chứa đã tích đầy nước theo quy trình. Lần đầu sau nhiều năm, hồ Hòa Bình phải xả 8 cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520 m3/giây. Mưa lớn đã gây đợt lũ ở mức lịch sử tại một số sông thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, làm ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều trong khu vực.

Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra ở các tỉnh miền núi mà tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân. Theo thống kê sơ bộ, toàn vùng đã có 562 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 786 km và làm mất đi khoảng 300 ha đất/năm, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng sạt lở bờ sông Vàm Nao (An Giang), sạt lở kè Gành Hòa (Bạc Liêu),…

Theo thống kê, thiên tai năm 2017 làm:

  • 386 người chết và mất tích, 664 người bị thương;
  • Hơn 8.166 nhà bị sập đổ, cuốn trôi;
  • Hơn 588.139 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái;
  • 363.502 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại;
  • 69.757 con gia súc, 2 triệu con gia cầm bị chết;
  • 169.640 ha cây công nghiệp, cây ăn quả và 143.438 ha rừng bị đổ, thiệt hại;
  • 41.375 lồng bè, 60.392 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại;
  • 3.682 tàu thuyền bị chìm, phá hủy tại nơi neo đậu;
  • 1,145 km đê, kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị sạt lở;
  • 1.586 km đường giao thông hư hỏng;
  • 6,88 triệu m3 đất đá bị sạt trượt.

Tổng thiệt hại ước tính hơn 60 nghìn tỷ đồng (hơn 2,65 tỷ USD).

Kim Long

Xem thêm: