Sau hơn một năm thu phí, Sở GTVT vừa gửi văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, có ý kiến đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu giảm mức phí qua 3 trạm BOT đặt trên QL 1 và QL 19 qua địa bàn. 

bot
Trạm thu phí BOT Nam Bình Định (Ảnh: Google Maps/Dang Pham Hai/2016)

Trước đó, sau khi BOT Cai Lậy bị “thất thủ”, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ GTVT xem xét cho điều chỉnh giảm mức phí qua trạm.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đề xuất giảm phí BOT qua 3 trạm, tại các vị trí Km1148+1300, huyện Hoài Nhơn, tuyến QL1 (trạm BOT Bắc Bình Định); Km1212+550, thị xã An Nhơn tuyến QL1 (trạm BOT Nam Bình Định) và Km49+550, huyện Tây Sơn, tuyến QL19 (Trạm BOT QL 19).

Mức giảm phía UBND tỉnh Bình Định đề nghị lần lượt là 50% với vé quý, 40% với vé tháng và 20% với vé lượt trong phạm vi cách trạm 3km. Đối tượng được giảm là người dân và doanh nghiệp sinh sống, hoạt động quanh khu vực trạm thu phí.

Theo văn bản ngày 31/8 gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với mức phí qua 3 trạm BOT, Sở GTVT đề nghị giảm 50% vé quý, giảm 40% vé tháng, 20% vé lượt trong phạm vi cách trạm 3 km.

Đối tượng được giảm là với phương tiện ở địa bàn huyện An Lão, Hoài Ân và Hoài Nhơn (Trạm BOT Bắc Bình Định); phương tiện ở địa bàn huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thị xã An Nhơn (Trạm BOT Nam Bình Định); phương tiện ở địa bàn huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh (Trạm BOT QL 19).

Ngoài ra, Sở GTVT Bình Định đề nghị các chủ đầu tư dự án BOT sửa chữa các hư hỏng của công trình, điều chỉnh lại giao thông tại các nút giao.

Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét có giải pháp tăng cường mặt đường, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo công tác duy tu, bảo dưỡng trên đoạn tuyến quốc lộ cũ, nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT đầu tư hoàn chỉnh các đoạn tuyến này để đồng bộ trên toàn tuyến.

Theo lý trình, trạm BOT Nam Bình Định cách trạm BOT Bắc Bình Định 64 km. Trạm BOT QL 19 cách Trạm BOT Nam Bình Định khoảng 34 km. Cả ba trạm BOT Nam Bình Định, BOT Bắc Bình Định, BOT QL 19 đều thu phí đã được hơn một năm, lần lượt từ ngày 9/5/2016, 18/7/2016 và 1/6/2016.

Tuy nhiên, theo phản ánh, chỉ sau hơn 4 tháng đưa vào thu phí, tuyến đường QL1A dài 23,5 km do Công ty cổ phần BOT Bắc Bình Định đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.644 tỷ đồng đã xuống cấp, bóc nhựa, xuất hiện hàng trăm ổ voi, ổ trâu, có hố sâu 50 cm. Trong khi đó, mức phí thấp nhất tại trạm thu phí BOT Bắc Bình Định là 35.000 đồng/lượt, cao nhất là 180.000 đồng/lượt.

Tại trạm BOT Nam Bình Định, mức thu phí hoàn vốn dự án thấp nhất là 35.000 đồng/lượt, cao nhất 200.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, cả tuyến QL1 nằm 2 bên đầu trạm thu phí Nam Bình Định dài hơn 2 km nhưng không có chỗ quay đầu. Người dân muốn đi về hướng ngược lại phải mua 2 lượt vé qua trạm rồi mới quay lại được. Chưa kể sau vài tháng triển khai thu phí, từ cuối năm 2016, tuyến đường này xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ gà, nhiều nhất là đoạn đi qua địa bàn huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn. Đường xuống cấp chỉ được sửa chữa tạm. Các điểm vá rộng từ 1-4 m2, cao hơn mặt đường cũ khiến mặt đường gồ ghề.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến QL 19, nối Bình Định với Gia Lai cũng là một dự án BOT tai tiếng.

Dự án có tổng chiều dài 73,248 km, vốn đầu tư 2.045 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài khoảng 56 km, trong đó đoạn qua Bình Định hơn 33 km và đoạn qua Gia Lai hơn 22,6 km, thông xe vào ngày 15/1/2016 với 2 trạm thu phí được lập ở 2 địa phương chính thức hoạt động từ 1/6/2016. Giai đoạn 2 được đầu tư bổ sung dài 17,552 km, nằm ở đoạn giữa các đoạn tuyến của giai đoạn 1.

Đáng nói là trong khi giai đoạn 2 đang triển khai, đường chưa xong thì cả 2 tuyến của giai đoạn 1 đã xuống cấp sau chưa đầy 2 năm thông xe.

Nguyễn Quân

Xem thêm: