Sáng nay, tôi đã có ba tiếng đứng trên xe buýt. Trời mưa khiến những bệ rạc, lộn xộn, đông đúc của phố xá tăng lên gấp đôi. Những dòng người như thác và hỗn độn. Biển xe, biển người chen nhau trong những tấm áo đi mưa, những chiếc ô, những chiếc xe đủ màu sắc, hình dáng.

Nhưng chúng có điểm chung là đều “lầm than” – hiểu theo nghĩa đen của từ này nghĩa là lấm lem bùn đất.

xe buyt va giao duc
Giao thông hỗn loạn ở đường hầm Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), ngày 22/4/2016. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Xe buýt quá đông, chen nhau ngộp thở, tôi không có không gian để đọc sách như thường lệ nên đành suy nghĩ giết thời gian. Tự nhiên tôi liên tưởng hình ảnh chiếc xe buýt và giáo dục.

Theo bạn, xe buýt và giáo dục ta có mối quan hệ gì?”, tôi viết như vậy trên Facebook để đánh dấu ý nghĩ vụt qua trong đầu mình.

“lạng lách, đánh võng và rối chằng chịt”

“cũ nát, lạc hậu, không đi xa được”

“ý thức”

“Đều là phương tiện của nhà nước, mang lại sự tiếp cận (một cách bình đẳng đối với một số hệ thống giáo dục) đến cho mọi tầng lớp xã hội”

“Nhồi nhét, thu chi chưa rõ ràng, trình độ không đồng đều, mua bằng cấp”

“Cũ kĩ , chen lấn và lạm dụng tình dục”

“Chung mục đích đưa đón người đi học đến khi nhận được bằng cấp”

“Nhồi nhét”

….

Quả thật, trí tưởng tượng và ngôn ngữ của người đọc rất phong phú. Theo mạch tư duy đó sẽ tìm thấy vô vàn điểm giao nhau giữa hai thực thể xa lạ.

Nhưng có một ý chưa thấy ai nói tới.

Đấy là “chủ nghĩa thành tích” và bệ đỡ phía sau nó.

Chiếc xe buýt ban đầu chở tôi sau hơn một tiếng đứng im tại chỗ, đã thoát ra và đi được đến Cầu Giấy. Tuy nhiên tại đây, lái xe thông báo với phụ xe là “âm giờ” và ra lệnh cho phụ xe thông báo cho khách xuống để “quay đầu”. Tất cả khách bị đuổi xuống và để hạn chế sự bất mãn của khách, phụ xe giải thích “các bác đi xe sau cứ bảo là xe quay đầu thì không mất tiền nữa”. Khách khó chịu nhưng đành phải xuống.
Hóa ra, đến xe buýt cũng bị chủ nghĩa thành tích cai trị. Đơn giản vì có lẽ xí nghiệp quản lý xe buýt quản lý lái xe và xe theo kiểu “khoán giờ”, “khoán chuyến” vì thế khi lái họ ưu tiên “giờ định mức”, “số chuyến” của họ hơn là sự an toàn, thuận lợi và sự bằng lòng của khách. Vì thế khi thiếu giờ, thiếu chuyến họ sẵn sàng đuổi ngay khách xuống để đạt được định mức của mình khỏi bị phạt lương, trừ thưởng.

Đấy là lý do giải thích tại sao khi đến Việt Nam, người Nhật có một nhận xét rất ý nhị: “Người Việt làm gì cũng lề mề nhưng lên và xuống xe buýt thì nhanh kinh khủng”.

Họ ngạc nhiên là phải vì khi lên, xuống xe người ta lẽ ra phải rất thận trọng và bình tĩnh vì đó là thời điểm nguy hiểm số một khi đi xe buýt.

Nhưng họ không hiểu tiếng Việt nên không biết rằng nếu không lên nhanh, xuống nhanh sẽ bị lái xe, phụ xe giục thậm chí nói những lời rất khó nghe, thậm chí là “mất dạy”. Có nhiều trường hợp xe còn đóng cửa luôn, đi ngay bỏ mặc khách chậm chân ngơ ngác.

Cách làm như vậy rất giống cách thức của các trường, các sở chạy theo thành tích. Ở đó, lãnh đạo, giáo viên chỉ quan tâm đến bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi, đỗ đại học bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu giáo viên giỏi, bao nhiêu học sinh bị hạnh kiểm yếu… mà bỏ qua tính toàn diện và vĩ mô của mục tiêu giáo dục. Thành tích hiển thị bằng các con số trở thành tiêu chuẩn duy nhất và tuyệt đối để đánh giá chất lượng giáo dục và năng lực của giáo viên.

Hậu quả là tất cả những ai bị chi phối bởi cơ chế đó đều chọn các con số làm đối tượng ưu tiên. Mọi thứ nếu không phục vụ việc tạo ra các con số đẹp sẽ bị hạn chế hoặc loại trừ.

Vì thế mà thể dục, mỹ thuật, âm nhạc học như đùa.

Sử, địa, giáo dục công dân học như học chép chính tả.

Vì thế mà đời sống-văn hóa trường học chỉ là “thực hiện nghiêm nề nếp”, “đi học đúng giờ”, “không nghỉ học không phép”, “làm bài đầy đủ”, “thi đạt điểm cao”…

Tất cả biến thành vật hy sinh kể cả sự đam mê, mối quan tâm hứng thú đa dạng của học sinh.

Và từ đó, sau mỗi vụ bạo lực học đường là bóng ma của chủ nghĩa thành tích. Trước sức ép của thành thích và cơ chế tạo ra nó, giáo viên đã dùng bạo lực và quên hẳn rủi ro về đạo đức, pháp lý .

Xem thế, đủ biết sự tác động của chủ nghĩa thành tích suy ra từ cơ chế quản lý đơn giản hóa mục tiêu của giáo dục nguy hiểm thế nào. 

Trở lại câu chuyện xe buýt.

Cho dù những lời bạn đọc viết ở trên khá gay gắt, cũng rất khó để phủ nhận các vấn đề đặt ra ở đó. Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhấn mạnh rằng, cho dù tắc đường, cho dù hỗn loạn, xe buýt rồi cũng sẽ trở thành một phương tiện giao thông công cộng quan trọng của người Việt khi di chuyển trong thành phố. Muốn có cuộc sống văn minh nơi đô thị, người ta không thể nghĩ cách làm cho nó tốt lên. Tất nhiên, có những người có tiền có thể “tị nạn xe buýt” bằng cách đi taxi, đi ô tô riêng. Tuy nhiên, cho dù không đi xe buýt, họ cũng bị xe buýt chi phối vì đều chia sẻ chung không gian. Nếu xe buýt làm tắc đường, có đi xe gì họ cũng sẽ phải đợi. Nếu xe buýt đi ẩu, họ cũng có thể trở thành nạn nhân.

Né tránh, không phải là cách giải bài toán đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người. Đừng nghĩ mình đi ô tô rồi thì không cần quan tâm đến xe buýt nữa. Những kể khôn vặt khác cũng đừng dại dột nghĩ rằng khi xe buýt đông, mình chen tốt kiếm được một chỗ ngồi là yên tâm ngủ chờ đến bến.

Như thế là khờ dại.

Chỉ có cách nhìn vào vấn đề, tìm ra nguyên nhân và từng bước giải quyết các nguyên nhân ấy bằng sự khôn ngoan và lý trí.

Để làm được điều ấy, tất cả mọi người đều phải suy nghĩ, hợp tác và hành động tích cực.

Và tất nhiên, đấy cũng là thử thách lớn đặc biệt là lúc trời mưa và đường sá ngổn ngang như công trường xây dựng.

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm: