LTS: Giáo sư Nguyễn Đức Tồn, cựu Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học VN, hiện là thành viên Hội đồng chức danh giáo sư Ngành ngôn ngữ học, vừa bị tố “đạo văn” của nhiều học trò và của một giáo sư khác.

Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học – GS Trần Ngọc Thêm xác nhận việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật. Theo GS Thêm, điều này khiến ông Tồn có 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì “tinh thần nhân đạo và nhân văn”.

Liệu “tinh thần nhân đạo và nhân văn” có được coi là một tiêu chuẩn để chứng nhận phẩm chất khoa học của giáo sư?

Dưới đây là một góc nhìn của GS. Nguyễn Văn Tuấn – một giáo sư gốc Việt thành danh ở Australia – về tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất khoa học của giáo sư. Ông hiện là giáo sư tại ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney (Australia).

tieu chuan gi de danh gia pham chat khoa hoc cua giao su 2
GS Augusto Righi (1850-1920) chuẩn bị bài học về điện khí quyển tại Đại học Bologna, Ý (Ảnh tư liệu/LIllustrazione Italiana, Năm XXX, Số 9, ngày 1/3/1903/dẫn qua Getty Images)

Làm sao để định nghĩa phẩm chất khoa học của một cá nhân? Qua những trải nghiệm cá nhân, tôi có thể nói rằng những yếu tố hay đặc điểm sau đây được sử dụng để đánh giá phẩm chất khoa học của ứng viên:

  1. Tập san và tầm ảnh hưởng

Ở Việt Nam, người ta rất quan tâm đến số lượng bài báo khoa học, nên báo chí nói mãi về người này người kia có bao nhiêu bài, hàm ý nói rằng họ giỏi và xứng đáng. Điều này không hẳn đúng. Số lượng bài báo chỉ thể hiện năng suất và mức độ hoạt động nghiên cứu khoa học; nó không phản ảnh phẩm chất khoa học.

Một ứng viên có thể có nhiều bài báo, nhưng điều quan trọng hơn là những bài báo đó công bố trên những tập san nào. Những công trình nghiên cứu làng nhàng chỉ có thể công bố trên những tập san có uy tín thấp và ảnh hưởng thấp. Uy tín và tầm ảnh hưởng của một tập san có thể xem qua Chỉ số ảnh hưởng của tạp chí khoa học (impact factor – IF). Tập san có impact factor cao là một (chỉ “một” thôi) tín hiệu cho thấy đó là công trình có phẩm chất tốt. Chẳng hạn như công trình của Bs Lan và cộng sự trên New England Journal of Medicine (IF 72) là một công trình có phẩm chất rất cao (chứ nếu không thì NEJM không bao giờ công bố).

Nhưng có bài trên một tập san lừng danh vẫn chưa đủ. Hội đồng thường phải xem xét đến quá trình công bố của ứng viên trong quá khứ xem có bao nhiêu lần có bài trên những tập san nổi tiếng, chứ không phải chỉ 1 hay 2 bài là đủ. Họ phải xem xét đến vai trò của ứng viên trong bài báo. Ở Úc, có nhiều ứng viên có bài trên Science hay Nature mà vẫn chưa đủ để được xét bổ nhiệm chức vụ giáo sư, bởi vì thành tựu đó chưa được xem là đủ vững vàng (“sustainable”).

Không có hội đồng nghiêm chỉnh nào đọc hết hàng trăm bài báo của ứng viên. Người ta chỉ yêu cầu ứng viên trình bày 5 bài trong 5 năm qua và 5 hay 10 bài trong sự nghiệp để đánh giá. Đó cũng là cách mà trường ĐH Tôn Đức Thắng đang làm.

Cần nói thêm rằng đã có khá nhiều tác giả ở Việt Nam công bố bài trên những tập san “dỏm” (predatory journals) hay tập san phi chính thống. Nếu người ngồi trong hội đồng xét duyệt hồ sơ giáo sư mà không có kinh nghiệm công bố khoa học thì làm sao có thể biết tập san nào là “dỏm” và tập san nào là thật? Nếu đánh giá sai thì sẽ gây tác hại đến ứng viên và khoa học Việt Nam.

  1. Citations (số trích dẫn)

Một tín hiệu quan trọng khác là tần số trích dẫn. Một bài báo có thể công bố trên tập san có IF thấp nhưng có trích dẫn cao thì vẫn là một công trình có phẩm chất cao. Do đó, các hội đồng bổ nhiệm giáo sư thuộc các đại học tiên tiến chẳng mấy quan tâm đến số bài báo, mà họ rất quan tâm đến số trích dẫn. Ngay cả các nhóm xếp hạng đại học, họ cũng chỉ quan tâm đến số trích dẫn, chứ không phải số bài báo. Tại trường ĐH Tôn Đức Thắng, chỉ số trích dẫn là một yếu tố gần như quyết định để vượt qua vòng đầu trong xét duyệt bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Dĩ nhiên, số trích dẫn cũng có vấn đề cần lưu tâm. Thứ nhất, số trích dẫn phụ thuộc vào ngành nghiên cứu (ngành khoa học xã hội thường có trích dẫn thấp hơn y khoa chẳng hạn); do đó, số trích dẫn phải được xem xét trong mỗi ngành bằng cách dùng chỉ số RCI (relative citation index). Thứ hai, có bài báo (số ít) sai về phương pháp nên người ta trích dẫn để cảnh báo, và trong trường hợp này người xét duyệt phải là người trong ngành để biết. Người ngoài ngành thì …chịu thua. Thứ ba, chỉ số trích dẫn có khi là …tự trích dẫn. Ở Việt Nam, có nhiều người có xu hướng tự trích dẫn bài của mình và qua đó nâng cao số trích dẫn; điều này đòi hỏi người xét duyệt phải am hiểu và có phương tiện để phân tích trích dẫn cho chính xác.

  1. Chỉ số H (còn gọi là H index)

Đây là một chỉ số rất quan trọng của một nhà khoa học. Chỉ số H phản ảnh tầm ảnh hưởng của một nhà khoa học trong chuyên ngành, và nó được tính từ số trích dẫn và số bài báo khoa học. Do đó, có thể nói rằng chỉ số H là một dung hòa giữa lượng và phẩm.

Theo tác giả của chỉ số H, một nhà khoa học với H = 20 sau 20 năm làm khoa học có thể xem là một nhà khoa học thành công (successful); chỉ số H = 40 sau 20 năm làm khoa học được xem là xuất sắc (outstanding) thường hay thấy ở các đại học hàng đầu hay viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; chỉ số H = 60 sau 20 năm làm nghiên cứu được xem là thật sự cá biệt (truly unique). Tác giả đề nghị rằng người có chỉ số H khoảng 12 có thể xem tương đương với giảng viên (lecturer hay senior lecturer), và người có H khoảng 18 trở lên có thể xem tương đương với đẳng cấp giáo sư.

Nhưng chỉ số H tuỳ thuộc vào ngành (vì nó được tính từ số trích dẫn). Do đó, để đánh giá đúng hơn, chỉ số H cần phải được chuẩn hoá, bằng cách lấy ngành vật lý làm chuẩn. Một lần nữa, phải là người am hiểu về trắc lượng khoa học và am hiểu nghiên cứu khoa học mới có thể đánh giá đúng chỉ số H.

  1. Societal impact (tác động xã hội)

Các chỉ số vừa kể chỉ phản ảnh tầm ảnh hưởng trong khoa học; cái mà chúng ta cần phải xem xét đến là tầm ảnh hưởng đến xã hội, đến thực hành. Do đó, ngoài những chỉ số định lượng, hội đồng còn phải xem xét ứng viên đã có những nghiên cứu nào được chuyển giao cho xã hội hay cho chuyên ngành. Chẳng hạn như một nghiên cứu dẫn đến thay đổi chẩn đoán loãng xương thì đó được xem là tác động chuyên ngành, hay một nghiên cứu làm thay đổi chính sách y tế thì đó là tác động xã hội.

tieu chuan gi de danh gia pham chat khoa hoc cua giao su 1
Một bài giảng trên giảng đường đại học. (Ảnh minh họa/Gettt Images)
  1. Peer recognition (công nhận của đồng nghiệp)

Một tiêu chuẩn khác để đánh giá phẩm chất khoa học của một cá nhân là sự công nhận từ đồng nghiệp. Những hình thức công nhận thường là:

  • giải thưởng trong chuyên ngành;
  • học bổng nghiên cứu sinh của các hội hay tổ chức khoa học danh giá
  • được mời giảng chủ đạo trong các hội nghị quốc tế (không phải hội nghị ở Việt Nam);
  • được mời làm chủ tọa các phiên họp trong các hội nghị quốc tế;
  • thành viên trong ban biên tập các tập san chính thống;
  • ngồi trong các hội đồng xét duyệt hồ sơ giáo sư của các trường top 100.

Chú ý những học hàm danh dự như giáo sư thỉnh giảng hay giáo sư danh dự. Chúng không có giá trị để xét duyệt cho dù của bất kỳ đại học danh giá nào, bởi vì đó không phải là hình thức công nhận. Ở Việt Nam vẫn bị lầm về chức danh này.

  1. Thu hút nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (post-doc)

Một tín hiệu quan trọng khác để đánh giá phẩm chất khoa học của một giáo sư là đào tạo. Hội đồng thường xem xét đến số nghiên cứu sinh mà ứng viên đã đào tạo, và quan trọng hơn là họ đang làm gì, ở đâu (có phải ở những trường viện nổi tiếng?).

Số lượng nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đến “đầu quân” để làm việc cũng là một tín hiệu về phẩm chất và tầm ảnh hưởng. Rất hiếm có trường nào (nước ngoài) đề bạt một người lên chức danh phó giáo sư (associate professor) hay giáo sư (professor) mà ứng viên đó chưa đào tạo được một tiến sĩ nào.

  1. Tài trợ cho khoa học

Hội đồng xét duyệt cũng rất chú ý đến số tiền và số dự án được tài trợ từ những tổ chức khoa học có uy tín (ví dụ như ARC và NHMRC của Úc, hay NSF và NIH của Mĩ). Được tài trợ là một tín hiệu “được công nhận” và phẩm chất khoa học. Người có nghiên cứu tốt thì mới có khả năng thu hút tài trợ; và khi đã thu hút tài trợ họ phải có công bố khoa học tốt mới có khả năng thu hút tiếp. Do đó, tín hiệu về tài trợ khoa học là quan trọng để đánh giá phẩm chất khoa học của một cá nhân.

***

Trên đây chỉ là vài yếu tố mà các đại học phương Tây dùng để đánh giá phẩm chất khoa học của một ứng viên. Đã là phẩm chất thì không có chuyện “cân đo đong đếm”. Có những tiêu chuẩn không thể định lượng được, bởi vì không có chỉ số nào có thể phản ảnh đầy đủ. Tất cả phải được đặt trong bối cảnh, và thảo luận trực tiếp trong hội đồng (có khi thảo luận với ứng viên trong buổi phỏng vấn).

Tất cả các yếu tố trên đòi hỏi người ngồi trong hội đồng xét duyệt phải am hiểu quy trình nghiên cứu khoa học và công bố khoa học. Lý do là vì họ là người trong cuộc và có trải nghiệm, nên họ biết đánh giá tầm quan trọng và các “luật chơi”. Những nghiên cứu sinh sau tiến sĩ hay những giáo sư chưa từng ngồi trong các hội đồng biên tập tập san thì không thể nào hiểu biết được ‘luật chơi” khoa học. Làm sao một người mới 5-10 năm sau tiến sĩ và chưa bao giờ ngồi trong các hội đồng hàn lâm có thể biết hết các khía cạnh mà các đại học phương Tây quan tâm? Những người chưa bao giờ điều hành nghiên cứu thực nghiệm (hay chỉ làm nghiên cứu một mình) thì không thể nào biết hết được quy trình nghiên cứu khoa học thực nghiệm để đánh giá đúng. Thật là sai lầm khi có giáo sư so sánh rằng giáo sư đại học “cũng như… thợ bậc 7”!

Tôi nghĩ cần phải có một uỷ ban độc lập rà soát lại quy trình và tiêu chuẩn “công nhận” chức danh giáo sư. Uỷ ban này phải có thành viên từ trong nước và nước ngoài. Những thành viên này phải là cấp giáo sư toàn phần (full professor) trở lên, nhưng phải là giáo sư có hạng; họ phải là những người thực sự đã từng ngồi trong các hội đồng bổ nhiệm giáo sư, những người am hiểu quy trình và tiêu chuẩn ở nước ngoài, và am hiểu tình hình ở Việt Nam. Chỉ có một hội đồng độc lập thì may ra mới có thể cải cách quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư.

Theo Blog GS Nguyễn Văn Tuấn

Xem thêm: