Tháng vừa qua, tạp chí The Scientist đăng một tin làm rất nhiều người trong giới khoa học ngạc nhiên: hơn 5.000 nhà khoa học Đức công bố nghiên cứu trên các tập san dỏm (predatory journals) (1).

Ngạc nhiên là vì trước đây ai cũng nghĩ các tập san dỏm này chỉ lường gạt được các nhà khoa học các nước nghèo, chứ không ai có thể ngờ các nhà khoa học từ các nước giàu cũng trở thành nạn nhân. Tình hình này có ý nghĩa đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh áp lực công bố 2 bài để bảo vệ luận án tiến sĩ và được làm hướng dẫn nghiên cứu sinh.

predatory journals

Một cuộc điều tra gồm các nhà báo và nhà khoa học Đức phát hiện rằng giới khoa học Đức (và thế giới) hay công bố nghiên cứu của họ trên các tập san dỏm. Theo bài báo trên The Scientist, họ phải “scan” cả 175,000 bài báo được công bố trên 5 trong số những cơ sở xuất bản dỏm nổi tiếng trên thế giới. Các cơ sở mạo danh khoa học này thường có trụ sở ở Ấn Độ, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kì và Phi châu. Họ ước tính rằng có hơn 400.000 nhà khoa học toàn cầu – trong số đó có hơn 5.000 từ Đức – là nạn nhân (hay muốn làm nạn nhân) của các cơ sở xuất bản dỏm. Úc cũng có khá nhiều tác giả công bố trên tập san dỏm. Đó là một con số khổng lồ, bởi vì tác giả mỗi bài báo được đăng trên một tập san dỏm thường phải trả trên 1.000 USD, có khi 2.000 USD cho “nhà xuất bản” dỏm.

Trong cuốn sách “Cẩm nang nghiên cứu khoa học” (mới xuất bản tuần qua), tôi có dành một chương bàn về vấn nạn tập san dỏm. Số liệu nghiên cứu cho thấy “Chỉ trong năm 2014, các trạm xuất bản dỏm này đã công bố 420.000 bài báo khoa học“, và nếu mỗi bài chỉ 1.000 USD, thì các trạm này đã thu về khoảng 420 triệu USD! Một thị trường rất lớn.

Vấn đề là tại sao các tác giả Đức công bố trên tập san dỏm? Tôi nghĩ lý do đơn giản nhất là họ không phân biệt được tập san dỏm và chính thống. Lý do này đối với các nhà khoa học từ các nước kém phát triển thì còn hiểu được, nhưng từ Đức, Mỹ hay Úc thì không thể hiểu nổi. Lý do thứ hai là do áp lực công bố, và họ làm ngơ dù biết rằng đó là tập san dỏm. Lý do thứ ba là do công trình nghiên cứu kém phẩm chất khoa học, không thể nào đăng trên tập san chính thống, nên đành phải chọn tập san dỏm. Một nghiên cứu khác (2) cho biết các nhà khoa học từ các nước nghèo (kém phát triển) cảm thấy họ bị các tập san phương Tây kì thị nên họ không thể công bố, và họ chọn các tập san dỏm nhưng họ có một cái tên khác [thay cho tập san “predatory journals”] là “low quality journals” (tập san phẩm chất thấp)!

Tôi nghĩ ở Việt Nam chắc cũng có nhiều nạn nhân của kỹ nghệ tập san dỏm. Chỉ cần xem qua vài tập san dỏm bên Ấn Độ sẽ thấy nhiều tác giả với tên “Nguyen” trên đó. Nay, với quy định phải công bố 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án tiến sĩ, (và đối với thầy cô) được hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhu cầu công bố quốc tế sẽ còn lớn hơn, và áp lực còn nặng nề hơn. Nhu cầu và áp lực công bố sẽ cho ra đời nhiều bài báo trên các tập san dỏm. Ở ĐH Tôn Đức Thắng đã có chính sách nhận dạng tập san dỏm và không công nhận bài báo trên tập san dỏm. Hi vọng rằng các nhà quản lý khoa học Việt Nam có chính sách cụ thể để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” cho khoa học Việt Nam.

Thỉnh thoảng nhận được email của vài bạn bè báo tin mừng rằng bài báo đã được chấp nhận công bố, nhưng khi tôi xem qua tập san thì đó là loại dỏm (nhưng không dám làm cho bạn bè buồn). Chỉ có một lần một em nghiên cứu sinh ở Nhật báo tin nộp cho một tập san dỏm – mà chính giáo sư hướng dẫn em ấy không biết là dỏm – thì tôi mới can ngăn. Đây là vấn đề đạo đức khoa học (3), chứ không còn đơn thuần là bài báo khoa học, bởi vì người ta có thể dựa vào những tập san dỏm để quảng bá cho những quan điểm phi chính thống (như chống vaccination). Nghiên cứu sinh có khi công bố trên tập san dỏm để có bài mà viết luận án tiến sĩ hay cao học (4), và thế là kỹ nghệ xuất bản dỏm gây tác hại khôn lường đến khoa bảng và khoa học toàn cầu.

Tôi có cảm giác rằng ở Việt Nam, nhiều người trong giới khoa học (đặc biệt là y học) chưa phân biệt được giữa tập san dỏm và tập san chính thống. Một phần là vì họ chưa bao giờ công bố nghiên cứu trên các tập san đàng hoàng; một phần là do làm nghiên cứu thiếu hướng dẫn của thầy cô (hay có hướng dẫn nhưng có khi thầy cô cũng không phân biệt được dỏm và thật); một phần là muốn có bài báo để làm … “chiến sĩ thi đua” hay phong giáo sư. Dù bất cứ lý do gì, thì cũng phải tránh các tập san dỏm; nếu không biết thì nên hỏi người am hiểu về công bố khoa học để tránh mất tiền một cách vô duyên.

Ở bên Đức, ông bộ trưởng khoa học đã đề xướng một cuộc điều tra về kỹ nghệ xuất bản dỏm. Có lẽ Việt Nam cũng nên làm một cuộc khảo sát để tìm hiểu, và đề tài “fake science” này có thể là một luận án cao học về khoa học xã hội rất hay.

  1. https://www.the-scientist.com/news-opinion/german-scientists-frequently-publish-in-predatory-journals-64518
  2. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/leap.1150
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5493173/
  4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5723186/

Theo Facebook GS Nguyễn Văn Tuấn

(*) Đại học New South Wales (Australia)

Xem thêm: