Vài năm trước, người Việt Nam than thở là Trung Quốc chặn đập ở thượng nguồn, khiến đồng bằng không còn nước và phù sa nữa.

Chuyện này không mới, và chúng đã diễn ra nhiều chục năm khi những con đập lớn ở Trung Quốc hình thành. Tuy nhiên, nhìn thấy mọi điều không có nghĩa là giải quyết được tất cả. Trung Quốc có quyền quyết định mọi điều trong lãnh thổ của họ.

 

sông Mekong xuống thấp kỷ lục
Dòng sông Mekong tại Thái Lan đang cạn kiệt nước. (Ảnh từ video/Shinshiro Kenji Arthur)

Nhưng cho đến gần chục năm trước đây, khi Lào bắt đầu chọn định hướng trở thành “cục pin của khu vực” thì câu chuyện có màu sắc khác. Thái Lan ở thời cực thịnh giai đoạn đó cần rất nhiều điện. Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) ráo riết đi tìm nguồn cấp điện cho nhu cầu sử dụng điện điên cuồng giai đoạn đó.

Nhìn qua hàng xóm, Lào muốn trở thành “cục pin”, thật hợp nhãn với những gì Thái Lan cần. EGAT ký các hợp đồng mua điện cực lớn với Lào. Trong đó tiêu biểu có hợp đồng mua 95% sản lượng điện từ thủy điện Xayaburi khi bắt đầu hoạt động.

Ở biên giới Lào, Campuchia nhà máy thủy điện Don Sahong do Malaysia đầu tư và tập đoàn xây dựng thủy điện Trung Quốc xây dựng, đã bắt đầu tích nước trong tháng 6/2019. Điện từ Don Sahong do Lào tiêu thụ và bán cho Campuchia một phần.

Bức tranh thủy điện mà các báo lớn vẽ khiến người xem nhận ra một điều: Đây không còn là lúc ta có thời gian phàn nàn về tác động môi trường nữa, cuộc chiến tranh giành nước ngọt đã thực sự bắt đầu.

Các quốc gia ở vị trí nào trong cuộc tranh giành đó?

Như đã nói ở trên, chính phủ Lào sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để trở thành “cục pin của khu vực”. Trong một cuộc họp thượng đỉnh sông Mekong tôi từng tham dự, phó thủ tướng Lào thời điểm đó nói không lẽ người Lào không được thoát nghèo. Chính phủ Lào chọn “thoát nghèo” bằng cách trưng dụng tài nguyên.

Người dân Lào có chọn cách đó không? – Tôi nghi ngờ khả năng này. Năm ngoái, khi đập Xe-Pian Xe-Namnoy vỡ, gần 6.000 người Lào mất nhà cửa. Một năm sau khi tai nạn xảy ra, người dân ở đây không hề nhận được đền bù, và họ không hề biết mình có được bảo hiểm từ thủy điện vỡ. Chính phủ Lào sẵn sàng hi sinh người dân để đổi lấy những dự án lớn tiền mà Thái, Malaysia, Trung Quốc mạnh tay đập vào. Người nông dân ít học không có năng lực tự bảo vệ bản thân chỉ là cỏ dại trong cánh rừng mà họ muốn dọn dẹp.

Người Thái: Thái Lan là một trong những quốc gia trong tiểu vùng Mekong sớm ưu tiên bảo vệ nguồn nước ngọt từ dòng sông này. Các tỉnh đông bắc Thái Lan phụ thuộc nhiều vào nước sông Mekong để làm nông nghiệp. Thái Lan có nhiều hồ chứa nước về mùa hè sẽ bơm nước từ sông Mekong vào, làm thủy lợi để phân phối nước cho các cánh đồng lớn.

Thái Lan cần điện – rất nhiều điện. Như đã nói ở trên, họ có đủ tiền để đi shopping điện ở Lào, và về cơ bản chi phí mua điện từ Lào qua sẽ rẻ hơn rất nhiều từ bất cứ nơi nào khác vì hai quốc gia có chung đường biên giới.

Nhưng có phải người Thái nào cũng hài lòng với những gì xảy ra ở Mekong không?

Những gì chính phủ Thái ưa chuộng không hẳn là những gì người Thái thích. Nông dân ở miền Đông Bắc Thái Lan nổi tiếng vì họ là những cộng đồng nông dân đầu tiên ở tiểu vùng Mekong có thể bày tỏ tiếng nói ra quốc tế về những nguy cơ mà Mekong phải đối mặt.

Những nông dân này đã từng kiện EGAT để gây sức ép buộc họ không mua điện từ Lào nữa.

Những nhóm người dân này cũng là người thu thập dữ liệu nước, cá, phù sa cho các nhà khoa học từ trường đại học để tìm hiểu chất lượng nước và vấn đề dòng chảy.

Những nông dân này có khả năng tự trang bị tiếng Anh, chuẩn bị tài liệu để trả lời báo chí nước ngoài, đối đáp với nhà chức trách ở Bangkok mỗi khi họ phản đối thủy điện ở Mekong. Tôi từng tham dự một cuộc gặp gỡ giữa chính quyền địa phương (nơi họ dự định sẽ xây hồ tích nước và đập dẫn từ dòng chính Mekong vào dòng phụ) và nhóm người dân phản đối. Chính quyền địa phương ở tỉnh Loei sau khi trình bày ưu thế, lợi thế, tương lai dự án, đã vấp phải những ông nông dân đi cùng với thạc sĩ nông nghiệp lên trình bày rằng những dự án như vậy đã từng thất bại ở nơi nào, nước tích được không có khả năng đáp ứng nông nghiệp ra sao, và sẽ gây hại ra sao đến nguồn cá ở đoạn sông lấy nước.

Những nông dân này ở Chiang Rai đã có một chiến thắng buộc chính quyền Thái không được đồng ý cho Trung Quốc nổ mìn khơi dòng Mekong từ Luang Prabang đến Chiang Rai. Trung Quốc cần phá hết đá khu vực này để tàu lớn trên 500 tấn của họ có thể di chuyển xuôi dòng.

Tuy chưa bao giờ có được chiến thắng nào tại tòa án lớn về những gì họ khiếu kiện, đám thủy điện mà họ chống vẫn ngày ngày mọc lên ở Lào và bắt đầu chặn nguồn nước, nhưng nông dân Thái chưa bao giờ dừng lại.

Nhờ có họ, nhà báo quốc tế biết về tình hình xảy ra ở Mekong. Những nhà khoa học quốc tế được dắt đi điền dã, chứng kiến những gì xảy ra và xây dựng thông tin về hoàn cảnh dòng sông gặp phải.

Nhờ có họ, thế giới biết Mekong đang bị tranh giành và xẻ thịt thế nào.

Ở Việt Nam, tôi đã gặp những nhà khoa học dành cả sự nghiệp nghiên cứu cho đồng bằng sông Cửu Long. Họ chấp nhận rủi ro bị đe dọa khi bày tỏ tiếng nói không “hợp nhãn”. Họ trở thành nhà cố vấn cho báo giới, người thầy hướng dẫn những nhóm môi trường quan tâm đến ảnh hưởng của dòng sông với tương lai người dân ở đồng bằng. Họ cũng là người chỉ dẫn đưa các nhóm nghiên cứu quốc tế đến hiểu thêm về hiện trạng đồng bằng đang đối mặt. Có những nhà nghiên cứu bị hù dọa khi họ đưa ra quan điểm gay gắt về dòng sông, bị ngăn chặn không cho gặp báo giới nước ngoài để trình bày vấn đề họ am hiểu.

Chính phủ Việt Nam: Năm 2017, chính phủ VN ban hành nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. (1)

Nghị quyết này có đề cập rõ ràng đến những nguy cơ như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm tài nguyên nước và phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và sách lược phát triển cho đồng bằng.

Tuy nhiên, không có một chữ nào trong nghị quyết này nói về những vấn đề rộng lớn trong khu vực, và tác động của các quốc gia xung quanh đang ảnh hưởng đến đồng bằng và cách Việt Nam sẽ hành động để bảo vệ đồng bằng đó.

Năm 2017, ông Phạm Tuấn Phan, CEO của Ủy ban Sông Mekong (MRC) đã phủ nhận tác hại của các dự án thuỷ điện. Ông Phạm Tuấn Phan nổi tiếng với phát biểu trong phỏng vấn tại cuộc gặp tham vấn về thủy điện Pak Beng ở Lào: “Phát triển thủy điện sẽ không giết chết dòng sông Mekong” (2)

Cũng ông Phạm Tuấn Phan từng nói về hành động Trung Quốc muốn nổ mìn khơi dòng Mekong từ Luang Prabang đến Chiang Rai “chỉ là một phẫu thuật can thiệp nhỏ” để dẹp bỏ và sắp xếp lại đá trên dòng sông. Một số cá sẽ chết, nhưng không chết nhiều như ngư dân từng giết, ông Phan nói. (3)

Về ông Phan, Báo điện tử Chính Phủ Việt Nam từng mô tả ông là: “luôn khắc ghi “tinh thần sông Mekong”… và “muốn thúc đẩy hơn nữa “tinh thần” này dưới “góc độ khu vực” hơn là chỉ dừng lại ở quan điểm quốc gia để tăng cường hợp tác và đối thoại khu vực giữa các nước thành viên và xa hơn nữa.” (4)

Tôi tự hỏi có phải ông đang thúc đẩy cho có thêm nhiều thủy điện nữa ở dòng chính Mekong như tinh thần ông từng thổ lộ?

Bạn có bao giờ tự hỏi người dân Đồng bằng Sông Cửu Long ở đâu trong bức tranh lớn đầy rắc rối này?

Họ sản xuất 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Ngoài ra, họ không có tiếng nói gì hết.

Khải Đơn (Nhà văn, người viết tự do)

Đăng theo Facebook Phạm Lan Phương. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Chú thích:

(1) https://baomoi.com/nhieu-chinh-sach-phat-trien-ben-vung-dong-bang-song-cuu-long/c/26998188.epi

(2) Nội dung đoạn phỏng vấn này như sau: “Thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ không giết chết dòng sông. Đầu tiên, tôi nghĩ chúng ta nên hiểu điểm này rõ ràng.

Đúng là các con đập trên sông Mekong sẽ gây ra một số tác động cho hệ sinh thái trong lưu vực. Một nghiên cứu ở đồng bằng sông Cửu Long do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tiến hành đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, sau đó Viet Ecology đã đọc lại nghiên cứu này, và trong nghiên cứu không hề có khẳng định như ông Phan nói.

https://www.mekongeye.com/2017/03/13/rebuttal-to-mrc-ceo-statement-hydropower-development-will-not-kill-the-mekong-river/

https://www.mekongeye.com/2017/03/03/mrc-ceo-hydropower-development-will-not-kill-the-mekong-river

(3) https://www.mekongeye.com/2017/11/09/dont-touch-the-mekong-please-credit-and-share-this-article-with-others-using-this-linkhttpswww-bangkokpost-comopinionopinion1357227dont-touch-the-mekong-view-our-policies-at-httpgoo-gl/

(4) http://baochinhphu.vn/Quoc-te/Giam-doc-dieu-hanh-MRC-Luon-giu-tinh-than-Mekong/252039.vgp

Xem thêm: