Ngày 24/10, sau khi Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức một hôm, kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIV sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh quan trọng do Quốc hội bầu ra (công bố kết quả vào ngày 25/10). Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm vì thời gian đảm nhiệm vị trí quá ngắn.

lay phieu tin nhiem
Trong các ngày làm việc từ 24 đến 25/10, đại biểu sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, gồm: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ… (Ảnh: tvphapluat.vn)

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng có phát biểu trên báo Người Lao Động: “Cán bộ lãnh đạo nào có phiếu tín nhiệm thấp nên chủ động từ chức”. Đó là đối với cán bộ lãnh đạo dưới 50% phiếu tín nhiệm.

Cán bộ lãnh đạo có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Có lẽ, bãi nhiệm.

Trong nội các của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ba vị Bộ trưởng là “ngân hàng” cảm xúc tiêu cực của dư luận: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Tài chính – Đinh Tiến Dũng.

Ông Nguyễn Văn Thể có vẻ như đang cố gắng lấy lại uy tín của cá nhân bằng những chỉ đạo, hành động quyết liệt xung quanh những dấu hiệu sai phạm tại tuyến đường cao tốc 34.500 tỷ (vốn vay) Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, bài toán BOT Cai Lậy vẫn quá khó đối với ông Nguyễn Văn Thể. Nhất là khi ông ấy ký quyết định cho BOT Cai Lậy khi còn đương chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Đó là chưa kể đến những phát ngôn có phần “nửa phí nửa giá” của ông.

Trái ngược hoàn toàn với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đang kiên quyết chiến đấu với cảm xúc của nhân dân đến cùng.

Ông Phùng Xuân Nhạ vẫn giữ tư duy cố hữu từ thời, “Cô giáo đi tiếp khách tại Hà Tĩnh là nhiệm vụ chính trị. Các cô giáo phải xét bản thân mình trước” cho đến “Học phí thành giá dịch vụ”….

Quan sát ông Phùng Xuân Nhạ, ngoại trừ những phát ngôn không xứng tầm một Bộ trưởng, ông này còn có những hành động biểu hiện chuyện ông ấy hoàn toàn không quan tâm đến lĩnh vực được Quốc hội, Chính phủ giao phó.

Trong cao trào của vụ việc gian dối điểm thi, ông Phùng Xuân Nhạ tỉnh bơ bay vào Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) tham dự khánh thành trường liên thông (Tiểu học, THCS, PTTH) Hoàng Việt. Ông Phùng Xuân Nhạ có thể lý giải việc ông đến dự lễ khánh thành vì trùng với lịch làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Nhưng tôi tin rằng sự trùng hợp này hoàn toàn không ngẫu nhiên, một sự trùng hợp theo lối “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.

Kế đến, ngày khai giảng năm học mới, ngày quan trọng nhất của những người làm công tác giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ lẳng lặng tháp tùng Tổng Bí thư công du ở Nga.

Cố gắng duy nhất của ông Phùng Xuân Nhạ là phát âm đúng “n” và “l” khi phát biểu chậm rãi trên truyền hình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xuất hiện trong chuỗi thông tin hoàn toàn không có bất cứ phát kiến hay giải pháp nào giúp Chính phủ tháo bớt gánh nặng lạm chi ngân sách, nợ công tăng cao.

Với vai trò lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng chỉ biết đến bốn từ: “Dự tính tăng thuế”.

Và nếu vai trò của một Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ là xin tăng thuế, tôi tin rằng phải hơn nửa quốc gia có thể làm được, bởi chỉ cần biết đọc và viết.

Nếu ông Nguyễn Văn Thể, ông Đinh Tiến Dũng vượt qua, được quá bán ở đợt lấy phiếu tín nhiệm này thì cũng không có gì ngạc nhiên, bởi ĐBQH vốn luôn giàu tính vị tha và sự khoan dung.

Nhưng nếu ông Phùng Xuân Nhạ vẫn được tín nhiệm thì tôi tin rằng sự khoan dung và tính vị tha của ĐBQH đã quá đà thành vô cảm đối với nguyện vọng của nhân dân.

Trong bối cảnh hai Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang giấu thân rất kỹ, thì nội các của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nổi bật hai Bộ trưởng kiến tạo: Bộ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Công thương – Trần Tuấn Anh.

Bộ Công an dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tô Lâm có những biến chuyển rất mạnh mẽ, từ làm trong sạch nội bộ cho đến sắp xếp, tinh giản bớt các Tổng cục, đơn vị nghiệp nghiệp vụ, công an địa phương.

Với người không biết tôi không lạm bàn, với người biết tôi tin rằng, họ sẽ hiểu được sức ép mà Bộ trưởng Tô Lâm phải vượt qua trong đợt tinh giản, sắp xếp lại bộ máy.

Không phải là người cứng rắn, quyết liệt nhất định không làm được. Không phải là người có tầm nhìn, có tư duy khoa học nhất định không làm được.

Về Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh là người cầu thị, chấp nhận phản biện, chịu khó lắng nghe (ngay cả lời trái ý). Một Bộ trưởng đàng hoàng, tử tế, văn minh.

Bộ Công thương dưới thời của ông Trần Tuấn Anh, đã cắt giảm nhiều giấy phép kinh doanh, đồng hành tốt hơn cùng doanh nghiệp. Ngay lực lượng Quản lý Thị trường cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn dưới sự giám sát của ông Trần Tuấn Anh.

Cuối cùng, tôi thật tiếc cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Lẽ ra, bà Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ lấy được rất nhiều cảm tình của dư luận nếu quyết liệt hơn trong việc bảo vệ bác sĩ Hoàng Công Lương. Nhưng có vẻ sau vụ “sập hầm” liên quan đến VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khó khăn hơn trong việc đứng dậy.

Rất mong các ĐBQH sáng suốt, minh bạch và vì nhân dân trong đợt lấy phiếu tín nhiệm này. Nhất là các Đại biểu dân cử!

Theo Facebook Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu

Xem thêm: