Đám đông trên mạng xã hội có khá nhiều người đang dồn năng lượng để quan tâm, mổ xẻ câu chuyện tình trong phim Mắt Biếc và các nhân vật hư cấu trong truyện.

Năng lượng quan tâm ấy không chỉ làm vui vẻ cho nhà sản xuất phim hay tác giả truyện; mà còn là “liều giảm đau” tạm thời cho “bệnh” nợ công tăng cao hay ô nhiễm tràn lan.

hà nội ô nhiễm
Dòng người trên đường phố Hà Nội, bên cạnh những thùng rác lớn và bầu không khí bị ô nhiễm bụi mịn, ngày 18.10/2019. (Ảnh: Piranhi/Shutterstock)

Lấy lý do Chính phủ (Việt Nam) chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp “là sự yếu kém về thể chế, quản trị hơn là tài chính”, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) hạ triển vọng Việt Nam xuống Tiêu cực.

“Chúng ta có tiền, nhưng đến hạn trả trong kế hoạch lại không thanh toán.” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Ông yêu cầu các bộ làm rõ trách nhiệm của mình, không đùn đẩy, đổ lỗi. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính truy cứu trách nhiệm của cá nhân cụ thể khi “om” văn bản tới hơn 5 tháng.

Trong trường hợp này, vị thế quốc gia (đang ở mức thấp) bị giảm xuống sâu hơn và dù có tiền trả nợ nhưng vẫn chậm trả và đóng lãi phạt. Vẫn là tiền dân cả!

Các Bộ họp với nhau và… rút kinh nghiệm. Thứ kinh nghiệm “rút hoài không hết” ấy “là sự yếu kém về thể chế, quản trị hơn là tài chính” như Moody’s nhận xét quả thực không sai.

Năng lượng của đám đông vẫn luôn dành quá nhiều cho những việc như tranh cãi một tác phẩm hư cấu kiểu Mắt Biếc; và quá ít cho sự đi xuống của quốc thể của Việt Nam hay những đồng thuế mất đi từ sự vô trách nhiệm của cá nhân nào đó.

Lấy ví dụ khác về ô nhiễm. Tại Thái Lan, khi chỉ số ô nhiễm không khí từ mức 150 (mức nguy hiểm) thì trẻ em được nghỉ tại nhà. Với Việt Nam, con số đề xuất là từ 300 (mức nguy hại). Nguy hiểm là mức mang tính cảnh báo, nguy hại không chỉ là cảnh báo mà xác tín sự độc hại của ô nhiễm không khí ở mức cao hơn.

Chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào nói rằng trẻ em Việt Nam khoẻ… gấp đôi trẻ em Thái Lan trong việc chịu đựng ô nhiễm không khí cả. Vậy cơ sở nào để đề xuất ra mức ô nhiễm không khí từ 300 để áp dụng đối với trẻ em Việt Nam? Nó có vi phạm Công ước Vì trẻ em của Liên hợp quốc và các luật liên quan đến bảo vệ trẻ em hiện hành hay không?

Rất rất rất ít người bàn về điều đó!

Có một bà mẹ đã băn khoăn là nếu áp dụng mức ô nhiễm từ 150 thì trẻ em nghỉ học suốt à? Nghỉ học suốt thì ai trông cháu? Thuê người trông trẻ thì tốn tiền mà đưa đến chỗ làm của cha mẹ thì bất tiện công việc, giảm hiệu suất làm việc, giảm hiệu quả kinh tế,.v.v…

(Tôi đã dằn lòng để không comment trả lời người phụ nữ ấy rằng sức khoẻ con chị nên đặt lên hàng đầu hay các vấn đề chị hỏi đáng quan tâm hơn? Đó là một “lỗi tư duy” cực lớn và đáng buồn là đám đông thường mắc phải. Như hô vang Việt Nam vô địch sau một trận bóng và quên nước ta cũng “vô địch” nhiều thứ khác.)

Tất cả những vấn đề đời sống ấy đều là chính trị. Vậy mà có những kẻ khuyên (hoặc doạ) người khác là không nên quan tâm đến chính trị trong khi chính họ cũng bị ảnh hưởng.

Thật lạ lùng!

Nhưng cũng không lạ lẫm gì khi nhìn ra sự vô cảm xung quanh…

Mai Quốc Ấn (Nhà báo)

Đăng theo Facebook Quốc Ấn Mai dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: