Trong dòng chảy thời sự xã hội, người dân bình thường có thể quên, nhưng những người chịu trách nhiệm điều hành chính thể không được phép lãng quên Thủ Thiêm. Vì Thủ Thiêm, là dòng chảy của bất công ngang trái, dòng chảy thân phận và dòng chảy thời cuộc.

thu thiem
Quy hoạch Thủ Thiêm thời VNCH. (Hình ảnh: FB Đô Thành Sài Gòn)

Thủ Thiêm được nhắc đến gần nhất ngày 15/5 với thông điệp “cần nhìn thẳng vào thực trạng“. Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại quy hoạch, từng khiếu nại của dân, báo cáo trước ngày 15/7.

Theo tôi, đây mới chỉ là một vế của “hồi tố“. Điều mà dư luận mong chờ nhất là xử lý những cá nhân đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm, đã “xé” quy hoạch của thủ tướng để lấy đất của dân.

Bản đồ, các quyết định đã chỉ rõ ai chịu trách nhiệm. Kể cả những “bản đồ sống” là oan dân Thủ Thiêm cũng có thể chỉ mặt đặt tên ai bức hại họ.

Khác với các đại án dầu khí, ngân hàng, thiệt hại cho dân cho nước chạy qua các dự án, tín dụng trung gian, ở Thủ Thiêm, tội ác đó rất hữu hình, lộ thiên và phải xử lý nghiêm minh để người dân tin vào công cuộc trừng phạt tham nhũng. Khi đã bắt tận tay day tận trán, đã réo tên mà không luận tội, thì dân tình càng nghi hoặc về phe cánh.

Hội nghị TW VII đang diễn ra với trọng tâm cải tổ công tác cán bộ. Nếu không xử lý rốt ráo những “vết thương” như Thủ Thiêm, thì quyết tâm ấy là vô nghĩa trong mắt nhân dân, vốn dĩ đã găm nặng tâm lý “ông nào lên cũng vậy”.

Không thể lãng quên Thủ Thiêm, nơi những thân phận oan trái đang sống trần ai, người ở cầu thang, kẻ phiêu bạt vỉa hè. Số đông “bị lùa vào nơi tạm cư như lò hấp để triệt tiêu ý chí phản kháng” (lời Nhà báo Trương Châu Hữu Danh).

Luật đất đai quy định rõ người bị giải toả mặt bằng phải có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi cũ, được ưu tiên mua/thuê định cư tại chỗ. Nhưng thực tế Thủ Thiêm, cũng như nhiều cuộc xung đột đất đai trên cả nước, họ phải lầm lũi ra đi để nhường chỗ cho sự xa xỉ, xây trên đất cha ông họ.

khong duoc phep lang quen thu thiem03
Bìa cuốn “Luxury and Rubble: Civility and Dispossession in the New Saigon” (Tạm dịch: Xa hoa và Đổ nát: Lịch thiệp và tước đoạt tại Sài Gòn mới) – Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ).

Không thể lãng quên Thủ Thiêm, nơi mỗi km đường của Đại Quang Minh được quy giá 1 nghìn tỷ đồng để đổi đất. Là một mức giá mà cho đến nay DN chưa có một lý giải thuyết phục.

Một mức giá vô lý khi cùng thổ nhưỡng, cao tốc Bến Lức-Long Thành có suất đầu tư chỉ khoảng 500 tỷ đồng/km. Nên nhớ, đây là đường cao tốc, phải giải phóng mặt bằng và giá vật tư đi sau Thủ Thiêm hàng chục năm.

Chiếm phần lớn quy hoạch Thủ Thiêm, Đại Quang Minh là bên được hưởng lợi nhiều nhất. Dù không quy cáo hoặc suy diễn về sự móc ngoặc lợi ích, nhưng những lời giải thích xuề xoà của ông Trần Bá Dương trên báo chí là khiên cưỡng.

Đối thoại , là cách duy nhất Đại Quang Minh cho thấy sự vô tư, trong sạch. Và về lâu dài, một doanh nhân tầm cỡ như ông Dương, phải có giải pháp hài hoà lợi ích với những “thân phận” lầm lũi bên lề Sala.

Sau các đại án, Thủ Thiêm là nơi chính thể và cá nhân TBT Nguyễn Phú Trọng chứng minh quyết tâm của mình. Càng phải rắn rỏi hơn vì thực tế trong cả một thời gian dài, khái niệm Trung ương tập quyền chỉ có giá trị với nhân dân. Còn lãnh đạo liên quan đến Thủ Thiêm thật sự coi trời bằng vung, coi dân như cỏ rác.

Lãng quên Thủ Thiêm, là dập tắt niềm tin sắp tàn lụi của dân vào chính thể, và vứt bỏ một cơ hội tiến bộ!

Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường

Xem thêm: