Vấn đề của giới đấu tranh Hồng Kông bây giờ không phải là “dự luật (dẫn độ) đã chết” mà là dân chủ Hồng Kông đang chết. Dưới ảnh hưởng Bắc Kinh, dân chủ Hồng Kông đang bị bóp nghẹt.

biểu tình ở Hồng Kông
Các đơn vị cảnh sát bắn lựu đạn hơi cay vào người biểu tình. Lực lượng cảnh sát này đến từ Hồng Kông hay từ đại lục, vẫn chưa rõ ràng. Hồng Kông, ngày 12/6/2019. (Ảnh: Li Yi/The Epoch Times)

Trên The Guardian ngày 27/6/2019, Hoàng Chi Phong và Dương Chánh Hiền (Johnson Yeung) viết:

“Bắc Kinh đã bí mật toan tính một chính sách mới có tính thâm nhập sâu hơn. Giới nghiên cứu pháp lý được Bắc Kinh tin cậy đã được tung ra để nghiên cứu các cuộc bầu cử cũng như hệ thống chính quyền và Hiến pháp Hồng Kông. Năm 2008, Cao Erbao (Tào Nhị Bảo), giám đốc Phòng liên lạc hành chánh đặc khu Hồng Kông, đã đưa nhóm viên chức từ Hoa lục sang để thực hiện điều này. Mối quan hệ mới giữa Hồng Kông và Bắc Kinh đã định hình. Bắc Kinh đã kiểm soát tuyệt đối nội bộ chính trị Hồng Kông, làm suy yếu nền tảng tự do; tước mất tính trung lập chính trị của bộ máy chính quyền, tính độc lập của bộ máy tư pháp và tính giám sát của bộ máy lập pháp. Bắc Kinh đã thâm nhập hiệu quả vào guồng máy quản lý Hồng Kông: ngày càng có nhiều đồng minh Bắc Kinh hơn được bổ nhiệm ở các vị trí cao, trong khi giới công chức được khuyến khích tham dự các “tour trao đổi” được các cơ quan chính quyền Trung Quốc tổ chức. Năm 2017, lần đầu tiên kể từ khi Hong Kong được trao trả, một viên chức cấp cao từ Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến Hồng Kôngg và thuyết giảng về “Kỷ nguyên mới chủ nghĩa xã hội Trung Quốc của Tập Cận Bình” cho hơn 240 viên chức Hồng Kông”.

“Điều này đã tạo tiền đề cho các vụ lạm dụng quyền lực hành pháp nghiêm trọng hơn: viên chức bầu cử có quyền tước quyền tranh cử và cấm ứng cử viên tham gia tranh cử; những nghị sĩ ủng hộ dân chủ bị tước mất ghế… Hôm nay, giới trẻ Hồng Kông đang xuống đường, đặt sinh mạng mình ở lằn ranh, vì những quyền căn bản của họ đang bị đe dọa… Chúng tôi có thể đã ngăn chặn được Trung Quốc không dẫn độ người dân ở thời điểm hiện tại, nhưng âm mưu lớn hơn của Bắc Kinh trong việc làm xói mòn và thâm nhập vào luật pháp và tự do của chúng tôi thì vẫn còn sờ sờ. Chúng tôi đã học được những bài học trong quá khứ: đẩy lùi một điều luật không được đồng tình chỉ là bước đầu tiên – tiếp theo, chúng tôi cần thể chế hóa các biện pháp bảo vệ quyền lợi lớn hơn. Đây là lý do tại sao những người biểu tình đang yêu cầu các quan chức phải chịu trách nhiệm về sự lạm quyền. Một khi chúng tôi mở ra cuộc thảo luận về trách nhiệm thì cuộc thảo luận về cách ngăn chặn cuộc đàn áp tiếp theo đối với xã hội dân sự sẽ diễn ra. Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công tốt”.

Trung Quốc đã cài cắm ngày càng sâu vào bộ máy chính quyền Hồng Kông. Thành phần thân Bắc Kinh hiện chiếm đa số trong Hội đồng lập pháp Hồng Kông (“Hương Cảng đặc biệt hành chánh khu lập pháp hội”), với 43 trong 70 ghế. Họ là dân chính trị chuyên nghiệp chứ không phải trùm doanh nghiệp như trước đây. Giới nghị sĩ thân Bắc Kinh cũng thường xuyên triệu tập các chính trị gia địa phương lẫn chủ doanh nghiệp để hội họp tại trụ sở đảng bộ Đảng Cộng sản đóng ở Hồng Kông.

Bằng chứng rõ nhất của sự kiểm soát và thao túng Bắc Kinh đối với Hồng Kông là các động thái bóp nghẹt tự do báo chí. The Guardian cho biết 8 trong 26 cơ quan truyền thông lớn của Hồng Kông hiện thuộc sở hữu Trung Quốc hay được kiểm soát phần lớn cổ phần bởi người Trung Quốc. Phần còn lại thuộc các tập đoàn Hồng Kông có lợi ích kinh tế ở Hoa lục. Sau cuộc biểu tình Dù Vàng 2014, nhiều phóng viên Hồng Kông bị tòa soạn can thiệp dữ dội nội dung bài viết. Năm 2019, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Hồng Kông hạng 73 trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về tự do báo chí – một sự tụt hạng thê thảm so với 15 năm trước, khi Hồng Kông nằm trong top 20 toàn cầu. Cuộc điều tra của RTHK (Radio Television Hồng Kông – “Hương Cảng Điện Đài”) năm 2018 cho biết, một văn phòng đại diện Trung Quốc tại Hồng Kông hiện sở hữu toàn bộ (một cách gián tiếp) một tập đoàn ấn loát địa phương nơi kiểm soát hơn ½ cửa hàng sách cũng như hơn 30 nhà in ở Hồng Kông. Năm 2015, năm chủ nhà in và chủ cửa hàng sách đã đột nhiên bị mất tích ở cửa hàng sách Causeway Bay Books rồi sau đó bất ngờ xuất hiện trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, “thừa nhận” “có tội” trong việc bán “sách cấm”. Ở một nơi từng tự do in ấn mà mới đây (năm 2019), người ta phải in quyển “The Last Secret: The Final Documents from the June Fourth Crackdown and Deng Xiaoping in 1989” ở nước ngoài!

Dù kế hoạch đưa chương trình “giáo dục quốc gia” (thực chất là “Trung Cộng hóa” chính sách giáo dục) vào học đường Hồng Kông năm 2012 trở nên bất thành bởi làn sóng chống đối dữ dội nhưng Bắc Kinh vẫn “gieo cấy” “tinh thần Đất Mẹ” vào hệ thống giáo dục. Hầu hết trường học bây giờ phải làm lễ chào cờ và hát quốc ca Trung Cộng. Sách giáo khoa đầy các “bài học lịch sử” về Trung Quốc trong khi những sự kiện như cuộc biểu tình Thiên An Môn 1989 thì bị “đục bỏ”. Việc dùng tiếng Quan thoại thay vì tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ của 90% cư dân Hồng Kông) cũng bắt đầu phổ biến. Tại các trường đại học, tinh thần học thuật tự do ngày càng bị kiềm hãm. Những trường nào tỏ ra thân Bắc Kinh luôn được tài trợ hào phóng.

Hồng Kông, phản đối luật dẫn độ, biểu tình ở Hồng Kông
Chiều ngày 9/8, hàng ngàn người Hồng Kông đã tổ chức ngồi tĩnh toạ tại sân bay để nói sự thật về phong trào phản đối dự luật dẫn độ đang diễn ra tại Hồng Kông. Sự kiện này kéo dài 3 ngày và kết thúc vào ngày 11/8. (Ảnh từ Epoch Times)

Giữa năm 2018, chính quyền Hồng Kông đã chuẩn y việc cho phép viên chức Trung Quốc vận hành một trạm xe lửa mới ở Hong Kong. Với nhiều người Hong Kong, đây là một tiền lệ nữa khiến Hồng Kông mất quyền kiểm soát nhiều hơn trong tương lai. “Thay vì bắn đạn chì qua Hồng Kông, họ (Bắc Kinh) gửi qua một tàu cao tốc” – nhận xét của Victoria Hui, giáo sư chính trị Đại học Notre Dame. “Nhà ga xe lửa này sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm về khả năng đưa ra những luật mới từ Trung Quốc, bất chấp bất kỳ cơ sở pháp lý nào” – nhận định thêm của Chris Ng, đại diện của Nhóm luật sư cấp tiến Hồng Kông. Với việc kiểm soát nhà ga, Trung Quốc sẽ kiểm soát hải quan và di trú. Đó mới là điều cần lưu ý.

Người Hồng Kông nói chung chưa bao giờ lo lắng cho tự do và dân chủ Hồng Kông bằng lúc này. 22 năm sau ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đa số người Hồng Kông vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng họ là “người Trung Quốc” (Chinese). Chỉ vỏn vẹn 3,1% giới trẻ Hồng Kôngg từ 18-29 tuổi nói rằng họ là “Chinese” – theo cuộc thăm dò của Đại học Hồng Kôngg (Los Angeles Times 5-7-2019). Khoảng 71% “người Hồng Kông” (Hongkonger – 香港人, Hương Cảng nhân) trả lời khảo sát Đại học Hồng Kông rằng họ chẳng tự hào về việc trở thành một phần của Trung Quốc. Với dân Hồng Kông nói riêng và giới trẻ Hong Kong nói chung, những người đủ kiến thức để biết bộ mặt gớm ghiếc cộng sản Trung Quốc, cái gọi là “chính sách một quốc gia, hai thể chế” chẳng gì hơn là một lớp áo khoác dối trá.

Chẳng phải tự nhiên mà trong các cuộc xuống đường, nhiều người Hong Kong đã phất cờ thuộc địa Anh. Một số chính trị gia ủng hộ dân chủ thậm chí còn thành lập đảng phái với chủ trương độc lập khỏi Trung Quốc. Biểu ngữ kêu gọi độc lập giăng ở nhiều đại học từ năm ngoái đến năm nay. Tháng 10/2018, sau khi ban giám hiệu Đại học Bách Khoa Hồng Kông yêu cầu tháo gỡ các bích chương kêu gọi độc lập, ba sinh viên đã tuyệt thực và hơn 2.000 sinh viên ký tuyên bố phản đối nhà trường. Hai ngày sau, nhà trường phải nhượng bộ cho phép sinh viên “tái chiếm” khu vực treo bích chương, nơi bây giờ nổi tiếng với tên gọi “Bức tường Dân chủ”. “Tự do biểu đạt là một trong những điều luôn tạo ra khác biệt giữa Hồng Kông và Trung Quốc” – phát biểu của Lam Wing-hang, 21 tuổi, chủ tịch liên đoàn sinh viên và là một trong những sinh viên tuyệt thực – “Tôi không muốn chứng kiến Hồng Kông trở thành một thành phố của Trung Quốc”.

Nói như Hoàng Chi Phong, cách phòng thủ tốt nhất bây giờ là tấn công. Tấn công để xây nên những “bức tường dân chủ”. Từ việc đối đầu với chính quyền bù nhìn Hồng Kông, người Hồng Kông giờ đây đối đầu trực diện với Bắc Kinh. Trong cuộc đọ sức không khoan nhượng, máu đã đổ. Tự do và khao khát tự do đang được viết bằng máu. Hơn hai tháng qua, người Hồng Kông ngày càng quyết liệt và đoàn kết hơn. Họ liên tục thay đổi cách thức đối phó sau mỗi cuộc xuống đường. Một viên đạn bắn hỏng mắt người biểu tình chỉ làm cho hàng triệu người Hồng Kông khác nhìn rõ hơn bộ mặt gớm ghiếc của chế độ cộng sản Bắc Kinh. Nó càng làm thức dậy mạnh mẽ hơn ý thức độc lập của họ – một ý thức bắt đầu trở thành vấn đề sống còn.

Mạnh Kim

Đăng theo Facebook Manh Kim. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: