Nói theo cách dân gian, một năm xui tận mạng của cây xanh Việt Nam. Cây ngã đổ trong mưa giông, hay bị chặt phá bừa bãi, cuồng điên vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Không ngày nào là facebook hay báo chí không đưa tin về một vụ tử hình hay một tai nạn của 1 cây nào đó. Tôi suy nghĩ nhiều đến tương lai, viễn cảnh tồi tệ có thể xảy ra đối với hệ sinh thái, môi trường sống của các đô thị và cả tự nhiên ở Việt Nam. Chúng đang trong nguy cơ bị bóp chết dần và không còn khả năng phục hồi.

Vấn đề nằm ở tư duy, cơ chế, và hành động của nhà chức trách các thành phố. Và trên hết là sự nhận thức của con người. Sự nhận thức và ứng xử của những người lớn, người quản lý với cây xanh dường như đang rơi vào tình trạng mơ hồ, vội vàng và không còn phân biệt được ĐÚNG & SAI.

Chúng ta đang đánh tráo khái niệm, bác bỏ giá trị cốt lõi thay cho sự thẳng thắn, sự trượng nghĩa trước một sự thật để có suy nghĩ và hành động tử tế cho lợi ích và sự tồn tại bền vững của cộng đồng.

can canh hang cay xanh tram tuoi sap bi don ha di doi de xay cau thu thiem 2 tp hcm 01
Năm 2017, 258 cây xà cừ (sọ khỉ) trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) bị di dời, đốn hạ để làm dự án cầu Thủ Thiêm 2. Hình ảnh trước khi cây bị đốn hạ, di dời. (Ảnh: Thục Hiền)

Trở lại án mạng do cây phượng gây ra ở trường Bạch Đằng. Có hai vấn đề cần phân biệt rõ: sự ra đi của cậu bé là tai nạn đáng tiếc; sự hiện diện của cây phượng trong sân trường là đúng. Nhưng sự bật gốc của cây phượng cần phải được xem xét nguyên nhân. Có phải chính chúng ta đang mắc sai lầm trong việc tạo điều kiện sinh trưởng, chăm sóc và bảo dưỡng cây. Chúng ta không thể vịn vào cái chết thương tâm của cậu bé để đốn hạ hàng loạt cây phượng khi chúng không có vấn đề. Đáng buồn thay, nhiều trường từ tiểu học đến đại học sau đó tiến hành đốn hạ hàng loạt cây xanh bất chấp là cây gì, đang trong điều kiện như thế nào.

Chuyện cây phượng cũng tương tự như cây xanh trong các đô thị ở Việt Nam hiện tại. Nếu vì mục đích phát triển đô thị, giải pháp hy sinh là phương sách cuối cùng thì không bàn cãi. Nhưng thực sự, chúng ta cần phải có một kế hoạch toàn diện cho dù là giữ lại, di dời hay chặt bỏ, và đánh giá đúng vai trò của cây xanh trong các đô thị và công trình ở xứ nhiệt đới này. Hãy thôi làm cho có chỉ vì sự bức xúc của người dân hay ngôn luận. Tôi muốn nói đến trường hợp gần đây ở Hà Nội, 106 cây xà cừ cổ trên đường Kim Mã đang bị bỏ mặc tại vườn ươm sau khi bỏ ra một kinh phí lớn cho việc di dời để thi công đường sắt trên cao. Chúng đang chết dần và không có chốn dung thân.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ Tho, con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thơ mộng ngày ấy được người Pháp quy hoạch với hai hàng lim sẹt xanh ươm hai bên, tán lá vươn rộng đến tận tim đường. Hàng lim cổ thụ trăm năm tuổi xù xì ngày ngày phủ mát cho bao học sinh đến trường, trong đó có tôi. Vào mùa hoa nở, con đường biến thành một dãy lụa vàng tươi, rộn ràng tiếng ve kêu râm rang. Ấy vậy mà, cách đây 7-8 năm, chúng bị khai tử để nhường cho một kế hoạch mờ đường. Chúng được thay bằng hàng cây dầu rái non nớt ngày nay. Mọi thứ không còn hài hòa và trống rỗng. Cuối cùng, con đường chỉ được mở rộng ra 2m mỗi bên, không chạm đến phạm vi của hàng cây lim sẹt ngày trước. Con đường đẹp nhất, thơ mộng nhất thành phố không còn, chỉ còn lại tiếng chắc lưỡi, những cái lắc đầu. Một sự hy sinh vô nghĩa.

Tôi ở Sài Gòn hơn 15 năm, cũng may mắn nhìn thấy được thành phố lớn mạnh từng ngày suốt quãng thời gian đó. Nhưng điều buồn nhất là linh hồn, chất thơ của Sài Gòn ngày bị mất đi dần do nhiều thứ: sự phát triển chỉ đang tập trung vào kinh tế; sức mạnh đồng tiền đang vây lấy cái nhìn sáng suốt; thiếu những nghiên cứu, thống kê cập nhật làm nền tảng cho sự dự báo, lên kế hoạch; sự đầu tư dàn trải, mất phương hướng; cơ chế, hướng dẫn, tiêu chuẩn, pháp lý, kỹ thuật không hiệu quả và không cấp tiến; trong khi thực thi và quản lý cũng không nghiêm túc. Mô hình đô thị bền vững cần có một kế hoạch đột phá, một mục tiêu dài hạn với nhiều giai đoạn, cần có tiền, cần có sự tham gia của trí tuệ và sức lực của con người và các tổ chức khác nhau cho sự thực hiện khôn ngoan và hiệu quả trong từng giai đoạn. Nó cũng đòi hỏi sự quyết tâm, nghiêm túc, và kiên nhẫn ngay từ khi đặt viên gạch đầu tiên dẫu rằng kế hoạch hẳn là dài hơi. Ở góc độ nào đó, tôi đang nhìn thấy sự hỗn độn, bất lực, cả sự đánh đổi của những kế hoạch. Định hướng không gian, cảnh quan đô thị, quy mô dân số, sử dụng đất thành phố luôn không đạt được, ví dụ 2020, tiếp theo là 2025 và 2050. Bên cạnh đó là vấn đề con người. Nhận thức và hành xử tử tế của mỗi công dân không trụ vững trước lợi ích vật chất.

can canh hang cay xanh tram tuoi sap bi don ha di doi de xay cau thu thiem 2 tp hcm 5
Cây xanh là linh hồn của đô thị, của đời sống tinh thần qua nhiều thế hệ, nhưng việc chặt bỏ, đốn hạ lại được quyết định quá dễ dàng. (Ảnh: Thục Hiền)

Trong những mất mát của Sài Gòn, có lẽ nhiều nhất là môi trường, di sản, văn hóa, “tâm linh”. Đại diện cho chúng có những hàng cây dầu, sao, lim, xà cừ cao lớn, tán rộng, thân vạm vỡ đứng vững trước bao giông bão. Chúng lớn lên cùng thành phố xinh đẹp này qua hàng chục, trăm năm. Nhưng chúng đang bị đốn hạ từ từ nhằm nhân danh nhiều thứ trong đó có lý do rất xứng đáng: mưa lớn cộng gió sẽ gây nguy hiểm tính mạng con người. Chúng đang bị hủy hoại bởi nhiều động cơ và cách thức khác nhau. Nhiều cây xanh lâu năm được quy hoạch trên các con đường vào thời trước như Lê Thánh Tôn bị phế bỏ để lại một ô trống trên vỉa hè, sự trơ trọi xấu xí của mặt tiền công trình, hay thay vào đó 1 cây non yếu ớt, cho dù cây hiện hữu vẫn đang ổn. Chỉ là do chúng không thể ở đó được nữa.

Có lần, tôi chụp hình các anh quản lý cây xanh đang đốn cây trên đường Mạc Đĩnh Chi và Mạc Thị Bưởi. Tôi được biết lý do từ các anh là ngăn ngừa cây ngã đổ vì chúng đã chết, dù chúng vẫn cường tráng, lá vẫn xanh um. Các anh không cho phép tôi chụp hình. Lúc trước tôi ở trên đường Nơ Trang Long. Sự bùng nổ của các ngôi nhà đã xâm chiếm sự tồn tại của những hàng cây xanh. Cây lâu năm được thay bằng cây bằng lăng. Chúng khô cọc ra giữa trời nắng và bụi bặm. Chúng dường như không lớn sau hơn 10 năm.

2017, tôi về nước, đi ngang qua công viên Dạ Trạch nhỏ nhắn trước nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc, thật khó hiểu khi bãi cỏ xanh được phủ toàn bộ bằng đá granite chói đến nhức cả mắt. 2018, 8 cây dầu cổ thụ ở đó nhận án tử hình, thân cây to chắc nịch được đưa xuống từng khúc với lý do cây chết khô. Báo Pháp Luật khi đó đã đưa tin về sự kiện này với đầy sự thương tiếc. Hay, cái thời hàng cây xà cừ cổ trên đường Tôn Đức Thắng chưa bị khai tử, tôi nhớ trước tòa nhà Green Power-EVN có 3 cây xà cừ gần 100 năm tuổi trên vỉa hè. Nhưng, sau khi công trình đưa vào hoạt động, chúng biến mất và được thay bằng 6 cây cau vua mảnh khảnh.

Việc chặt hay trồng mới 1 cái cây luôn là lựa chọn dễ dàng, dễ dãi của nhiều người, tổ chức có liên quan đang thực thi và quản lý ở nơi đây hơn là sự giữ gìn hay biện pháp thay thế như di dời. Chỉ vì ở đây, cây đang bị xem như một thứ trang trí, một thứ cản đường, hay một công cụ để làm kinh tế chứ không phải là một thực thể cộng sinh với con người.

TP.HCM rộng hơn 2.000km2, dân số 10 triệu, tổng diện tích xanh chỉ khiêm tốn 250hecta. Trong định hướng quy hoạch cây xanh cải thiện môi trường đô thị thì chỉ tiêu vào 2010 là 7m2/người. Tuy nhiên, thực tế 2020, con số là 0.5m2/người, nó ít hơn mức thấp nhất được khuyến cáo 18 lần. Sự báo động cho một siêu đô thị trong tương lai. Trên bề mặt đô thị hơn 650km2, nhưng chỉ có 43.000 cây xanh bao gồm 36.500 cây vỉa hè, 80% là được người Pháp quy hoạch. Cây xanh trong công viên chiếm tỉ lệ vô cùng khiêm tốn. Trong tiêu chuẩn quy hoạch các khu dân cư mới, diện tích cho cây xanh có tán là 7m2/người nhưng thực tế chưa đạt 0.5m2/người. Nhìn vào các dự án được dán nhãn luxury (cao cấp) như Vinhome Central Park hay Sala Thủ Thiêm, chúng ta có thể ước tính diện tích cây xanh được cung cấp so với xây dựng toàn khu và đầu người. Thành phố mở rộng đòi hỏi nhiều con đường được hình thành, nhưng ở hiện tại chưa có con đường mới nào được thiết kế và quy hoạch với một hệ thống cây xanh phù hợp, chưa nói đến đẹp so với thời trước đó. Đại lộ Phạm Văn Đồng 10 làn xe, tốn 340 triệu USD được tung hô là đại lộ đẹp nhất Sài Gòn, nhưng hãy thử cảm nhận độ nóng chảy của mặt đường và sức đốt của mặt trời khi lưu thông con đường này vào ban ngày. Dù mặt đường rộng lớn, nhưng cây trồng ở giữa và hai bên đường không phù hợp (phủ tán thấp, sinh trưởng chậm); kỹ thuật trồng không tiên tiến, dễ ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng sau này; thiết kế vỉa hè không thân thiện môi trường (không có khả năng thấm hút nước mưa); không có đa dạng sinh học (không kết hợp dãy cỏ, cây tầm trung và thấp).

duong pham van dong ho chi minh
Đại lộ Phạm Văn Đồng cuối chiều. (Ảnh: Jindowin/Shutterstock)

Chúng ta luôn đòi hỏi về phát triển kinh tế nhưng hệ sinh thái, môi trường sống tác động trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần, năng suất, tính mạng của con người đang thực sự bị đe dọa. Không biết bao nhiêu bài báo, hội thảo đã đề cập tới phát triển môi trường xanh ở Sài Gòn nhưng chúng ta vẫn đang mắc kẹt giữa mớ hỗn độn chỉ tiêu kinh tế. Chúng ta đã không đo lường được lợi ích cây xanh với sự phát triển kinh tế vĩ mô, an ninh, sự tồn tại bền vững của đô thị và sức khỏe của con người trong đô thị đó. Nếu Singapore, Tokyo, Belfast, London đã và đang duy trì mô hình Thành phố rừng trong nhiều năm với mục tiêu 10.000-40.000 cây trồng mới mỗi năm. Chính quyền thành phố Tokyo đang lo ngại diện tích cây xanh đang bị thu hẹp do đô thị hóa và cần nhiều nhà ở hơn để đối phó dân số tăng. Gần nhất là Bangkok, Thái Lan cũng thấm đẫm hậu quả chỉ tập trung phát triển kinh tế, dùng kinh tế đánh đổi môi trường. Nay, họ phải nhìn nhận lại vai trò cây xanh đối với sự sống còn của mọi vật thể của đô thị và tăng tốc trong việc trồng cây và phát triển không gian xanh.

Đối chiếu lại các đô thị ở Việt Nam, kế hoạch vĩ mô, vi mô, dài hạn, trung hạn, ngắn hạn trong quy hoạch không gian xanh, cây xanh đều chưa có, nếu đã có thì không thực thi được. Giá trị cốt lõi vì sao cây xanh quan trọng trong 1 đô thị và với hệ sinh thái mà con người là thành phần đòi hỏi được sống nhất lại bị báng bổ, nhất là Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việc chặt hay trồng mới 1 cái cây luôn là lựa chọn dễ dàng, dễ dãi của nhiều người, tổ chức có liên quan đang thực thi và quản lý ở nơi đây hơn là sự giữ gìn hay biện pháp thay thế như di dời. Chỉ vì ở đây, cây đang bị xem như một thứ trang trí, một thứ cản đường, hay một công cụ để làm kinh tế chứ không phải là một thực thể cộng sinh với con người. Trồng cây trên vỉa hè như một màn trình diễn thời trang có xu hướng và phong trào. Giá trị lâu dài không được quan tâm.

Ở Singapore hay London, nhà chức trách, nhà nghiên cứu, chuyên gia cảnh quan thừa hiểu rằng việc trồng 1 cây non mới luôn dễ hơn, rẻ hơn việc giữ hay di dời 1 cây hiện hữu trưởng thành. Tuy nhiên, giá trị lâu dài mới là điều cần ưu tiên. Theo báo cáo của Anh, 1 cây xanh sau khi nuôi dưỡng 50 năm sẽ đem đến giá trị kinh tế, môi trường, tiện nghi cho con người được ước tính là 11.000USD/năm. 1 cây trưởng thành 100 tuổi cho giá trị gấp 4 lần. Và 1 cây 200 năm tuổi sẽ mang đến giá trị gấp 20-40 lần so với cây 50 tuổi. Nhìn về các đô thị Việt Nam, có lẽ chúng ta đang mất nhiều hơn là có. Cũng không biết những hàng cây cổ thụ ít ỏi còn sót lại trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh khiêm, Pasteur, Đồng Khởi, Ngô Gia Tự, … trụ lại được đến bao giờ.

can canh hang cay xanh tram tuoi sap bi don ha di doi de xay cau thu thiem 2 tp hcm 12
“Có lẽ chúng ta đang mất nhiều hơn là có…” (Ảnh: Thục Hiền)

Trong những năm gần đây, nhiều con đường Quận 1, 3 được chỉnh trang với dãy cây xanh, bồn hoa. Kênh Nhiêu Lộc cũng được cải tảo bằng hai hàng cây xanh mướt. Tuy nhiên, bao nhiêu đó vẫn là chưa đủ cho một gã Sài Gòn khổng lồ. Số lượng cây lấy tán, được thiết kế nhiều tầng lớp, liên kết mềm với phần cứng đô thị mới là quan trọng cho một hệ thống sinh thái bền vững.

Ở phần cuối của bài viết này, tôi mong mỏi:

– Chính quyền thành phố/đất nước hãy vận hành vì tâm và trí. Trước sự hỗn độn đang diễn ra, quay lại tiền đề cơ bản: Vai trò và ý nghĩa của cây xanh cho sự tồn vong của con người, đô thị/quốc gia, đặc biệt, Việt Nam là nơi đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Cần thiết hãy như Buhtan, trồng và bảo vệ cây được đưa vào hiến pháp.

– Định hướng phát triển hệ thống xanh với các kế hoạch vĩ mô, dài-trung-ngắn hạn. Kế hoạch được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi bước sẽ có nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Đầu tư vào hệ sinh thái xanh là đầu tư dài hạn và vững chắc cho an ninh, kinh tế, môi trường, sức khoẻ của quốc gia và con người. Dùng sức mạnh của hệ thống môi trường bền vững là trợ lực của phát triển kinh tế.

– Phát triển nghiên cứu khoa học, thống kê; đầu tư vào kỹ thuật, công nghệ thông minh; sáng tạo với hệ thống tự nhiên và cảnh quan đô thị.

– Xem cây xanh đô thị là tài sản thành phố hay quốc gia. Chúng phục vụ cho lợi ích dài hạn của cộng đồng và môi trường sống. Vì vậy, cần có hệ thống pháp luật đủ mạnh để xử lý những vi phạm, như ở Singapore, cây xanh là tài sản quốc gia. Sự chặt bỏ mang danh lợi ích cá nhân hay nhóm đều bị xử lý nghiêm.

– Thực hiện khảo sát, thống kê, đánh giá cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, công viên, KGCC, sau đó đệ trình quy hoạch cây xanh và mảng xanh ở các cấp độ khác nhau: đô thị, tiểu khu, vỉa hè.

– Cần có những tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về cảnh quan bền vững cho từng thành phần/cấu trúc của đô thị như công trình, vỉa hè, công viên; cho từng loại cây; phương pháp trồng, chăm sóc, bảo dưỡng, di dời nhằm đảm bảo hệ thống cây xanh sinh trưởng tốt nhất, tuổi thọ lâu nhất, và không ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình và hạ tầng đô thị.

– Chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh hiện hữu, xanh hoá hệ thống vỉa hè, trồng thêm cây mới bằng những giải pháp mới.

– Giáo dục con người về tình yêu thiên nhiên, vai trò của cây xanh, sự ứng xử của con người với cây xanh và hệ sinh vật khác bằng những bài học trực quan, có tính tương tác, gắn kết giữa con người và thiên nhiên.

Mỗi một người trong chúng ta đều mong sống lâu, giàu có, và hạnh phúc. Con người để tồn tại có 3 thứ: sức khỏe, trí lực, và tâm hồn. Một thành phố – ngôi nhà chúng ta đang sống nó cũng mưu cầu như thế. Nó cũng cần được chăm bón, xây dựng, thay thế, bảo vệ, và đối thoại. Con người không tồn tại độc lập với đô thị mà chúng ta là nhân tố chính vận hành mọi quy trình đó vô đúng quỹ đạo. Chúng ta cần phải học cách xây như thế nào để mang lại giá trị đích thực và lâu dài. Chúng ta cũng phải học giữa cái ĐÚNG & SAI trong từng nhận thức và hành động.

Đặng Thanh Hưng

(Kiến trúc sư, Giảng viên của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Hiện đang là nghiên cứu sinh kiến trúc tại School of Art, Design, & Architecture, ĐH Huddersfield, Anh)

Đăng theo Facebook Dang Thanh Hung với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.