Tôi mới tới hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai thuộc thành phố Hà Nội. Để đến được hai huyện này, tôi phải đi qua nhiều tuyến đường mù mịt, ổ gà ổ voi, đụng độ với nhiều xe quá tải được bảo kê cho tới đàn chó dữ màu đen, vàng.

làm miến bẩn, ô nhiễm
Nhân công dùng chân đạp lên số bột miến. (Ảnh: Đỗ Cao Cường)

Qua tìm hiểu, tôi được biết UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020, nhưng ấn tượng của tôi về huyện này vẫn là nghèo, ô nhiễm, các nhà xưởng trái phép mọc lên nhan nhản… Trong đầu, tôi tò mò không biết mỗi nhà xưởng trái phép kia quan chức được hối lộ bao nhiêu, ăn chia bao nhiêu, bao nhiêu không biết điều sẽ bị cưỡng chế và kẻ hối lộ trở thành dân oan đi đòi công lý.

Trước khi đến các làng miến thuộc xã Dương Liễu, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức; làng So thuộc xã Cộng Hoà huyện Quốc Oai, tôi đã kịp chứng kiến những con kênh chuyển màu liên tục, bốc mùi hôi thối tại điểm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) với gần 20 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, tất cả xả trực tiếp ra kênh. Các “sát thủ” môi trường có thể kể đến ở đây là Công ty cổ phần Sơn Infor, Công ty cổ phần Sơn Jymec và Công ty cổ phần Sơn Facomax.

Khi đến các làng miến, mặc dù chưa phải mùa sản xuất cao điểm (tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau mới là mùa cao điểm) nhưng tôi vẫn chứng kiến nhiều đống dong riềng, phên miến nằm vương vãi, bắt bụi ngoài đường cùng những con kênh đã chết.

làm miến bẩn, ô nhiễm
Những con kênh bị bức tử. (Ảnh: Đỗ Cao Cường)

Miến dong được làm từ tinh bột của dong riềng, quy trình làm miến trải qua nhiều công đoạn như ngâm bột để lọc sạn, làm trắng tinh bột; khuấy đều để tạo thành dịch hồ sánh; tráng, tạo mỏng và hấp chín; phơi sấy sơ qua và ủ cân bằng ẩm; cắt tạo sợi thành vắt miến rồi mang đi phơi.

Nhưng trước mắt tôi, những đôi chân bẩn thỉu dẫm đạp lên miến, bột làm miến. Trong khi một người làm bún khẳng định với tôi là phần lớn bún hiện nay đều phải dùng hàn the thì người làng miến quả quyết đa số làm miến phải dùng tới thuốc tẩy trắng.

Để tẩy trắng, lọc sạn, nhiều người dùng tới axit sunfuric (H2SO4) gây độc hại cho cơ thể, thuốc tím với công thức KMnO4 thường được dùng để sát khuẩn, tẩy uế, rửa các vết thương, trong thành phần của thuốc tím còn có Kali, Mangan là những chất gây ung thư.

làm miến bẩn, ô nhiễm
Làm lắng bột miến. (Ảnh: Đỗ Cao Cường)
làm miến bẩn, ô nhiễm
Máy móc, dụng cụ vương vãi bột, bụi bẩn trong một xưởng làm miến. (Ảnh: Đỗ Cao Cường)

Khi cho những chất này vào tinh bột làm miến thì chất bẩn sẽ nổi lên trên, tinh bột lắng xuống dưới. Nếu không cho, quá trình lọc bột mất rất nhiều thời gian, thay rất nhiều lần nước.

Theo họ, một lạng chất tẩy trắng dùng cho cả tạ bột, và để tạo màu cho miến họ dùng tới hóa chất có hàm lượng sắt cao, thích màu nào có màu đó.

Thậm chí hiện nay, có nơi dùng loại bột lạ hoắc nhập từ Trung Quốc thay thế bột dong. Có đợt dân Quốc Oai bán 1 tạ củ dong mới mua nổi 1 bát miến (450 đồng/kg dong) do bột nguyên liệu làm miến từ Trung Quốc vừa ít sạn lại vừa rẻ.

10 tấn củ dong sau sơ chế thì có tới 8 tấn đất, bã thải xả thẳng xuống cống rãnh. Sau vài ngày, các hóa chất, chất hữu cơ phân hủy bốc mùi hôi thối lan ra toàn vùng.

làm miến bẩn, ô nhiễm
Những miệng cống xả thẳng hóa chất ra ngoài môi trường. (Ảnh: Đỗ Cao Cường)

Miến nguyên chất làm từ củ dong riềng thường có màu trắng đục, trong, quánh, thơm. Các sợi miến nhỏ, dai, độ dài đều nhau, suôn thẳng. Tuy nhiên, người làng miến khẳng định mấy tiêu chí đó cũng chỉ tương đối mà thôi.

Dẫu biết rằng ở đâu cũng có người này người kia, và làng miến cũng vậy. Nhưng không chỉ làng miến, tôi đã đi hết đất nước và chiêm nghiệm, cái được gọi là tử tế còn quá ít trong xã hội này. Và người tử tế thường không có đất sống.

Một khi đất nước đã chịu sự vận hành – thoi thóp dựa trên sự giả dối, giàu giả nghèo thật, ở đâu cũng bất công, vô cảm thì phần lớn con người trong đất nước đó không còn là con người nữa. Tôi sợ rằng trước khi bị những kẻ như Trung Quốc xâm lược, người Việt sẽ tự giết lẫn nhau.

Đỗ Cao Cường (Phóng viên)

Đăng theo Facebook Đỗ Cao Cường dưới sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt lại. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: