TAND Cấp cao tại TP HCM ngày 12/7/2018 đã tuyên y án tử hình Đặng Văn Hiến với lời vạch đường cay nghiệt: “có 7 ngày để viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá” .

dang van hien
Hình ảnh Hiến được gặp vợ ngồi bên cạnh khi tòa giải lao, nhưng con mắt Hiến lại nhìn xuống bà con tiểu khu 1535 ngồi bên dưới. (Ảnh: LS Nguyễn Văn Quynh)

Bản chất vấn đề

Với mục đích đuổi gia đình anh Đặng Văn Hiến để chiếm đất, sáng sớm ngày 23/10/2016, Công ty Long sơn đã đưa hàng chục người đến tấn công gia đình anh Đặng Văn Hiến. Anh Hiến đã bắn chỉ thiên, nhưng người của công ty Long Sơn vẫn tiếp tục tấn công, nên buộc anh phải bắn người để bảo vệ đất. Một kết cục bi thảm là 3 người thiệt mạng, 13 người bị thương.

Anh Đặng Văn Hiến là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân gây ra bi kịch ngày 23/10/2016. Nguyên nhân gây ra án mạng ngày 23/10/2016 là ở những điểm sau.

1. Giao đất hoang phí ba vạ 

Nguyên nhân đầu tiên, dẫn đến vụ án mạng ngày 23-10-2016, bắt nguồn từ quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông giao cho công ty Long sơn hơn 1000 héc ta đất (10 km2) trên cả vùng đất đang canh cư của người dân, với điều kiện, khi thu hồi phải thỏa thuận với dân.

Tấc đất tất vàng. Thế mà UBND tỉnh Đắk Nông giao cho công ty Long Sơn những 10 km2 đất, không đếm xỉa đến hoàn cảnh thân phận những người dân đang sống trên mảnh đất đó. Với họ, mỗi tấc đất khai hoang khai hóa là mồ hôi nước mắt, là nguồn sống hàng ngày. Đó là một quyết định giao đất hoang phí, ba vạ và nhẫn tâm.

2. Vô trách nhiệm

UBND tỉnh Đắk Nông không chỉ giao đất hoang phí ba vạ, nhẫn tâm, mà còn vô trách nhiệm. Vì đã không giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật, lại tự ban phát cho công ty Long Sơn quyền lấy đất mà tự thỏa thuận với dân. Đó là sự vô trách nhiệm xuất phát từ cao ngạo ngồi trên pháp luật. Đây là nguyên nhân thứ hai đưa đến kết cục bi thảm.

3. Chiếm đất trắng trợn

Trên thực tế, khi lấy đất, chỉ một số trường hợp là có thỏa thuận, còn phần lớn thì lãnh đạo công ty Long Sơn tự ý cưỡng chế, thuê cả xã hội đen đe dọa dân để cưỡng chế. Đó là hành vi chiếm đất trắng trợn phi pháp.

Nhân viên công ty Long Sơn không có trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Việc lãnh đạo công ty Long sơn bắt nhân viên đi xua đuổi gia đình anh Đặng Văn Hiến để chiếm đất là việc làm phi pháp, hơn thế nữa là đẩy nhân viên công ty vào những việc làm nguy hiểm đến tính mạng. Đây là nguyên nhân thứ ba dẫn đến kết cục bi thảm.

4. Mâu thuẫn kéo dài mà không được chính quyền giải quyết 

Bởi thế, mâu thuẫn giữa lãnh đạo công ty Long Sơn với nhân dân tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (trong đó có gia đình anh Đặng văn Hiến) đã kéo dài 8 năm. Công ty Long Sơn ủi chiếm đất không chịu bồi thường, dân viết đơn khiếu nại không được giải quyết, nên tự phải bảo vệ đất, chống lại công ty Long Sơn.

Nếu UBND tỉnh Đắk Nông kịp thời giải quyết các đơn khiếu kiện của nhân nhân tiểu khu 1535 xã Quảng trực, huyện Tuy Đức thì bi kịch ngày 23/10/2016 đã không xảy ra.

Từ những điều nêu trên, cho thấy UBND tỉnh Đắk Nông mới chính là kẻ có lỗi lớn nhất trong bi kịch 23/10/2016. Tiếp sau đó là tội của lãnh đạo công ty Long Sơn vì lòng tham đất đai mà xua người công ty đi cướp đất đai của người khác. Chính các ông chủ công ty Long Sơn đã đẩy nhân viên vào chỗ chết. Đến cướp đất của nhà người ta là đã tự dẫn mình vào chỗ nguy hiểm đến tính mạng, không phải anh Đặng Văn Hiến mà rồi ai cũng sẵn sàng liều chết để bảo vệ đất đai.

Bởi thế anh Đặng Văn Hiến và nhân viên công ty Long Sơn bị thiệt mạng – tất cả đều là nạn nhân của sự vô trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Nông và sự tham lam đến liều lĩnh của lãnh đạo công ty Long Sơn.

Lấy đất của anh Đặng Văn Hiến giao cho Cty Long Sơn mà không đền bù có bất công không?

Lãnh đạo công ty Long Sơn biện hộ rằng đất của anh Đặng Văn Hiến không được cấp hợp pháp, nên công ty Long Sơn không đền bù.

Thế nào là hợp pháp?

1. Từ ngàn xưa, biên giới của Tổ Quốc được vạch ra, không phải mảnh đất nào cũng có chủ nhân, thửa đất nào cũng được cấp bằng văn bản.

2. Rừng núi mênh mông, đồng bào dân tộc di cư đến đâu, làm nhà, khai phá đất đai canh tác thì họ đích thực là chủ nhân của ngôi nhà mình dựng lên, là chủ nhân của những thửa đất mà mình khai phá, dẫu không được cấp giấy tờ từ chính quyền. Đó là quy luật tự nhiên ngàn đời.

3. Từ những năm 60 thế kỷ trước, Nhà Nước đã cổ động và tổ chức cho đồng bào miền xuôi lên miền núi khai hoang khai hóa. Nên ở các tỉnh Tây Bắc mới có người từ Thái Bình, Nam Định, Nam Hà… đến sinh cơ lập nghiệp. Sau năm 1975, đồng bào Hà Nội di dân vào Lâm Đồng nên mới có huyện Lâm Hà. Đất đai mà người dân mới đến làm nhà và canh tác là đất đai của Tổ Quốc. Khi họ đến khai hoang khai hóa thì họ là chủ nhân hợp pháp.

4. Quá trình di dân khai phá đất mới, có tổ chức, hay tự phát, đều đưa đến một thực tế hiển nhiên, rằng đất đai bờ cõi được mở mang, những người khai phá là chủ nhân đích thực hợp pháp của đất mới khai phá.

Bởi thế khi anh Đặng Văn Hiến từ Lạng Sơn vào khai hoang đất mới là hiện tượng di dân tự nhiên. Nếu đất chưa có chủ mà chính quyền địa phương biết nhưng không ngăn cản thì đó chính là sự thừa nhận hợp lệ.

Nếu đồng bào dân tộc cho rằng đất núi rừng là của họ dẫu họ chưa đặt chân đến vẫn là của họ, thì chính quyền có được phép đưa dân đến khai hoang không? Và một cuộc kháng chiến chống chiếm đất tương tự như người da đỏ nước Mỹ có xảy ra không?

Đất đai là của Nhân dân, của Tổ quốc, chứ không phải của chính quyền. Đó là điều vĩnh viễn không tranh cãi.

Cho nên, đất anh Hiến khai phá để sinh sống đã nhiều năm trước, nay bỗng dưng UBND Đắk Nông tước đi miếng ăn của gia đình anh để giao cho công ty Long Sơn làm giàu thì đó là bất công.

Chính UBND tỉnh Đắk Nông đã thừa nhận sự hợp pháp của những người khai hoang khai hóa đất đai mới, nên mới ra điều kiện cho lãnh đạo công ty Long Sơn phải thỏa thuận trước với dân khi giải phóng mặt bằng. Nhưng các ông chủ công ty Long Sơn đã bất chấp. Tội của lãnh đạo công ty Long Sơn là rất lớn.

Trốn chạy công lý và trốn chạy trách nhiệm

Tại sao các quan tòa TAND cấp cao HCM hôm 12/7/2018 không tự quyết định xóa án tử hình cho Đặng Văn Hiến, mà lại phải đùn đẩy lên cho chủ tịch nước? Tại sao họ phải nhắc đi nhắc lại cho Đặng Văn Hiến rằng anh có 7 ngày để viết đơn xin chủ tịch nước ân xá?

Đó là trốn chạy công lý và trốn tránh trách nhiệm.

Tại sao lại phải trốn chạy công lý? Do không đủ năng lực để nhìn thấy công lý hay không thể thoát khỏi sức ép của quyền lực và đồng tiền? Dù chỉ bất cứ một trong ba lý do trên cũng đã nói lên sự không đủ tư cách của các vị quan tòa.

Tiếp theo là trốn tránh trách nhiệm. Việc đáng ra phải kết thúc trong bổn phận của mình lại không chịu kết thúc, mà còn đẩy trách nhiệm lên trên. Có người sẽ phản bác rằng đây là quy định về trình tự. Đã đến cái chết, là bước cuối rồi, thì ai không biết trình tự mà còn phải gợi ý đi gợi ý lại. Nếu xử đúng, đã xóa án tử hình cho Đặng Văn Hiến rồi, thì còn đâu phải đến tay chủ tịch nước!

Lãnh đạo một đất nước mà khâu nào cũng yếu kém, không tự xử lý đúng trách nhiệm, việc cỏn con cũng phải đến tay thủ tướng, chủ tịch nước, thì đất nước làm sao mà hùng mạnh được.

Bài học rút ra từ phiên tòa ngày 12/7/2018 xử Đăng Văn Hiến là người dân thấp cổ bé họng sẽ chẳng hy vọng có được công lý, khi cán cân công lý nằm trong tay các vị quan tòa không đủ năng lực và phẩm chất.

Nhưng hệ quả của phiên tòa ngày 12/7/2018 xử Đăng Văn Hiến còn tai hại hơn. Rằng Đất nước không thể phát triển giàu mạnh được khi mà môi trường quan tòa không trong sạch.

Chúng ta đã đối mặt với hàng ngàn vụ án oan sai, hàng ngàn vụ án xử bẻ cong công lý, mà vụ án mới đây nhất về bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn còn văng vẳng bên tai.

Cán cân công lý đang ở trong tay Chủ tịch nước

Một quyết định ân xá của chủ tịch nước cho Đặng Văn Hiến sẽ là sáng suốt, đúng đắn và rất cần thiết.

1. Quyết định ân xá không chỉ loại bỏ oan trái sắp cướp đi số phận của Đặng Văn Hiến, không chỉ xóa đi sự chiếm đoạt đất đai bất công phi pháp đối với gia đình anh, mà còn cứu vớt phần nào cho sự sai trái của chính quyền cấp dưới về chính sách đất đai, bù đắp phần nào về công lý cho sự phi công lý ề chề của tòa án.

2. Quyết định ân xá sẽ làm cho người dân còn có thể tin, rằng trên đất nước này, dù họ có bị quyền lực, quan tòa và đồng tiền chà đạp đày đọa, thì ở một nơi nào đó vẫn còn có chỗ để tin, để bấu víu vào mà bảo vệ lẽ phải.

3. Quan trọng nữa, quyết định ân xá là lời cảnh báo cho chính quyền và các chúa đất đang tiến hành thâu tóm đất đai phải sực tỉnh về giới hạn. Rằng tiếng súng sẽ nổ lên khắp mọi nơi để bảo vệ đất đai nếu bị cướp đoạt phi pháp.

Người dân khắp cả nước đang hướng về Chủ tịch nước. Một quyết định ân xá cho Đặng Văn Hiến sẽ làm vơi đi phần nào nỗi buồn trong lòng dân về một xã hội không còn mấy niềm tin vào lẽ phải. Chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, của anh Đặng Văn Hiến, Chủ tịch nước sẽ có một quyết định đúng đắn mà không cần ngó tới hàng tệp văn bản pháp lý, hàng trăm lời khuyên của cá nhân và cơ quan giúp việc.

Chỉ có đặt mình vào hoàn cảnh người dân thì tự khắc sẽ tìm thấy quyết định đúng đắn. Như ông Đinh La Thăng bây giờ, trong hoàn cảnh của người tù, mới thốt lên rằng Tòa án không còn có công lý cho ông!

Lối thoát

Ngăn chặn những bi kịch tương tự ngày 23/10/2016 không phải bằng mạng sống của anh Đặng Văn Hiến, cũng không phải bằng truy tội lãnh đạo công ty Long Sơn và UBND tỉnh Đắk Nông, mà là bằng sửa đổi căn bản triệt để Luật Đất đai.

Chính Luật Đất đai hiện hành đã đưa đất đai quốc gia vào tay một nhóm người, vì lợi ích nhóm và sự lũng đoạn của đồng tiền mà đã đưa đến hiện trạng phung phí đất đai và hình thành giai cấp chúa đất như hiện nay.

Trên toàn quốc đang diễn ra tiến trình thâu tóm đất đai vũ bão chưa bao giờ có. Hàng ngàn km2 ở những vị trí đắc địa nhất từ thủ đô Hà Nội và TP.HCM cho đến tận sơn cùng hang hẻm đều được những kẻ đầu cơ đất đai chiếm đoạt với giá rẻ mạt. Chính họ là những kẻ xâm lăng gây nên phong trào kháng chiến bảo vệ đất đai bằng súng đạn của người dân.

Phải nhìn rất sáng rằng, những Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến, những Văn Giang, Đồng Tâm… không phải vùng lên chống lại Nhà nước mà vùng lên chống lại những tên kẻ cướp mượn danh Nhà nước để chiếm đoạt đất của dân.

Luật Đất đai sửa đổi phải thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, chấm dứt trưng thu đất đai của dân theo mệnh lệnh với giá rẻ mạt, chỉ trưng thu vì mục đích bảo vệ tổ quốc với giá thị trường được một cơ quan độc lập với chính quyền thẩm định.

Chừng nào còn trưng thu đất của dân với giá nhà nước quy định, trao cho các nhà đầu cơ đất làm giàu, thì chừng đó tiếng súng còn mãi vang.

Trong bài “Nỗi đau của nền tư pháp Việt” (ngày 9/1/2018), tôi đã đề cập: “Để giải thích cho các em học sinh tiểu học về sự vô tội của Đặng Văn Hiến, thì chỉ cần hai câu đơn giản:

Không có công ty Long Sơn thì Đặng Văn Hiến không phải cầm súng.

Không có quân Thanh thì không có trận Đống Đa lịch sử.

Những kẻ âm mưu lấy bằng được mạng sống của Đặng Văn Hiến chỉ để lấp liếm sai trái của mình sẽ tiếp tục rải các rào cản ngăn chặn sự ân xá của chủ tịch nước. Chúng vin vào lý do “nhẹ tay” với Đặng Văn Hiến sẽ cổ súy cho sự chống đối. Nhưng những kẻ đó đã nhầm.

Chủ tịch nước có ân xá hay không thì lẽ phải vẫn thuộc về Đặng Văn Hiến, chứ không thuộc về UBND tỉnh Đắk Nông, không thuộc về lãnh đạo công ty Long Sơn, không thuộc về Tòa án. Bảo vệ đất là lẽ sống của người Việt. Nước Việt toàn vẹn lãnh thổ bao ngàn năm trước mọi xâm lăng của kẻ thù cũng chỉ nhờ vào lẽ sống giản đơn bảo vệ đất. Không bảo vệ được đất của gia đình thì chẳng thể nào bảo vệ được đất của Tổ Quốc. Những ai còn nghi ngờ thì hãy tự đặt mình vào vị trí của Đặng Văn Hiến. Lúc đó sẽ rất giản đơn hiểu ra rằng vì sao phải cầm súng.

Theo Facebook TS Nguyễn Ngọc Chu

Xem thêm: