Có thể có những bạn có những biện pháp khác để ủng hộ bác sĩ Lương, chỉ xin có đề nghị thế này: Xã hội có thật sự trân trọng những người làm nghề Y, có sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của họ?

bs hoang cong luong
BS Hoàng Công Lương. (Ảnh: Soha)

1. Chuyện trách nhiệm

Trong hướng dẫn của FDA [Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ] về quản lý nguồn nước cho máy chạy thận, có một câu thế này: “The physician has ultimate responsibility for determining the quality of water used for dialysis.” (tạm dịch: “Bác sĩ có trách nhiệm cuối cùng trong việc xác định chất lượng nước được sử dụng để lọc máu.”)

Trách nhiệm, cái lý do được dùng kết tội Lương, Mỹ nói thế nên tòa Hòa Bình cũng nghĩ thế? Thế nhưng, vấn đề tế nhị hơn một chút: trách nhiệm ở Mỹ không phải từ trên trời rơi xuống mà nó được bảo đảm bằng việc xác lập chuẩn thiết bị (có báo động bằng thị giác và âm thanh khi có tạp chất quá ngưỡng cho phép), bằng các quy trình nghiêm ngặt (được đưa ra bởi các tổ chức chuyên môn cao) và bằng sự góp sức của những người biết việc mình phải làm.

Cái trách nhiệm ấy hóa ra cũng không phức tạp khi có sự kiểm tra vào những thời điểm cần thiết, có biên bản ghi nhận những thông số theo dõi. Công việc của người bác sĩ chỉ là kiểm tra các số liệu này có đạt yêu cầu hay không.

Nhưng việc đơn giản ấy ở Việt Nam lại trở nên phức tạp. Máy móc không được kiểm tra định kỳ, nhân viên làm việc tùy tiện, quy trình không rõ ràng…, thế thì đem quả bom trách nhiệm ấy thảy lung tung được sao? Đây chỉ là một trường hợp điển hình và quá rõ ràng, còn trong thực tế nhiều nhân viên y tế phải làm việc với máy móc hư hỏng, trong những môi trường không được bảo vệ đầy đủ, dưới điều kiện quá tải trầm trọng và các tai biến hay sai sót y khoa luôn chực chờ xảy ra.

Mỗi nhân viên y tế ở Việt Nam đều đồng cảm với Lương vì họ thấy hình ảnh của mình trong đó. Họ biết là mình không có cách gì tuyệt đối tránh được các sai sót và mỗi một người đều có thể là một bác sĩ Lương ở ngày mai.

Chỉ có một số ít là ngoại lệ, những người ngồi bàn giấy, trong phòng lạnh, quanh năm suốt tháng chẳng hề tiếp xúc với bệnh nhân nên họ không cảm thấy những nguy cơ này. Đó là các nhà quản lý – ở Sở, ở Bộ Y tế. Đó là các đại diện của nhân viên y tế – Công đoàn ngành Y tế. Đó là các lãnh đạo – Đảng ủy khối y tế. Không trách được chẳng ai lên tiếng, vì chắc là họ cảm thấy đúng người đúng tội rồi! Chỉ tội cho bác sĩ Lương, “cõng” 12 điều y đức, mang cái “huy chương” lương y như từ mẫu, giờ phải “đội” thêm cái nón trách nhiệm tối cao nữa thì sao mà không sụm?

2. Chuyện pháp luật

Cũng chuyện chạy thận, thảm kịch lớn nhất xảy ra hồi tháng 2/1996 tại một phòng khám ở Caruaru, Brazil. Hơn 100 bệnh nhân bị nhiễm độc do nguồn nước không bảo đảm về mặt vi sinh và có 53 người chết vì suy gan. Tai biến bi thảm này đã đi vào lịch sử y khoa bằng cái tên Hội chứng Caruaru.

Nguyên nhân được ghi nhận là hệ thống lọc nước bị lỗi dẫn đến sự sinh sôi của chủng Cyanobacteria và sự phóng thích các nội độc tố Cyclic peptide microcystins và Cylindrospermopsin. Các chất này được tìm thấy trong các bộ lọc và trong máu bệnh nhân. Kiểm tra hồ sơ máy, người ta phát hiện nguồn nước không được kiểm tra định kỳ trong hơn 1 năm và các thanh tra y tế đã không đến kiểm tra trong cả 2 năm.

Xét về bản chất, câu chuyện ở Hòa Bình và Caruaru là hoàn toàn giống nhau với 2 điểm then chốt: Sự lơ là quản lý từ phía chính quyền và sự cẩu thả tắc trách của những người quản lý cơ sở.

Sự khác biệt giữa hai trường hợp là cách người ta nhìn nhận trách nhiệm thuộc về ai. Ở Caruaru, người ta đã không làm khó các nhân viên trực tiếp liên quan mà khởi kiện 2 bác sĩ là chủ của phòng khám, đồng thời kiện cả cơ quan quản lý y tế địa phương. Ở Hòa Bình, chưa ai nghĩ đến việc kiện Sở Y tế, Bộ Y tế thì chính quyền đã đưa một bác sĩ ra làm “vật tế thần”. Từ đó trở đi, chuyện diễn tiến như là “cả vú lấp miệng em” và đánh lạc hướng dư luận. Mải lo biện hộ cho bác sĩ Lương, người ta quên mất ai mới là thủ phạm chính trong vụ này.

3. Chuyện đào tạo

Có một câu hỏi không thấy câu trả lời, tại sao Bùi Minh Quốc lại dùng HF để súc rửa hệ thống? Đó là sáng kiến của anh ta? Hướng dẫn của công ty cung cấp máy? Thầy dạy cầm tay chỉ việc? Vấn đề là trả lời kiểu nào cũng không ổn, trả lời kiểu nào cũng chỉ có một đáp án duy nhất là không được đào tạo bài bản. Anh ta chắc là chỉ có một giấy chứng nhận duy nhất, chứng nhận miệng của đội bạn – Đỗ Anh Tuấn.

Phải thấy là bất cứ việc gì dính đến y khoa, dính đến sinh mạng con người thì đều phức tạp hơn bình thường. Bởi vậy, đi rút máu cũng cần bằng cấp mà đứng bán thuốc cũng cần có bằng cấp. Kiến trúc vẽ nhà thì dễ, nhưng vẽ bệnh viện thì cần chuyên ngành riêng. RO gia dụng thì dễ nhưng RO y khoa thì khó hơn nhiều. Cái sự khó đó không chỉ là máy móc phức tạp hơn mà còn vì tiêu chuẩn cao hơn, quy trính theo dõi, kiểm tra chặt chẽ hơn. Thế nhưng, những người lắp đặt và bảo trì các hệ thống nước RO này có đào tạo như thế nào, được chuẩn hóa ra sao, có lẽ chẳng ai quản lý. Bởi vậy, tai họa không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ xảy ra.

Ở Việt Nam, các hệ thống RO đã rất phổ biến ở các nhà máy dược, các phòng khám, bệnh viện. Tất nhiên, cũng sẽ có khá nhiều công ty chuyên lắp đặt và bảo trì các hệ thống này. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu công ty khác cũng đang dùng HF để súc rửa đường ống, hoặc sáng tạo hơn, biết đâu chừng có ai đó đang dùng H2SO4 hay là HCL để xử lý, nhanh hơn sạch hơn chẳng hạn?! Các nhà quản lý cơ sở có bận tâm đến việc người thực hiện bảo trì đang làm gì trong đường ống của mình hay chỉ quan tâm đến việc mua bán dịch vụ như trong trường hợp ở Hòa Bình?

4. Chuyện quy trình

Người Việt Nam chưa quen với quy trình và hay có cảm giác ngại khi nói về vấn đề này. Thật sự, không có gì phức tạp và quy trình là một phương thức vận hành hữu ích cho mọi vấn đề. Công việc lớn có quy trình lớn, vấn đề nhỏ có quy trình nhỏ. Việc của quy trình là đưa ra những trình tự cần thiết để giải quyết vấn đề cho đến khi có kết quả mong muốn. Một quy trình tốt phải lường trước được mọi khả năng có thể xảy ra và cách xử lý tương ứng.

Một câu chuyện khác về chạy thận xảy ra ở Bệnh viện Trường đại học Chicago (UC), Mỹ vào ngày 16/7/1993. 9 bệnh nhân đang chạy thận diễn tiến nặng đột xuất và có 3 ca tử vong. Nguyên nhân cái chết được xác định là hàm lượng Fluoride trong dịch lọc cao bất thường gây rối loạn điện giải và trụy tim mạch. Sự tăng Fluoride xảy ra do cơ chế lọc Fluoride của máy hoạt động không còn hiệu quả. Tuy nhiên, ẩn tàng bên dưới tai biến này lại là một câu chuyện khác.

Trong hệ thống xử lý nước của UC, buồng khử Ion (DI=Deionization Tank) theo dõi chất lượng nước không phải bằng độ dẫn điện mà bằng trở kháng (Resistance). Khi trở kháng cao hơn 1 megaohm/cm, chất lượng nước đạt yêu cầu và đèn báo hiệu là cam. Ngày hôm đấy, buồng DI đã cạn, nhân viên kỹ thuật thay thế bằng một buồng mới với hai đèn báo thay vì chỉ có một: đèn xanh nếu chất lượng nước đạt và đèn màu cam nếu không đạt. Sau đó, một kỹ thuật viên mới nghỉ hè trở về, không biết đến sự thay đổi này, khi thấy đèn báo tín hiệu màu cam, nghĩ rằng chất lượng nước đạt yêu cầu nên vẫn tiến hành lọc thận, dẫn đến cái chết của 3 bệnh nhân.

Câu chuyện này giống Hòa Bình ở một khía cạnh khác. Đó là sự thiếu liên hệ thông tin giữa các thành viên trong nhóm. Đó là sự thiếu sót trong quy trình khi có sự thay đổi về chất liệu hay thành phần thiết bị. Ở Hòa Bình, đó là sự gián đoạn thông tin giữa người xử lý máy và người nhận máy để sử dụng.

Một công cụ rất được hay dùng khi liên quan đến những quy trình phức tạp, dễ xảy ra tai biến, đó là sử dụng các check list [danh mục kiểm tra]. Đối với Bùi Mạnh Quốc, nếu có một check list tốt và theo sát nó, anh ta sẽ không bỏ quên việc mở các van xả làm ứ dọng lại Fluoride trong hệ thống. Đối với đội ngũ của bác sĩ Lương, một check list áp dụng sau mỗi lần súc rửa hay bảo trì hệ thống RO có lẽ sẽ giúp Lương chậm lại vài phút để cân nhắc việc hệ thống đã sẵn sàng hay chưa và có thể tránh được tai biến. 

5. Chuyện ủng hộ

Có lẽ nhiều người không để ý, ngành Y khoa là một ngành thiệt thòi khi đối diện với những bất công. Mọi ngành nghề lao động khi cần được lắng nghe, vũ khí mạnh mẽ luôn gây hiệu quả rõ ràng là đình công. Đáng tiếc, cả về tình về lý, nhân viên y tế đều không thể đình công vì khi đó, người chịu thiệt thòi lại là bên thứ ba: các bệnh nhân.

Có thể có những bạn có những biện pháp khác để ủng hộ bác sĩ Lương, chỉ xin có đề nghị thế này: Xã hội có thật sự trân trọng những người làm nghề Y, có sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của họ? Đừng chỉ cất lời ca ngợi thầy thuốc xong rồi đẩy họ vào bãi mìn. Người thầy thuốc cần sự tôn trọng thực sự chứ không phải hoa và những lời nói suông.

Bác sĩ Võ Quang

Theo Facebook BS Võ Quang

Xem thêm: