Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể giả vờ câm điếc trước những lời chỉ trích từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác về vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6, nhưng các đại sứ quán của nhiều quốc gia ở Bắc Kinh vẫn kỷ niệm sự kiện này theo những cách khác nhau trên Weibo, khiến ĐCSTQ mất mặt và điên cuồng xóa tin.

id12998879 1406020409071975 600x429 e1622576358581 600x400 1
Cảnh tượng đàn áp tàn bạo đẫm máu tại Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn đã khiến cả thế giới bàng hoàng. (Nguồn: Website Hồ sơ sự kiện Lục Tứ)

Một ngày 4/6 nữa lại đến. Ngày 4/6/1989, quân đội ĐCSTQ đã tiến vào Bắc Kinh và Quảng trường Thiên An Môn, bắn giết các sinh viên và người dân không vũ trang, thậm chí còn sử dụng đạn hoa cải vô nhân đạo.

Theo ước tính, cuối cùng tối thiểu 3.000 người, tối đa hơn 10.000 người đã chết. Điều này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa quốc tế về “Đại thảm sát”.

Nhưng sự thật về vụ thảm sát sinh viên và dân thường của ĐCSTQ hơn 30 năm trước vẫn bị chính quyền này che đậy, nỗi oan khuất của vô số tâm hồn vô tội vẫn chưa được giải tỏa.

Hàng năm, trước và sau ngày 4/6, chính quyền ĐCSTQ và các trường đại học lại rơi vào trạng thái lo lắng. Họ thực hiện nhiều biện pháp để ngăn người dân kỷ niệm phong trào Lục Tứ ngày 4/6.

Quảng trường Thiên An Môn bị cấm vào ngày hôm đó. Cảnh sát ở ngã ba đường Đông Trường An và đường Nam Trì Tử sẽ khám xét điện thoại di động và túi xách của người dân, tất cả tài liệu đều bị kiểm tra. Các trường đại học, đặc biệt là một số trường đại học lớn ở Bắc Kinh theo dõi sát sao học sinh, v.v.

Tuy nhiên, dù ĐCSTQ có đàn áp như thế nào thì tiếng nói phản kháng vẫn không biến mất. Một chùm ảnh lan truyền trên Internet cho thấy, một trường đại học ở Trung Quốc Đại Lục đã kỷ niệm ngày 4/6 bằng cách viết trên bảng và Power Point, kêu gọi tiêu diệt ĐCSTQ.

Nội dung gồm: “Không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách! Không làm nô lệ, làm công dân!”

“Trả lại dân chủ tự do cho chúng tôi! Tập Cận Bình phải từ chức! Cộng phỉ (kẻ cướp ĐCSTQ) cút ngay!!”, v.v.

Một số cư dân mạng gọi đó là “tai nạn giảng dạy” tại Đại học Thanh Hoa.

Tiếng nói này tuy yếu nhưng vẫn đầy uy lực, vẫn truyền được thông điệp rằng một số bạn trẻ đầy nhiệt huyết “tuy nhỏ bé nhưng không dám quên lo việc nước”.

Điều này không khỏi khiến người ta nhớ đến bức thư tuyệt mệnh của Tiêu Kiệt, một sinh viên báo chí tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, người bị bắn chết vào ngày 4/6, viết cho cha mẹ mình.

Trong bức thư tuyệt mệnh dài hơn 3.000 chữ của mình, Tiêu Kiệt không chỉ cảm ơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ anh, mà còn nói rõ quyết tâm tham gia phong trào dân chủ này.

Anh viết: “Kẻ cầm quyền tham quyền, hủ bại, dâm loạn, xa hoa, chìm trong tửu sắc, hoang dâm phóng đãng. Con em cán bộ hoành hành ngang ngược, làm ra vô số việc ác.

Côn đồ lộng hành bá đạo trong xã hội, cảnh sát và những kẻ cặn bã thực sự của xã hội song hành với nhau, biếu tặng rượu thuốc, nhưng lại tàn nhẫn với dân thường như lang sói, đánh đập và đấm đá…

Người dân sợ hãi phục tùng. Bóng tối của xã hội, sự bất công, sự ô trọc của kẻ thống trị, sự tê liệt, thờ ơ của người dân, tất cả những điều đó khiến con khó có thể chỉ lo cho thân mình, chỉ quan tâm đến gia đình nhỏ của riêng mình và yên lòng phụng dưỡng cha mẹ.

Dân không yên, sao dám quên ưu phiền, mục đích chưa thành, sao dám lo cho bản thân?”

“Thủ đoạn trấn áp tàn nhẫn những người bất đồng chính kiến ​​là điều không một chính quyền dân chủ tư sản nào có thể sánh được”. Anh tin chắc rằng “lịch sử sẽ phán xét công minh”.

Khi đó, cái nhìn sâu sắc của Tiêu Kiệt về xã hội đen tối và ý thức trách nhiệm xã hội của anh không phải là hiếm trong số các sinh viên cùng thế hệ.

Dưới sự tẩy não và cai trị độc tài của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ, mặc dù sau vụ thảm sát ngày 4/6, sự sáng suốt và tinh thần trách nhiệm như vậy đã rất hiếm trong những người trẻ tuổi ở Trung Quốc Đại Lục, nhưng làm sao biết được ngọn lửa yếu ớt ấy một ngày nào đó có bùng cháy và lan rộng? Nhất là khi sự đen tối và bất công trong xã hội vẫn còn tồn tại, thậm chí còn nhiều hơn trước?

Việc bịt miệng người dân Trung Quốc đã khó, bịt miệng người nước ngoài lại càng khó hơn.

Ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố sẽ kỷ niệm 34 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn. Tuyên bố cho biết, ngày 4/6/1989, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) đã đưa xe tăng vào quảng trường Thiên An Môn, đàn áp dã man những người biểu tình và người đi bộ ôn hòa ủng hộ dân chủ Trung Quốc. Nhưng chủ nghĩa anh hùng của các nạn nhân sẽ không bị lãng quên.

Họ sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những người ủng hộ các nguyên tắc này trên khắp thế giới. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ nhân quyền, các quyền tự do cơ bản của người dân ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

ĐCSTQ có thể giả vờ câm điếc trước những lời chỉ trích từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nhưng các đại sứ quán của nhiều quốc gia ở Bắc Kinh kỷ niệm vụ thảm sát ngày 4/6 theo những cách khác nhau trên Weibo khiến chính quyền này mất mặt.

Trước đây, điều này hiếm khi xảy ra. Chính quyền ĐCSTQ sợ người dân biết được, nhưng cũng không dám chỉ trích hay biện minh gì ngoài việc xóa thông tin một cách điên cuồng.

Rạng sáng ngày 4/6, Đại sứ quán Đức đi đầu trong việc đăng một video chỉ có một ngọn nến phát sáng trong bóng tối, khẽ lay động trong sự tĩnh lặng. Hàm ý không chỉ để tưởng nhớ những người đã khuất, mà còn thể hiện rằng ngọn nến này sẽ không bao giờ tắt, và vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4//6 không bao giờ bị lãng quên.

Đại sứ quán Canada đã viết trên Weibo của mình lúc 9h sáng rằng họ vẫn ghi nhớ ngày này trong lịch sử. Quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tín ngưỡng là những giá trị phổ quát. Sau khi bị Weibo xóa, Đại sứ quán Canada đã chụp ảnh màn hình và đăng lại.

Trưa ngày 4/6/1989, Đại sứ quán Anh cũng đăng một bức ảnh trang nhất của Nhân dân Nhật báo (về sự kiện Thảm sát Thiên An Môn) trên Weibo, với nội dung rằng: Hôm nay, chúng tôi tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc vào ngày 4/6/1989. Mặc dù Trung Quốc cấm bất kỳ cuộc thảo luận công khai nào về sự kiện bi thảm xảy ra ngày hôm đó, nhưng chúng tôi đăng hình ảnh này lên mạng xã hội hôm nay để cho thấy rằng trên thực tế, truyền thông của đảng đã đưa tin về sự kiện này.

Weibo đã nhanh chóng xóa tin.

Vào buổi chiều, phái đoàn EU tại Trung Quốc đã đăng một bài đăng trên Weibo với một bức ảnh có nội dung: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những người đã khắc tên mình vào lịch sử”. Sau đó, khu vực bình luận đã bị chặn.

Tuy nhiên, blog của Đại sứ quán Thụy Điển ám chỉ đến Phong trào ngày 4/6 vẫn chưa bị xóa. Tài khoản Weibo này đặc biệt đề cập đến vụ nổ súng ở Thụy Điển vào ngày 14/5/1931 và đăng 3 bức ảnh.

Khi đó, vì tranh chấp lao động, công nhân đã tổ chức biểu tình. Các quân nhân đến theo yêu cầu của cảnh sát đã nổ súng vào những người biểu tình, khiến 5 người thiệt mạng và 5 người bị thương.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý rộng rãi ở Thụy Điển, và gây ra các cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử. Một trong những hậu quả tức thời của vụ nổ súng là Thụy Điển cấm sử dụng quân đội trong các cuộc xung đột xã hội thời bình.

Rõ ràng, người Thụy Điển đang nói với ĐCSTQ rằng: Bắn giết người là sai, dùng quân đội để trấn áp người dân là điều đáng xấu hổ. Tuy nhiên, bản chất tà ác của ĐCSTQ xác định việc họ không thể từ bỏ việc sử dụng súng để đàn áp người dân. Bởi nếu không làm vậy, ĐCSTQ sẽ duy trì chế độ đổ nát của họ như thế nào?

Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đồng thời lên tiếng, trực tiếp hoặc gián tiếp kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6, nhưng thực chất họ đang lên án ĐCSTQ đi ngược lại các giá trị phổ quát và lên án sự tàn bạo của ĐCSTQ.

Điều này cũng phản ánh rằng xu hướng thế giới phương Tây cùng hợp tác kiềm chế ĐCSTQ sẽ không bị đảo ngược, và việc xóa bỏ ĐCSTQ sẽ bộc lộ bản chất yếu kém của họ.

Bánh xe lịch sử đang quay. Từ lâu, lịch sử đã chứng minh rằng cái ác sẽ không bao giờ đánh bại được chính nghĩa. Máu của những nạn nhân trong sự kiện Lục Tứ ngày 4/6 sẽ không bao giờ đổ một cách vô ích. Khi lực lượng công lý trên thế giới tập hợp lại với nhau, công lý sẽ không chỉ là một giấc mơ!

Bồ Sơn
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Epoch Times.)

  • Mời xem thêm video: Thảm sát Thiên An Môn đã khiến danh ca Đặng Lệ Quân bừng tỉnh như thế nào?