Mấy ngày nay, làm việc cực kỳ căng thẳng, bệnh đau dạ dày lại tái phát. Ban ngày đi tranh tụng tại các phiên tòa, tối về lại lao vào nghiên cứu hồ sơ vụ án liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương. (*) 

vai suy ngam ve toi vo y lam chet nguoi voi toi giet nguoi
Bác sĩ Hoàng Công Lương (giữa) cùng thân nhân một bệnh nhân trong sự cố chạy thận (trái) và BS Hoàng Công Tình. (Ảnh: FB BS Hoàng Công Tình)

Đọc tài liệu, sau quá trình trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án 01 lần và của cơ quan truy tố 02 lần; chưa tìm ra bất kỳ điểm mới, tình tiết mới nào làm căn cứ thay đổi tội danh “Vô ý làm chết người” đối với vị bác sĩ trẻ này.

Làm nghề luật, chúng tôi luôn chú tâm xem xét, khi một người bị quy kết không phạm tội này mà phạm tội khác thì thường có những điểm mới, dấu hiệu mới của hành vi căn bản làm thay đổi tội danh được đặt ra. Nếu cùng hành vi mà có đến nhiều lần thay đổi tội danh thì nguyên nhân không gì khác ngoài kiến thức và nhận thức sai lầm của người buộc tội.

Có rất nhiều điều đáng bàn về cấu thành tội phạm khi truy tố để xét xử Hoàng Công Lương về tội ‘Vô ý làm chết người’. Có những dấu hiệu cơ bản của tội phạm mà không chuyên gia về tội phạm học nào không đề cập sâu để phân biệt với các tội danh có cùng hậu quả chết người – đó là:

Về khách quan, người phạm tội có những hành vi tương tự hành vi của tội giết người; hậu quả xảy ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cũng tương tự như đối với giết người; chỉ khác duy nhất về thái độ đối với cái chết của nạn nhân là không mong muốn, không bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra.

Vấn đề mấu chốt mà khoa học hình sự đòi hỏi về hành vi khách quan của tội Vô ý làm chết người, trong trường hợp của bác sĩ Hoàng Công Lương là: bác sĩ không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể người bệnh có khả năng gây tử vong mặc dù bác sĩ này phải thấy trước và có thể thấy trước hay tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể người bệnh có thể gây ra tử vong nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra. Như vậy, nếu bác sĩ Lương không có sự tác động vào cơ thể người bệnh thì không phải là hành vi khách quan của tội vô ý làm chết người.

Hành vi ra y lệnh lọc máu của bác sĩ Hoàng Công Lương có trực tiếp tác động đến cơ thể những người bệnh tử vong hay không, mong cơ quan truy tố nhìn nhận lại và tìm hiểu kỹ hơn về quy trình kỹ thuật chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bác sĩ chỉ tác động đến cơ thể bệnh nhân khi khám lâm sàng, còn khi ra y lệnh là trên cơ sở kết quả thăm khám đủ điều kiện cho lọc máu và đồng hồ đo độ dẫn điện đã báo chỉ số an toàn. Hành vi ra y lệnh lọc máu hoàn toàn không tác động đến cơ thể người bệnh có yêu cầu lọc máu. Chỉ xét riêng vấn đề này, dưới góc độ khoa học hình sự đã cho thấy việc truy tố Hoàng Công Lương là oan.

Còn về ý thức chủ quan của người phạm tội (đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người) – đó là lỗi của người phạm tội chỉ là thực hiện hành vi của mình với lỗi vô ý (khoa học hình sự gọi là vô ý vì cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin). Nếu không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả làm chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó thì thuộc lỗi vô ý vì cẩu thả. Còn nếu thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được thì thuộc lỗi vô ý vì quá tự tin. Đó là lý luận chung về lỗi của tội danh.

Lương có lỗi gì, làm sai chuyên môn điều trị của mình ở điểm nào trong khi mà kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá sự cố y khoa khẳng định trước, trong, sau khi xảy ra sự cố bác sĩ điều trị đều tuân thủ đúng Quy chế Bệnh viện, do vậy nguyên nhân chết người nghĩ nhiều đến nguồn nước?

Những nội dung này, đã có quá nhiều người đề cập và tranh luận, tại phiên tòa chúng tôi sẽ phân tích để vô hiệu hóa những lập luận truy tố phản khoa học hình sự….

Một sợi dây buộc vào đồ vật chặt quá còn dễ đứt, huống hồ buộc lỏng thì chỉ tuột nhanh mà thôi… Nhưng kiếp người thì đâu dễ buộc?

Theo Facebook Luật sư Trần Hồng Phúc

(*) Bài viết được đăng vào ngày 27/12/2018. Trước đó, ngày 7/12, VKSND tỉnh Hòa Bình đã tống đạt bản cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người thiệt mạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (tháng 5/2017).

Bác sĩ Hoàng Công Lương (SN 1986) và bị can Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) cùng bị truy tố về tội danh “Vô ý làm chết người”. Tội danh này có khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.

5 bị can khác gồm ông Trương Quý Dương (SN 1962, cựu Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (SN 1962, cựu Phó giám đốc), Trần Văn Thắng (SN 1965, cựu Trưởng phòng Vật tư), Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ Phòng Vật tư) và ông Đỗ Anh Tuấn (SN 1976, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, có khung hình phạt từ 3-12 năm tù.

Theo diễn biến gần đây nhất, ngày 14/1/2019, TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận. Chiều 21/1, đại diện VKSND TP Hòa Bình công bố bản luận tội các bị cáo, trong đó, bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị mức án 36-42 tháng tù.

Tựa bài do TTVN đặt (BBT).

Xem thêm: